Khái niệm “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp” đã được nêu trong Luật Chứng khoán từ năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2010. Thế nhưng, chỉ đến khi soạn thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) năm nay, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được định nghĩa, kỳ vọng sẽ mở ra một sân chơi mới trên thị trường chứng khoán.
Dự kiến, nhà đầu tư (NĐT) trong đợt phát hành riêng lẻ phải là NĐT chiến lược, hoặc NĐT chứng khoán chuyên nghiệp.
Giao dịch 2 tỷ đồng/tháng trở lên sẽ là nhà đầu tư chuyên nghiệp
Theo Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) mới nhất, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp gồm 3 trường hợp. Theo đó, nếu là tổ chức, doanh nghiệp được coi là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải ở một trong hai nhóm sau.
Một là, các ngân hàng thương mại, công ty tài chính, tổ chức kinh doanh bảo hiểm, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán.
Hai là, các công ty có vốn điều lệ đạt trên 1.000 tỷ đồng và có thời gian niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán tối thiểu 2 năm.
Với các nhà đầu tư cá nhân, Dự thảo Luật quy định, cá nhân có chứng chỉ hành nghề kinh doanh chứng khoán, cá nhân có kinh nghiệm đầu tư chứng khoán tối thiểu 2 năm và có giá trị giao dịch chứng khoán bình quân hàng tháng tối thiểu 2 tỷ đồng Việt Nam, hoặc nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết có giá trị tối thiểu 5 tỷ đồng trong 12 tháng gần nhất, thì được coi là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Định hình sân chơi mới
Bên cạnh định nghĩa khái niệm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, cơ quan soạn thảo quy định những trường hợp nghiệp vụ riêng, mà ở đó, chỉ dành riêng sân chơi cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Cụ thể, Khoản 17, Điều 4, Dự thảo Luật Chứng khoán định nghĩa về việc chào bán chứng khoán riêng lẻ là việc chào bán chứng khoán cho dưới 100 nhà đầu tư. Đối tượng tham gia đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ của công ty đại chúng bao gồm nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Như vậy, nếu như ở quy định hiện hành, việc chào bán chứng khoán cho dưới 100 nhà đầu tư được coi là chào bán chứng khoán riêng lẻ, thì ở quy định mới, dưới 100 nhà đầu tư còn phải thêm một điều kiện nữa: các nhà đầu tư này phải là nhà đầu tư chiến lược, hoặc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Khoản 1, Điều 28, Dự thảo Luật (về chào bán chứng khoán riêng lẻ của công ty đại chúng) quy định, việc chuyển nhượng cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi chào bán riêng lẻ bị hạn chế tối thiểu 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và tối thiểu 1 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán, trừ trường hợp chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc theo quyết định của Tòa án, Trọng tài hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật.
Với trường hợp phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp (không chuyển đổi) của công ty đại chúng, Khoản 2, Điều 28, Dự thảo Luật quy định, trái phiếu phát hành riêng lẻ chỉ được chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cho đến khi đáo hạn trái phiếu.
Như vậy, với dự thảo mới này, phát hành chứng khoán riêng lẻ của công ty đại chúng sẽ là sân chơi riêng của các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, hoặc các nhà đầu tư chiến lược. Và ưu điểm nổi bật của nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp so với nhà đầu tư chiến lược là thời gian bị hạn chế chuyển nhượng sau phát hành chỉ từ 1 năm trở lên so với nhà đầu tư chiến lược; trong thời gian chờ hết hạn chế, được phép chuyển đổi giữa các nhà đầu tư chuyên nghiệp với nhau.
Có nên chốt cứng các thông số về nhà đầu tư chuyên nghiệp?
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Kim Long, Giám đốc Luật và Kiểm soát nội bộ, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng, dự thảo Luật Chứng khoán hạn chế đối tượng phát hành riêng lẻ là một quy định tốt cho thị trường.
“Đây là sẽ tiền đề giúp cơ quan quản lý nới các quy định về thủ tục phát hành riêng lẻ, đồng thời hạn chế việc doanh nghiệp lách chào bán chứng khoán ra công chúng bằng chào bán riêng lẻ”, ông Long nhận xét.
Ý kiến của ông Long cũng là quan điểm của nhiều bên trên thị trường chứng khoán, khi cho rằng, nên có sân chơi riêng cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp, nơi mà việc vận hành và giám sát thị trường dựa trên tiêu chí về sự minh bạch, nhà đầu tư có kiến thức và kinh nghiệm, am hiểu về thị trường, chứ không dành cho số đông đại chúng, với các quy định và điều kiện quá khắt khe.
Quy định này cũng được kỳ vọng sẽ hạn chế tình trạng doanh nghiệp né quy định chào bán chứng khoán ra công chúng bằng hình thức phát hành riêng lẻ, như trong quá khứ đã từng có nhiều trường hợp doanh nghiệp bị thị trường đặt vào vòng nghi vấn.
Tuy nhiên, xung quanh quy định trên vẫn còn nhiều vấn đề phát sinh.
Trước hết là ở khái niệm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Với nhóm các công ty tài chính - ngân hàng, chứng khoán, công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư và công ty đầu tư chứng khoán, thì quy định này không có điều gì cần tranh cãi. Nhưng với 2 trường hợp còn lại, hệ lụy có thể sẽ không nhỏ.
Dự thảo hiện nay yêu cầu doanh nghiệp nếu không thuộc nhóm đối tượng trên, phải đáp ứng yêu cầu vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng và 2 năm niêm yết.
“Vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng thì có thể chấp nhận được, nhưng không nên kèm điều kiện 2 năm niêm yết, vì có nhiều tổ chức đầu tư lớn vẫn là công ty chưa đại chúng. Quy định như trên thì ngay cả SCIC cũng sẽ đứng ngoài cuộc chơi. Nhà đầu tư tổ chức có cả bộ máy mà quy định vốn điều lệ cao quá, còn nhà đầu tư cá nhân thì tiêu chuẩn quá bé. Theo tôi, nên có thống kê thử xem có bao nhiêu nhà đầu tư cá nhân trên thị trường đáp ứng đủ yêu cầu này trước khi chốt con số”, ông Long nói.
Thống kê dữ liệu của Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) với các doanh nghiệp niêm yết cho thấy, hiện nay, trên hai Sở Giao dịch chứng khoán là HOSE và HNX chỉ có 125 doanh nghiệp đáp ứng điều kiện quy mô vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng trở lên. Nếu tính cả tiêu chí 2 năm niêm yết, số lượng doanh nghiệp được và muốn tham gia cuộc chơi cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp có thể thấp hơn con số này.
Điểm thứ hai là dự thảo quy định hiện nay có thể sẽ dẫn đến việc doanh nghiệp kẹt không thể huy động vốn, dù là chào bán chứng khoán hay phát hành riêng lẻ.
Theo dự thảo, doanh nghiệp muốn chào bán chứng khoán ra công chúng phải đáp ứng được nhiều quy định về kết quả kinh doanh, không có nợ xấu, không bị xử phạt vi phạm về quản trị… Thêm vào đó, thực tế cho thấy, nếu doanh nghiệp có thị giá không cao hơn nhiều mệnh giá, việc phát hành khó có thể thành công.
Như vậy, trong trường hợp doanh nghiệp không thể phát hành ra công chúng (điều kiện về giá hoặc do yếu tố thị trường), doanh nghiệp sẽ phải tìm đến việc phát hành riêng lẻ.
Tuy nhiên, lựa chọn được nhà đầu tư sẵn sàng muốn mua và đáp ứng được quy định về phát hành riêng lẻ như dự thảo quy định là điều không dễ dàng, đặc biệt với doanh nghiệp quy mô nhỏ, đang gặp khó khăn về tài chính.
Khi đó, quy định chặt về điều kiện phát hành riêng lẻ có thể giúp chặn các trường hợp doanh nghiệp lách luật, nhưng vô tình khiến các doanh nghiệp nói chung có nguy cơ bị chặn cửa huy động vốn, nhất là các trường hợp doanh nghiệp cần tái cấu trúc và tìm được những nhà đầu tư đặc biệt.
Theo Đầu tư chứng khoán
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy