Dòng sự kiện:
Thị trường chứng khoán Việt Nam nhiều cơ hội vào 'tầm ngắm' nâng hạng của PTSE
09/09/2018 06:00:57
Trong báo cáo của một số công ty chứng khoán vừa công bố, điểm đáng chú ý là nhận định: TTCK Việt Nam đang có nhiều cơ hội vào "tầm ngắm" nâng hạng trong tháng 9/2018 của tổ chức xếp hạng lớn FTSE.

Vì sao cần nâng hạng?

Chia sẻ trên CafeF.vn, ông Nguyến Đức Hùng Linh, giám đốc khối phân tích và tư vấn khách hàng cá nhân CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho biết, trên thế giới, các thị trường tài chính được xếp hạng vào 3 nhóm chính, cao nhất là thị trường phát triển (Developed Market), tiếp đến là thị trường mới nổi (Emerging Market) và thấp nhất là thị trường cận biên (Frontier Market).

Có 3 tổ chức lớn về xếp hạng thị trường bao gồm MSCI, FTSE Russell, và S&P Dow Jones. Các tổ chức này đánh giá xếp hạng thị trường định kỳ hàng năm. Mỗi tổ chức có một hệ thống tiêu chí đánh giá riêng nhưng đều tập trung vào các khía cạnh cơ bản như: mức độ phát triển của nền kinh tế, sự ổn định về chính trị, quy mô và tính thanh khoản của thị trường, hiệu quả vận hành của thị trường, khả năng tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài, khả năng lưu chuyển dòng vốn,...

Hiện tại theo tiêu chuẩn của cả 3 tổ chức xếp hạng trên, Việt Nam đang được xếp vào nhóm thấp nhất Frontier Market.

Việc nâng hạng hay hạ bậc thị trường của 3 tổ chức trên hoàn toàn dựa vào sự chuyển biến, thay đổi thực chất của chính thị trường được đánh giá xếp hạng chứ không phụ thuộc vào một ý chí chủ quan nào khác. Do vậy FTSE ghi rõ “các quốc gia không nên thay đổi xếp hạng thường xuyên, chỉ khi các tiêu chí đã được thỏa mãn và xác nhận trong một thời gian, và nhà đầu tư cần được báo trước về sự thay đổi”, trong khi MSCI cũng chỉ quyết định nâng bậc thị trường nếu “việc thay đổi xếp hạng thị trường khó có thể đảo ngược”.

Ông Linh cũng cho biết, việc nâng hạng thị trường không chỉ là cách xây dựng hình ảnh cho thị trường tài chính quốc gia mà nó còn tác động trực tiếp lên khả năng thu hút dòng vốn nước ngoài. Không chỉ riêng Việt Nam mà nhiều thị trường Frontier market (FM) khác cũng đang nỗ lực để được nâng hạng lên Emerging market (EM) bởi những lý do sau:

Thứ nhất, các thị trường EM có quy mô lớn hơn và chất lượng tốt hơn FM, trong khi tiềm năng tăng trưởng lại cao hơn DM. Dòng vốn mà các EM thu hút được có tính ổn định hơn so với những dòng tiền nóng đầu tư vào các thị trường FM. Các quỹ đầu tư theo phương pháp thụ động, tiêu biểu như các ETFs, hiện tập trung đầu tư vào các thị trường EM cũng sẽ tự động phân bổ một phần vốn vào các thị trường mới được nâng hạng lên EM.

Thứ hai, để đáp ứng các tiêu chuẩn nâng hạng thị trường lên EM, bên cạnh việc gia tăng quy mô, tính thanh khoản hay mức độ tiếp cận của nhà đầu tư nước ngoài, thị trường Việt Nam còn có áp lực phải cải thiện các điều kiện giao dịch như hệ thống vận hành, khung thể chế, tính minh bạch về thông tin.

Trong quá trình xem xét, các tổ chức xếp hạng cũng chủ động hỗ trợ các quốc gia hiểu được tình trạng hiện tại cũng như các tiêu chuẩn cần đạt được để có những thay đổi thích hợp. Quá trình này là tác nhân chính giúp các thị trường FM được hưởng lợi từ việc nâng hạng, trong khi quyết định nâng hạng chỉ đóng vai trò xác nhận các điều kiện trên.

Cơ hội nâng hạng của Việt Nam

Theo báo cáo của CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) trên Bizlive.vn, FTSE Russell - 1 trong 2 đơn vị cung cấp bộ chỉ số lớn nhất thế giới, sẽ công bố quyết định nâng hạng thị trường vào cuối tháng 9 này. Việt Nam có nhiều cơ hội được xem xét đưa vào danh mục theo dõi trong kỳ này.

Hiện Việt Nam là quốc gia có tỷ trọng lớn nhất trong các chỉ số FTSE thị trường cận biên khi thỏa mãn hầu hết các điều kiện nâng hạng thị trường mới nổi sơ cấp.

Hơn 5 cổ phiếu của Việt Nam đã đạt yêu cầu vào chỉ số FTSE toàn cầu so với yêu cầu tối thiểu 3 công ty. Việt Nam vẫn còn 3 tiêu chí chưa đạt yêu cầu và 8 tiêu chí giới hạn trong số 21 tiêu chí trong bảng ma trận chất lượng thị trường của FTSE.

So với các nước thuộc nhóm thị trường mới nổi thứ cấp như Trung Quốc có 6 tiêu chí chưa đạt và 1 tiêu chí giới hạn, Ấn Độ có 6 tiêu chí chưa đạt và 4 tiêu chí giới hạn và Phillipines có 2 tiêu chí chưa đạt và 5 tiêu chí giới hạn thì Việt Nam đang có cơ hội không nhỏ lọt vào danh sách theo dõi trong tháng 9/2018.

Theo BSC, trường hợp được đưa vào danh sách theo dõi, Việt Nam cần 1-2 năm cải thiện để chính thức nâng hạng vào tháng 3 và tháng 9 các năm sau.

Trước đó, báo cáo của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng cho biết, Việt Nam có cơ hội được vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE trong kỳ phân loại tháng 9/2018.

Theo BVSC, dựa theo bảng tiêu chí được đưa ra bởi FTSE trong tháng 3/2018, Việt Nam đã thỏa mãn 8 trong 9 điều kiện kiên quyết để được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Điều đó có nghĩa là khả năng rất cao Việt Nam sẽ được đưa vào danh sách để theo dõi xem xét nâng hạng.

Yếu tố duy nhất còn chưa được thỏa mãn là thanh toán bù trừ (Clearing & Settlement). Dựa trên tham chiếu từ báo cáo của MSCI phát hành vào tháng 6/2018, rất có khả năng là do Việt Nam chưa có trung tâm thanh toán bù trừ (clearing house) riêng biệt mà chức năng của trung tâm này vẫn đang do Trung tâm lưu ký chứng khoán đảm nhiệm.

Nếu được vào danh sách theo dõi nâng hạng trong kỳ phân loại tháng tới và có những sự cải thiện cần thiết để thỏa mãn tiêu chí cuối cùng này, Việt Nam có thể sẽ chính thức được nâng hạng lên thị trường mới nổi vào tháng 9/2019 sau khi đã thỏa mãn điều kiện tối thiểu 1 năm trong danh sách theo dõi của FTSE.

Theo Hải quan

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến