Tin liên quan
Rẻ từ vài chục đến cả trăm triệu đồng
Thời điểm hiện tại, 1 Euro đổi được khoảng 1,05 USD. Đây là mức tỷ giá thấp nhất của đồng Euro so với đồng USD trong vòng 12 năm trở lại đây. Tính từ đầu năm, Euro đã mất giá hơn 11% so với USD.
Tốc độ mất giá mạnh của đồng Euro cho thấy tác động mạnh mẽ từ chương trình mua vào trái phiếu khổng lồ mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) triển khai từ 9/3/2015. Đây là chương trình được Chủ tịch ECB Mario Draghi khởi xướng, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chống nguy cơ suy thoái và chống giảm phát. Về lý thuyết, một đồng Euro yếu sẽ giúp tăng cường sức cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Eurozone trên thị trường toàn cầu, theo đó giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực.
So với VND, đồng Euro thời gian qua cũng mất giá mạnh. Hiện 1 Euro chỉ đổi được 22.611 VND. Tốc độ mất giá của Euro so với VND trong 3 tháng đầu năm 2015 lên tới 13,5%.
Euro mất giá mạnh khiến cho giá nhập khẩu ô tô từ các quốc gia sử dụng đồng tiền chung châu Âu, cụ thể là Pháp và Đức, giảm mạnh, một số mẫu xe đã giảm giá cả trăm triệu đồng.
Mới đây, Tập đoàn ô tô Trường Hải, nhà phân phối chính thức xe Peugeot tại Việt Nam đã công bố giảm giá một loạt mẫu xe Peugeot từ 20 đến 240 triệu đồng.
Theo đó, mẫu Peugeot 508 giảm 185 triệu đồng, xuống còn 1,39 tỷ; Peugeot RCZ giảm 240 triệu đồng, còn 1,755 tỷ; Peugeot 208 giảm 58 triệu, xuống còn 890 triệu đồng và Peugeot 408 Deluxe giảm 20 triệu, xuống còn 925 triệu đồng.
Peugeot tại Việt Nam đã công bố giảm giá một loạt mẫu xe Peugeot từ 20 đến 240 triệu đồng.
Cùng với Peugeot, nhà phân phối chính thức xe BMW tại Việt Nam cũng công bố giảm giá một số mẫu xe, chẳng hạn như mẫu 320i giảm 49 triệu đồng, còn xấp xỉ 1,4 tỷ đồng; 730i giảm giá 241 triệu đồng, còn 4 tỷ đồng; 730Li giảm 211 triệu đồng, còn 5,57 tỷ đồng...
Một số thương hiệu xe nhập khẩu khác từ CHLB Đức, khi được hỏi cũng khẳng định, do Euro giảm giá nên có giảm giá xe cho khách hàng. Tuy nhiên, các đơn vị này không công bố rộng rãi và cũng không tiết lộ mức giá giảm cụ thể là bao nhiêu.
Song, bên cạnh một số mẫu xe giảm giá, vẫn có nhiều mẫu giá giữ nguyên. Lý giải vì sao Euro giảm mà xe nhập có mẫu giảm nhiều, có mẫu giảm ít, có mẫu không giảm, đại diện một DN cho hay vì việc thay đổi giá cả phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như số lượng xe nhập nhiều hay ít, giá bán ra của nhà cung cấp cùng các trang thiết bị đi kèm... Vì vậy, không thể nói, cứ Euro giảm giá thì tất cả các mẫu xe đều giảm theo một tỷ lệ tương ứng.
Giám đốc một DN đã từng kinh doanh xe nhập khẩu nhận xét, xem trong số các mẫu xe nhập khẩu từ châu Âu công bố giảm giá, chủ yếu là các xe có doanh số bán thấp, nhân cơ hội này nhà phân phối quyết định giảm giá để kích cầu. Còn hầu hết những mẫu xe bán chạy không thấy công khai giảm giá.
"Đáng ra, những mẫu xe bán chạy, nhập số lượng lớn thì phải giảm giá mạnh mới đúng. Nói chung, giá nhập khẩu ô tô giảm, đang mang lại lợi nhuận lớn cho nhà phân phối nhưng người ta vẫn không muốn chia sẻ với khách hàng", vị này nói.
Trước đó, từ đầu năm 2015 thuế suất thuế nhập khẩu ô tô có dung tích xi lanh trên 2.500 cc giảm 3 điểm phần trăm, xuống còn 64% và nhóm xe bốn bánh chủ động (xe 2 cầu) có thuế suất giảm 4 điểm phần trăm, xuống 55% so với năm 2014, nhưng duy nhất chỉ có 1 thương hiệu ô tô giảm giá là Lexus. Mức giá giảm do thuế giảm với xe Lexus thấp nhất là 40 triệu đồng, cao nhất là 181 triệu đồng.
Trong khi đó, các DN nhập khẩu xe từ châu Âu không thấy giảm giá. Từ cuối năm ngoái tới nay, các đơn vị này đang thu lợi lớn do tỷ giá Euro và VND giảm mạnh, vị giám đốc này tiết lộ.
Nhiều chuyên gia dự báo, đồng Euro sẽ còn tiếp tục mất giá so với đồng USD. Vào cuối năm nay, sẽ chỉ còn 1 USD "ăn" 1 Euro và có thể còn xuống thấp hơn, ở mức 0,85 USD "ăn" 1 Euro trong thời gian từ nay đến năm 2017.
Nếu các dự báo trên là chính xác, thì từ nay đến 2017, Euro sẽ còn tiếp tục mất giá so với VND, kể cả Việt Nam có nới tỷ giá. Điều này tất nhiên sẽ giúp ô tô nhập khẩu từ các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu còn rẻ nữa và làm cho nhu cầu tăng lên.
Tuy nhiên, đã có ý kiến cảnh báo người tiêu dùng hãy tỉnh táo, bởi các nhà phân phối tại Việt Nam đang độc quyền phân phối xe, cùng với quan niệm khách hàng mua xe nhập khẩu từ châu Âu (xe sang) là người giàu có nên sẽ cố tình "quên" giảm giá, cũng như tạo ra sự khan hiếm giả tạo để hưởng lợi.
Lắp ráp đắt hơn nhập khẩu
Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 để ra mục tiêu đưa công nghiệp ô tô trở thành ngành sản xuất quan trọng trong nền kinh tế đất nước, đáp ứng phần lớn nhu cầu về xe trong nước vào năm 2030.
Thế nhưng, khi chiến lược và quy hoạch ra đời là lúc nhiều doanh nghiệp tính bỏ sản xuất chuyển sang nhập khẩu.
Ông Yoshihisa Maruta, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam cho biết, trong bối cảnh sản xuất trong nước chưa đủ mạnh, số lượng nhà cung cấp linh kiện nội địa hóa chưa nhiều, thì việc nhập khẩu phụ tùng linh kiện về để lắp ráp rất tốn kém. Đến 2018, khi thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN về Việt Nam giảm còn 0%, việc nhập linh kiện về lắp một mẫu xe còn khiến giá xe cao hơn việc nhập khẩu xe nguyên chiếc từ Thái Lan, Indonesia hay Malaysia.
TMV đang cân nhắc việc ngừng sản xuất xe ô tô Toyota tại Việt Nam.
Khi thuế nhập khẩu về 0% thì lắp ráp xe trong nước có khi đắt hơn nhập khẩu xe nguyên chiếc từ Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Cũng theo ông Yoshihisa Maruta, để sản xuất một mẫu xe, cần thời gian chuẩn bị 3 năm. Lấy thời điểm 2018 làm mốc, trừ lùi đi thì 2015 là lúc các doanh nghiệp sẽ phải quyết định đầu tư nếu muốn tiếp tục sản xuất. Tuy nhiên các chính sách cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất nhằm phát triển ngành công nghiệp ô tô đến nay vẫn chưa có, vì vậy tất cả các doanh nghiệp ô tô vẫn chưa thể đưa ra quyết định.
Các DN ô tô cho rằng, khi thuế suất thuế nhập khẩu về 0% thì chi phí sản xuất ô tô tại Việt Nam cao hơn Thái Lan, Indonessia từ 20-30% khiến xe sản xuất lắp ráp trong nước khó cạnh tranh với xe nhập khẩu. Để phát triển ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam, Chính phủ cần có các chính sách cụ thể bù đắp chênh lệch về chi phí sản xuất cho xe trong nước. Cùng với đó là giảm thuế phí và các thủ tục hành chính rườm rà nhằm hỗ trợ cho thị trường trong nước đạt quy mô tiềm năng.
Đến nay các chính sách cụ thể vẫn đang được các cơ quan chức năng soạn thảo. Tuy nhiên, một số DN cho biết, chính sách chỉ hướng tới việc xây dựng lại cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu nguyên chiếc.
Nên đọc
PV (tổng hợp)
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy