Số dư tiền mặt trong tài khoản nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán cuối tháng 9/2021 đạt trên 92.000 tỷ đồng.
Dòng tiền dồi dào
Thống kê cho thấy, tính đến cuối quý III/2021, số dư tiền mặt trong tài khoản nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán lập kỷ lục khi đạt trên 92.000 tỷ đồng, tăng khoảng 6.000 tỷ đồng so với cuối quý II. Dòng tiền chờ sẵn trên thị trường chứng khoán rất lớn và tiếp tục có xu hướng tăng trong bối cảnh lãi suất duy trì ở mức thấp, cũng như nhiều kênh đầu tư khác kém hấp dẫn.
Bên cạnh đó, dịch Covid-19 dần được kiềm chế, nhưng hoạt động sản xuất - kinh doanh vẫn bấp bênh, nên một bộ phận dòng tiền này tạm thời tìm cơ hội trên sàn chứng khoán.
VN-Index gần đây tái chinh phục ngưỡng 1.400 điểm mà không cần một đợt điều chỉnh nhằm kích thích lực cầu. Tuy nhiên, thị trường có duy trì được sắc xanh hay không phụ thuộc vào động lực tăng giá của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Bởi lẽ, nhóm vốn hóa vừa và nhỏ không phải là các nhóm thu hút mạnh dòng tiền.
Theo ông Võ Thế Vinh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam, dòng tiền mới từ các nhà đầu tư cá nhân vẫn chảy vào thị trường. Dư nợ margin lập đỉnh mới, nhưng rủi ro thị trường điều chỉnh dẫn tới hoạt động bán giải chấp sẽ chỉ xảy ra tại một số cổ phiếu riêng lẻ và áp lực này đối với các cổ phiếu blue-chip không lớn.
Dư nợ margin tại 60 công ty chứng khoán tính đến cuối quý III/2021 lập kỷ lục mới, đạt gần 154.000 tỷ đồng.
Tính đến cuối quý III/2021, dư nợ cho vay tại 60 công ty chứng khoán tốp đầu đạt gần 154.000 tỷ đồng, cao kỷ lục kể từ khi thị trường chứng khoán được thành lập. Tuy vậy, con số này là hợp lý xét trong bối cảnh chứng khoán trở thành kênh đầu tư được quan tâm hàng đầu, với số lượng tài khoản mở mới liên tục tăng cao.
Nói về tình trạng “căng” margin, đại diện Công ty Chứng khoán VietinBank cho rằng, hiện tượng này chỉ xảy ra với một vài công ty chứng khoán đơn lẻ, không phản ánh bức tranh chung của ngành.
Tỷ lệ dư nợ margin/vốn chủ sở hữu tại nhiều công ty chứng khoán lớn như SSI, VND, VCI, SHS… đang trong giới hạn cho phép (dưới 2 lần). Do vậy, áp lực bán cổ phiếu vì lý do “căng” margin sẽ không gây tác động mạnh khiến thị trường điều chỉnh sâu.
Trong khi đó, lượng tiền mặt rất lớn ở các tài khoản chứng khoán cho thấy, nhà đầu tư vẫn rất quan tâm đến thị trường, chực chờ giá giảm là giải ngân. Điều này được thể hiện rõ trong các phiên giảm điểm, lực cầu tăng nhanh giúp chỉ số hồi phục mạnh trong khoảng thời gian ngắn.
Giá trị giao dịch bình quân kể từ đầu tháng 10/2021 tới nay khoảng 26.000 tỷ đồng/phiên, thấp nhất trong 3 tháng qua. Thanh khoản thị trường chưa trở lại mức cao cũ trong tháng 6/2021 là bình quân 29.700 tỷ đồng/phiên, dù số lượng tài khoản mở mới ngày càng nhiều, trong khi dư nợ margin tăng.
Nguyên nhân chính là do mức độ tập trung vốn ở nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh, từ mức chiếm tỷ trọng 45% toàn thị trường trong tháng 6 xuống còn hơn 17% trong những phiên gần đây.
Ông Trần Đức Anh, Giám đốc chiến lược và vĩ mô, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam cho biết, tính riêng sàn HOSE, giá trị giao dịch khớp lệnh trong 9 tháng đầu năm 2021 tăng hơn 4 lần và giá trị vốn hoá toàn sàn tăng 57% so với cùng kỳ năm 2020. Vì thế, dư nợ margin tính đến cuối tháng 9 tăng 74,6% so với đầu năm không phải là mức tăng trưởng quá cao, dù việc này dẫn đến tâm lý e ngại ở không ít nhà đầu tư.
Đó là chưa kể, số lượng tài khoản mở mới vẫn không ngừng tăng nhanh và một loạt công ty chứng khoán thực hiện tăng vốn để bổ sung nguồn vốn cho vay margin. Dư nợ margin tăng nằm trong xu hướng tăng trưởng của thị trường chứng khoán và các công ty chứng khoán vẫn đang đảm bảo các quy định về an toàn vốn.
“Tôi không cho rằng, margin hiện nay là yếu tố cảnh báo rủi ro nghiêm trọng, dù kết hợp với các thông tin cơ bản tiêu cực có thể khiến áp lực bán gia tăng”, ông Đức Anh nói.
Một số nhà đầu tư chia sẻ, cuối tuần trước và đầu tuần qua, công ty chứng khoán nơi họ mở tài khoản ra thông báo siết cho vay ký quỹ dẫn đến giá cổ phiếu giảm, buộc nhà đầu tư phải bán bớt danh mục để đáp ứng quy định mới về margin. Sau đó, thị trường nhanh chóng bật tăng, khiến họ “mất hàng”.
Sẵn sàng giải ngân
Theo lãnh đạo một công ty chứng khoán, lượng tiền mặt của các nhà đầu tư cuối quý II/2021 là hơn 70.000 tỷ đồng, cuối quý III/2021 tăng lên hơn 90.000 tỷ đồng, gấp khoảng 3 lần giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên trên 3 sàn giao dịch.
Thanh khoản thị trường cao như hiện tại là nhờ có lượng tiền lớn của nhà đầu tư chảy vào khi chu kỳ thanh toán T+2 không thay đổi.
Việc này giống như vòng quay vốn lưu động trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nếu vòng quay không đổi, doanh thu tăng thì vốn lưu động phải tăng. Lượng tiền tăng thể hiện nhiều người mua và nhiều người bán, giúp giao dịch sôi động. Lượng tiền mặt trong tài khoản có thể sẵn sàng để mua chứng khoán, nhưng cũng có thể được nhà đầu tư rút ra khi cần.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS nhận định, hiện tại, dòng tiền cũ về cơ bản vẫn đang ở trong thị trường chứng khoán, trong khi dòng tiền mới cũng như lượng tiền chờ đợi thị trường điều chỉnh để mua vào rất tiềm năng. Thanh khoản thị trường nhiều khả năng sẽ duy trì ở mức cao, ít nhất từ nay cho đến cuối năm 2021.
Về cơ hội đầu tư, cổ phiếu nhóm bất động sản tiếp tục được nhà đầu tư quan tâm. Bên cạnh các mã thuộc VN30 như GVR, PDR, KDH, NVL tăng giá, không ít mã bất động sản có quy mô nhỏ hơn cũng có diễn biến khả quan, giao dịch sôi động.
Dòng tiền chảy vào nhóm cổ phiếu này với niềm tin rằng, Chính phủ sẽ triển khai gói kích thích kinh tế lớn và bất động sản là một trong những ngành được hưởng lợi, đặc biệt khi quý IV là mùa vụ kinh doanh của các doanh nghiệp địa ốc, thường mang lại doanh thu, lợi nhuận cao so với các quý khác.
Nhóm cổ phiếu bất động sản nói chung, bất động sản khu công nghiệp và bất động sản thương mại nói riêng kể từ đầu năm 2021 đến nay mang lại mức sinh lời tốt hơn so với thị trường chung. Do giá cổ phiếu đã tăng nhiều nên mức độ hấp dẫn hiện tại tùy thuộc vào khẩu vị rủi ro cũng như kinh nghiệm giao dịch của các nhà đầu tư.
Dòng tiền dù là tiền “tươi” hay đi vay thì vẫn luôn xoay chuyển giữa các nhóm cổ phiếu để tìm cơ hội, tập trung vào những nhóm ngành có triển vọng tăng trưởng mạnh vì sóng cổ phiếu thường dài và bền vững như thép, chứng khoán, phân đạm.
Các nhóm ngành khác như dệt may, bảo hiểm, bất động sản, dầu khí thường có nhịp sóng ngắn hơn, nhưng cổ phiếu một số doanh nghiệp cụ thể vẫn có sóng dài. Thị trường chứng khoán hiện tại vẫn được đánh giá là hấp dẫn trong dài hạn.
Vì vậy, nhà đầu tư dài hạn có thể sử dụng margin ở mức vừa phải nhằm tận dụng cơ hội giải ngân ở các nhịp điều chỉnh. Ngược lại, nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội ngắn hạn, có kinh nghiệm và ưa mạo hiểm, thường có xu hướng sử dụng margin tối đa.
Hiện tại, nhiều nhà đầu tư đang trong giai đoạn chọn lựa cổ phiếu dựa trên triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp, không còn mải mê chạy theo các cổ phiếu nóng, thị giá thấp. Nhà đầu tư có chiến lược mua tích lũy các cổ phiếu triển vọng, đồng thời điều chỉnh linh hoạt tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục.
Theo Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhà đầu tư cũng cần có chiến lược linh hoạt trong ngắn hạn do dòng tiền liên tục luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu. Trong đó, nhà đầu tư nên ưu tiên nắm giữ trung hạn các cổ phiếu hàng đầu, có kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh trong ngành thép, chứng khoán, ngân hàng, hóa chất.
Được biết, với nhóm ngân hàng, sau vài ba tháng có giá và thanh khoản giảm, cổ phiếu đã có dấu hiệu thu hút dòng tiền trở lại, khi mức định giá hấp dẫn hơn và kết quả lợi nhuận quý III/2021 không xấu như dự báo.
Tác giả: Hoàng Anh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy