Dòng sự kiện:
Thị trường hàng không sẽ mất 3 năm để phục hồi
26/11/2020 19:33:41
Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) Phạm Văn Hảo dự báo, thị trường hàng không phải mất tới 3 năm mới phục hồi về mức như năm 2019.

Thị trường hàng không mất tới 3 năm mới phục hồi đạt như năm 2019. Ảnh: VGP.

Thông tin được đưa ra tại Hội thảo quốc gia “Vượt qua khủng hoảng phát triển bền vững ngành hàng không Việt Nam” diễn ra sáng nay (26/11).

Ông Phạm Văn Hảo cho biết: Theo đánh giá của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO) sẽ có 2 kịch bản phát triển cho ngành hàng không.

Kịch bản thứ nhất, hàng không sẽ phát triển theo mô hình chữ V sụt giảm theo đáy và phát triển nhanh trở lại. Còn kịch bản 2, hàng không sẽ phát triển mô hình Chữ U quy luật sẽ giảm xuống đáy và kéo dài từ 3-5 tháng đi kèm suy giảm kinh tế, dự báo thị trường hàng không sụt giảm 48-71% tùy theo diễn biến dịch bệnh.

Ông Hảo đánh giá hàng không Việt Nam sẽ theo kịch bản thứ nhất, đó là từng bước phục hồi theo mô hình chữ V. Hiện, Cục Hàng không Việt Nam đang phối hợp với các hãng nghiên cứu trình Chính phủ mở lại chuyến bay quốc tế đến nước ta với mục tiêu kiểm soát dịch bệnh, không mở cửa ào ạt hay vì kinh tế mà bỏ qua dịch bệnh.

“Dự kiến, thị trường hàng không mất tới 3 năm mới phục hồi về mức như năm 2019,” ông Hảo khẳng định.

Về phía các hãng hàng không, bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó Tổng Giám đốc Vietjet cho biết, Vietjet đã lỗ 2.400 tỷ đồng trong 9 tháng qua và số nợ là 10.000 tỷ đồng dù đã bán hay chuyển nhượng tài sản đã tích lũy trong nhiều năm. Hãng hàng không Vietjet cũng kiến nghị được vay 3-5 năm bằng nguồn tái cấp vốn Nhà nước từ Ngân hàng Nhà nước tới ngân hàng thương mại để cho doanh nghiệp hàng không vay. Khi phục hồi, các hãng sẽ trả lãi vay ưu đãi và vốn vay để vượt qua giai đoạn khủng hoảng.

Ông Nguyễn Tiến Hoàng, Phó Trưởng ban Kế hoạch phát triển Vietnam Airlines (VNA) cho hay, dự báo thiệt hại hàng không Việt Nam là 4 tỷ USD trong năm nay. Riêng, Vietnam Airlines doanh thu giảm hơn nữa, số lỗ năm nay dự kiến khoảng14.000 - 15.000 tỷ đồng. Mặc dù thị trường nội địa tuy có phục hồi nhưng hiện nay sức mua yếu, giá vé lại giảm mạnh còn thị trường quốc tế “đóng băng” nhưng VNA với đà suy thoái kinh tế và tâm lý lo ngại đó vẫn là rào cản kéo dài phục hồi ngành hàng không nói chung.

Lắng nghe các ý kiến phát biểu, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, thời gian qua Chính phủ cũng đã rất quan tâm tới phát triển của ngành hàng không. Ngoài việc bố trí nguồn vốn nhà nước hoặc tạo cơ chế để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng bao gồm cả hạ tầng giao thông kết nối và phát triển đội tàu bay cho ngành, Chính phủ đã rất quan tâm xây dựng hành lang pháp lý để tạo môi trường hoạt động ngành hàng không ngày càng thuận lợi, bổ sung hoặc sửa đổi cơ chế chính sách, thay đổi các mô hình quản lý, đảm bảo cho các tổ chức, các doanh nghiệp trong ngành hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.

Trong thời gian dịch bệnh ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động của ngành, Đảng, Nhà nước và trực tiếp Bộ GTVT đã có những chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhanh chóng phục hồi trở lại.

“Tuy nhiên, ngành hàng không Việt Nam vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức nghiêm trọng. Chính vì thế, cả doanh nghiệp lẫn các cơ quan quản lý nhà nước cần chủ động, tích cực thông tin trao đổi các hoạt động của mình, cùng nhau tìm kiếm những giải pháp thích hợp để đảm bảo cho ngành hàng không Việt Nam phát triển với tốc độ nhanh, đóng góp tích cực hơn nữa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nâng cao đời sống của nhân dân”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Tác giả: Phan Trang
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến