Dòng sự kiện:
Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đối diện với nhiều rủi ro
25/02/2023 16:23:02
Theo SHS, trong trường hợp VN-Index tiếp tục suy yếu, nhà đầu tư ngắn hạn không nên giải ngân mà nên giảm tỷ trọng danh mục khi VN-Index có khả năng quay về xu hướng giảm trung hạn.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Thị trường quay trở lại đà điều chỉnh trong tuần qua với mức giảm vừa phải nhưng thanh khoản có sự gia tăng rõ nét, áp lực bán tương đối mạnh.

Giới phân tích nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn đối diện với nhiều rủi ro vì đang thiếu thông tin tích cực, trong khi thông tin tiêu cực xuất hiện nhiều ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư.

Nhà đầu tư bán mạnh cổ phiếu

Thị trường chứng khoán Việt Nam biến động mạnh trong tuần vừa qua và phần thắng dần nghiêng về bán cổ phiếu. Cụ thể, sau khi hồi phục nhẹ 0,4% vào tuần trước đó với thanh khoản đi ngang, chỉ số VN-Index bắt đầu tuần mới (phiên 20/2) bằng một phiên tăng điểm mạnh lên mức 1.086,7 điểm, tăng 2,6% so với phiên trước đó (phiên 17/2).

Tuy nhiên, theo Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, những thông tin tiêu cực liên quan tới doanh nghiệp chậm trả lãi trái phiếu đã khiến tâm lý thị trường trở nên bi quan, cộng hưởng với đà bán ròng của khối ngoại đã khiến thị trường chìm trong sắc đỏ trong 4 phiên sau đó.

Kết thúc tuần giao dịch (từ 20-24/2), VN-Index đóng cửa tại mức 1.039,6 điểm, giảm 1,9% so với tuần trước. Tương tự, HNX-Index và UPCOM-Index đều giảm lần lượt về mức 207,3 điểm, tương ứng giảm 1,3% so với tuần trước và 76,7 điểm, tương ứng giảm 2,8% so với tuần trước.

Thanh khoản thị trường tuần qua tăng mạnh với giá trị giao dịch bình quân 3 sàn tăng 29,2% lên mức 12.919 tỷ đồng/phiên.

Đà giảm của thị trường một phần đến từ khối ngoại khi khối này bán ròng 1.421 tỷ đồng trên sàn HOSE, tăng 201,2% so với tuần trước. Khối ngoại chỉ mua ròng trên sàn HNX-Index và UPCOM-Index với giá trị thấp, lần lượt đạt 125 tỷ, tương ứng tăng 98,4% so với tuần trước và gần 7 tỷ đồng, giảm 58,3% so với tuần trước.

Công ty trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho biết cuối tuần qua, nhà đầu tư dành sự quan tâm tới hội nghị trực tuyến "Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững." Tuy vậy, có thể thấy mức độ phức tạp của những khó khăn được đề cập. Do đó, bất kỳ biện pháp nào cũng yêu cầu thời gian để đánh giá tính khả thi, hiệu ứng chính sách trước khi chính thức được đưa ra triển khai.

Trong khi đó, tâm lý nhà đầu tư tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các thông tin về một số trường hợp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu doanh nghiệp. Cùng lúc, trên thị trường thế giới biên bản cuộc họp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục phát đi tín hiệu về việc động thái tăng lãi suất trong tương lai vẫn cần thiết.

Thị trường điều chỉnh trong tuần qua khiến cho toàn bộ các nhóm ngành chính đều có sự suy giảm. Nhóm cổ phiếu tài chính giảm mạnh nhất với 2,8% giá trị vốn hóa; trong đó nhóm con là cổ phiếu bất động sản giảm mạnh với NLG giảm 8,9%, DXG giảm 7,2%, KDH giảm 6,5%, VHM giảm 5,3%, PDR giảm 3,7%, NVL giảm 2,1%...

Các nhóm ngành cổ phiếu thuộc nhóm tài chính còn lại là chứng khoán và bảo hiểm cũng giảm, nhưng mức đóng góp là ít hơn vào mức giảm chung của ngành tài chính.

Tiếp theo là nhóm cổ phiếu dầu khí với mức giảm 2,6% giá trị vốn hóa. Các đại diện tiêu biểu trong ngành có thể kể đến như PVD giảm 5,7%, PVT giảm 4,7%, PVS giảm 1,5%, BSR giảm 1,2%...

Ngành hàng tiêu dùng giảm 2,2% vốn hóa, do chịu áp lực điều chỉnh đến từ các cổ phiếu trụ cột như MSN giảm 5,9%, VNM giảm 1,7%, BHN giảm 1,1%...

Khách hàng tại một Công ty chứng khoán. (Nguồn: TTXVN)

Các ngành còn lại đều ghi nhận mức giảm nhưng nhẹ nhàng hơn, lần lượt là nguyên vật liệu giảm 1,8% giá trị vốn hóa. Trụ cột thị trường là ngân hàng cũng điều chỉnh giảm 1,5% giá trị vốn hóa, công nghiệp và công nghệ thông tin cùng mức giảm 1,1%, dược phẩm và y tế giảm 0,9% giá trị vốn hóa, tiện ích cộng đồng giảm 0,6% giá trị vốn hóa.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), thị trường trong ngắn hạn là tương đối khó dự báo và rủi ro gãy xu hướng hồi phục ngắn hạn đang tăng lên. Với trạng thái như hiện tại, nếu tuần tới VN-Index có thể phục hồi thì vẫn còn kỳ vọng sóng hồi phục tiếp tục và có thể giải ngân ngắn hạn.

Tuy nhiên, trong trường hợp VN-Index tiếp tục suy yếu, nhà đầu tư ngắn hạn không nên giải ngân mà nên giảm tỷ trọng danh mục khi VN-Index có khả năng quay về xu hướng giảm trung hạn.

Đối với đầu tư trung-dài hạn, cho dù VN-Index có trở lại vận động trong kênh giảm trung hạn thì khu vực từ 920-950 điểm vẫn có thể trở thành ngưỡng hỗ trợ mạnh và là vùng đáy trung hạn. Bởi lẽ, mặt bằng giá cổ phiếu đã giảm tương đối và trở nên hấp dẫn, đồng thời nhiều cổ phiếu chủ chốt vẫn vận động tích cực nên việc thị trường giảm điểm vẫn là cơ hội tăng tỷ trọng danh mục đầu tư.

Chứng khoán thế giới giảm sâu

Thị trường chứng khoán Việt Nam đi xuống trong bối cảnh các thị trường chứng khoán thế giới diễn biến tiêu cực trước áp lực lạm phát.

Trong tuần giao dịch ngắn ngày vừa qua, thị trường chứng khoán Mỹ diễn biến khá ảm đạm với các mức trồi sụt thất thường, khiến Phố Wall khép lại tuần giao dịch tồi tệ nhất kể từ đầu năm 2023, sau khi xuất hiện dấu hiệu cho thấy lạm phát của Mỹ tăng mạnh hơn dự báo trong tháng trước.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ngày 24/2, chỉ số Dow Jones giảm 1% xuống 32.816,92 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 1% còn 3.970,04 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 1,7% xuống 11.394,94 điểm.

Các chỉ số này khép lại tuần qua với mức giảm mạnh nhất trong năm 2023. S&P 500 giảm 2,7%, đánh dấu tuần tồi tệ nhất kể từ ngày 9/12/2022. Dow Jones mất gần 3% trong tuần này, ghi nhận 4 tuần giảm liên tiếp. Nasdaq Composite giảm 3,3%, đánh dấu tuần sụt giảm thứ 2 trong 3 tuần qua.

Giá cổ phiếu Boeing giảm hơn 4% sau khi công ty tạm thời ngừng giao các chiếc máy bay 787 Dreamliners do vấn đề về thân máy bay. Cổ phiếu Microsoft và Home Depot lần lượt giảm 2,2% và 0,9%.

Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi (PCE), một thước đo lạm phát ưa thích của Fed, tăng 0,6% trong tháng 1/2023 và tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với dự báo từ các chuyên gia kinh tế. Báo cáo này đã làm tăng thêm lo ngại rằng Fed có thể phải giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn để dập tắt áp lực lạm phát.

Tại châu Á, các thị trường chứng khoán diễn biến trái chiều trong phiên 24/2, khi các nhà giao dịch vẫn lo lắng về lãi suất dài hạn tại Mỹ.

Tuy nhiên, chứng khoán Nhật Bản đã thành điểm sáng hiếm hoi của khu vực sau khi người sắp trở thành thống đốc tiếp theo của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) phát tín hiệu sẽ duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng.

Chứng khoán Tokyo tăng hơn 1% trong phiên cuối tuần, với nhận xét từ ông Kazuo Ueda, người được Thủ tướng Fumio Kishida đề cử giữ chức vị Thống đốc BoJ, ủng hộ giữ nguyên các chính sách hiện thời đã giúp nhà đầu tư "thở phào nhẹ nhõm." Chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo tăng 1,29% lên 27.453,48 điểm.

Tại Trung Quốc, các chỉ số chính đều đi xuống trong phiên này khi các nhà giao dịch gạt bỏ đà phục hồi ở Phố Wall để tập trung vào khả năng Fed tăng lãi suất lên cao hơn. Chỉ số Hang Seng tại Hong Kong giảm 1,68% xuống 20.010,04 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 0,62% xuống 3.267,16 điểm

Chứng khoán Hàn Quốc kết thúc ngày thứ Sáu ở mức thấp hơn do nhóm cổ phiếu công nghệ có giá trị vốn hóa lớn mất điểm, trong bối cảnh nhà đầu tư thận trọng về đường lối chính sách tiền tệ của Mỹ. Chỉ số Kospi tại Seoul giảm 0,63% xuống 2.423,61 điểm.

Chứng khoán Mumbai và Bangkok cũng trong vùng giảm. Nhưng chứng khoán Sydney, Wellington, Singapore và Jakarta lại đi lên./.

Tác giả: Văn Giáp

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến