Chứng khoán tăng 3 phiên
Sau khi điều chỉnh giảm từ giữa tháng 1, thị trường chứng khoán Mỹ có tín hiệu quay đầu tăng trở lại và có thể nối tiếp đà hồi phục ấn tượng trong 2 tháng 10 và 11/2022. Xu hướng tăng giá (uptrend) trở nên rõ nét hơn khi đáy sau cao hơn đáy trước và tín hiệu chính sách tiền tệ cũng tích cực.
Trong phiên giao dịch ngày 24/1 (đóng cửa vào rạng sáng 25/1 giờ Việt Nam), chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng điểm phiên thứ 3 liên tiếp cho dù nhiều doanh nghiệp Mỹ báo cáo kết quả kinh doanh không mấy ấn tượng trong quý vừa qua và nền kinh tế Mỹ có thể trì trệ, thậm chí đứng trước nguy cơ suy thoái.
Tuy nhiên, điểm thu hút sự chú ý của giới đầu tư không phải ở những gì đã diễn ra mà là triển vọng cho thời gian sắp tới.
Nhiều dự báo cho rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm tốc độ nâng lãi suất cũng như sẽ sớm đảo chiều chính sách tiền tệ trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó và lạm phát đang hạ nhiệt nhanh chóng.
Theo kế hoạch, Fed sẽ có cuộc họp chính sách từ ngày 31/1 đến ngày 1/2.
Theo tín hiệu từ thị trường tài chính, Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm phần trăm lên 4,5%-4,75% sau khi đã tăng 7 lần trong năm 2022 với tổng mức tăng 425 điểm phần trăm lên mức cao nhất trong 15 năm: 4,25%-4,5%.
Nhiều dự báo cho rằng, Fed có thể tăng lãi suất thêm 25 điểm nữa sau đó và đỉnh lãi suất sẽ ở mức 5%/năm, trước khi cắt giảm 50 điểm trong nửa cuối năm 2023 (xuống 4,5%/năm).
Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023. (Biểu đồ: M. Hà)
Nếu đúng như vậy, sức ép lên thị trường tiền tệ đã không còn cao như kỳ vọng trước đó. Đồng USD cũng suy giảm theo những tín hiệu mới.
Đồng USD gần đây giảm khá nhanh sau khi Mỹ công bố lạm phát Mỹ hạ nhiệt đúng như dự báo. Chỉ số DXY, đo lường biến động của đồng USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới, đứng ở mức 102 điểm. Chỉ số này đã giảm hơn 11,2% so với đỉnh 115 điểm ghi nhận hôm 28/9/2022.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2022 của Mỹ giảm 0,1% so với tháng liền trước. Tháng 12 cũng là tháng ghi nhận CPI giảm mạnh nhất kể từ đầu đại dịch COVID-19. So với cùng kỳ, CPI Mỹ tăng 6,5%, thấp hơn mức 7,1% ghi nhận trong tháng trước đó và đã rất xa so với đỉnh 9,1% ghi nhận trong tháng 6/2022.
Trên CNBC, bà Susan Collins, Chủ tịch Fed Boston cho biết bà nghiêng về mức tăng lãi suất với tốc độ chậm hơn, ở mức 25 điểm phần trăm trong cuộc họp vào đầu tháng 2.
Theo Goldman Sachs, nền kinh tế giới được hỗ trợ khi Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế sau 3 năm chống Covid.
Dự báo lãi suất Fed sẽ đạt đỉnh vào giữa năm 2023, ở mức 5%/năm. (Biểu đồ: M. Hà)
USD giảm mạnh, thị trường tài chính thế giới ổn định
Với những tín hiệu mới nhất, nhiều khả năng nước Mỹ sẽ đảo chiều chính sách tiền tệ ngay trong nửa cuối năm 2023. Nếu điều này xảy ra, thị trường tài chính thế giới sẽ ổn định hơn sau một năm sóng gió.
Trong năm 2022, đồng USD tăng vọt khiến nhiều đồng tiền chủ chốt, trong đó có euro, bảng Anh, yen Nhật… có lúc giảm 15-20%. Dòng vốn bị rút ở nhiều nơi khiến thị trường tài chính nhiều nước vốn đã cạn kiệt thanh khoản thêm phần bi đát.
Gần đây, việc đồng USD giảm trở lại đã giúp nhiều đồng nội tệ các nước tăng giá, qua đó ngăn cản sự tháo chạy của dòng tiền.
Tại Việt Nam, tỷ giá USD/VND tiếp tục ổn định trong những phiên giáp Tết Quý Mão. Đồng USD ở quanh mức 23.280 đồng/USD (Vietcombank mua) và 23.620 đồng/USD (giá bán).
Dự báo đầu tư công tăng trong năm 2023. (Nguồn: KBSV)
So với đỉnh ghi nhận ngày 25/10/2022 (ở mức 24.888 đồng/USD), đồng USD đã giảm khoảng 5,1%. Việc đồng USD hạ nhiệt giúp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dễ thực hiện các mục tiêu của mình, trong đó có kiểm soát tỷ giá, lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Giới đầu tư kỳ vọng cung tiền tăng trở lại trong năm 2023, tín dụng cũng sẽ tăng ở mức cao. Bên cạnh đó, NHNN có thể bơm thêm tiền qua việc mua vào đồng USD (vốn đang có nguồn cung tốt nhờ FDI, kiều hối và thặng dư thương mại).
Sau khi bán mạnh đồng USD để kiểm soát tỷ giá hồi tháng 10-12/2022, NHNN đã niêm yết trở lại giá mua vào đồng USD tại hội sở NHNN từ ngày 16/12 (với giá 23.450 đồng/USD).
Ngay đầu năm mới, nhiều ngân hàng đẩy mạnh tiếp cận khách hàng để tăng cường cho vay, hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh trong bối cảnh có dư địa room tín dụng cho năm mới.
Tính tới phiên cuối trước Tết Quý Mão (19/1), NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.605 đồng/USD, thấp hơn nhiều so với mức 23.703 đồng/USD hôm 25/10/2022. Với biên độ +/-5% như hiện tại, USD được phép mua bán ở mức 22.425 đồng và 24.785 đồng/USD.
Tỷ giá USD/VND (Vietcombank) ổn định trở lại. (Biểu đồ: M.Hà)
Theo ông Trần Đức Anh, Giám đốc Chiến lược thị trường của Chứng khoán KBSV, tỷ giá USD/VND dự báo sẽ ổn định, biến động quanh 23,500 khi cung ngoại tệ ổn định hơn.
Theo KBSV, tăng trưởng GDP năm 2023 được dự báo tăng 6,0%. Các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng bao gồm: Động lực từ đầu tư công; dòng vốn giải ngân FDI ổn định trong kịch bản lạm phát toàn cầu hạ nhiệt và các nền kinh tế lớn suy thoái nhẹ diễn ra vào quý IV/2023; Tiêu dùng nội địa ổn định (hưởng lợi từ khách Trung Quốc).
Cũng theo KBSV, CPI bình quân ước tính ở mức 4,1% cho cả năm 2023.
Lãi suất huy động dự báo sẽ hạ nhiệt khi tốc độ tăng trưởng cung tiền M2 phục hồi kỳ vọng tăng 13% so với cùng kỳ, tăng trưởng huy động đạt 12% và tín dụng đạt 14% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất cho vay cũng có xu hướng giảm nhẹ nhưng thấp hơn mức giảm của lãi suất huy động (khoảng 0,4-0,7%).
Tác giả: Mạnh Hà
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy