Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam, còn gọi là hiệp định EVFTA, mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam đưa hàng hóa xuất khẩu vào thị trường EU, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản như thanh long, xoài, chôm chôm, bưởi, sầu riêng... vốn là thế mạnh của nền nông nghiệp Việt. Đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành, gây nhiều khó khăn cho xuất khẩu nông sản trong nước, đang phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc.
EVFTA mở đường cho nông sản Việt
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngay sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng được hưởng ngay thuế suất 0% như: cà phê, rau quả, hạt tiêu, mật ong tự nhiên… Riêng sản phẩm gỗ, 83% dòng thuế được xóa bỏ ngay và 17% sẽ được xóa bỏ trong 3-7 năm sau như ván dăm, sợi, gỗ dán...
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là xuất khẩu có thể bật tăng thần kỳ nhờ thị trường EU mở cửa và họ nhập hết các loại nông sản Việt xuất sang bởi EU có nhiều quy định không chỉ liên quan đến tiêu chuẩn sản phẩm mà cả đối với quy trình sản xuất ra sản phẩm đó. Chẳng hạn, không được dùng hải sản được đánh bắt bất hợp pháp hay không được dùng gỗ khai thác từ rừng tự nhiên mà chưa được phép…
Nông sản Việt cần tận dụng ngay cơ hội để vào thị trường EU ngay sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. (Ảnh minh họa)
Với nông sản, dù EVFTA có ưu đãi với những quy định về biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) linh hoạt nhưng đa số ngành hàng nông sản của nước ta như thủy sản, rau quả... vẫn vấp phải những hạn chế do thiếu tính đồng nhất trong từng lô hàng, công tác thu hoạch bảo quản chưa tốt nên chất lượng còn hạn chế, khó vượt được tiêu chuẩn khắt khe của thị trường EU.
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, để tận dụng được ưu đãi từ EVFTA, doanh nghiệp cần đảm bảo sản phẩm của mình đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, về tiêu chuẩn kỹ thuật và về vệ sinh an toàn động thực vật của EU.
Năm 2019, ngành nông nghiệp xuất khẩu hơn 40 tỷ USD, trong đó nhiều nhóm hàng lớn như rau quả (3,75 tỷ USD), thủy sản (8,54 tỷ USD), gạo (2,7 tỷ USD)..., tuy nhiên, tỷ trọng xuất của các nhóm hàng này vào EU vẫn còn rất khiêm tốn.
Trong những năm qua, không ít lô hàng thực phẩm, rau quả và thủy sản của Việt Nam bị giám sát do không đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, thậm chí bị trả về. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do những lô hàng này không đáp ứng yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm của EU, chứa các chất vượt mức cho phép hoặc bị cấm sử dụng trong thực phẩm.
Nếu không nâng cấp được chất lượng hàng xuất khẩu và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của EU, đặc biệt là về truy xuất nguồn gốc..., các doanh nghiệp sẽ không tận dụng được tối đa các ưu đãi do EVFTA mang lại, ông Lương Hoàng Thái nêu rõ.
Cơ hội hoàn thiện chuỗi giá trị
Còn theo nhận định của ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), EVFTA sẽ là đòn bẩy tăng trưởng kinh tế và mở rộng sự thâm nhập của nông sản Việt Nam vào thị trường có GPD lên đến 18.000 tỷ USD. Trước mắt, EU sẽ xóa bỏ các loại thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% dòng thuế tương đương khoảng 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này.
Trong danh mục các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam có rất nhiều nông sản có lợi thế. Việt Nam có năng lực xuất khẩu mạnh mẽ vào châu Âu ở nhóm hàng thủy sản, trái cây (cả tươi lẫn chế biến), ông Toản cho hay.
Khi EVFTA được phê chuẩn, đã có 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU bảo hộ, trong đó gồm nhiều sản phẩm truyền thống, ví dụ như nước mắm Phú Quốc. Điều này nâng tầm cho nông sản Việt Nam bằng tính truyền thống, đặc thù, đặc sản.
Sau lộ trình thuế quan, gần 100% các sản phẩm Việt Nam sẽ được xóa bỏ thuế, đây là mức cam kết lớn nhất mà một đối tác đưa ra cho Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do mà chúng ta đã ký kết. Như vậy, EVFTA sẽ giúp Việt Nam mở cửa với châu Âu, một thị trường truyền thống tiềm năng, đa dạng hóa về nhu cầu nhưng cũng khắt khe về tiêu chuẩn, ông Nguyễn Quốc Toản lưu ý.
Theo Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản , EVFTA cũng là đòn bẩy, thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp toàn diện và đồng bộ hơn, đặc biệt là việc nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp.
Cụ thể, Việt Nam sẽ tập trung vào các sản phẩm xuất khẩu chính ngạch giá trị cao vào thị trường EU. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần tái cơ cấu một số ngành hàng, nổi lên là các sản phẩm trái cây và thủy sản (tôm và cá tra).
Ngoài ra, cũng nên chú ý hơn vào lâm sản, nhóm sản phẩm chủ lực của Việt Nam với thị trường EU và đóng góp đến 11,2 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2019. Một điều cần làm nữa là thúc đẩy liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân. “Chỉ bằng con đường liên kết chặt chẽ chúng ta mới có thể hoàn thiện được chuỗi giá trị từ sản xuất, canh tác, chế biến cho đến lưu thông, phân phối tới người tiêu dùng”, ông Toản nêu ý kiến.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy