Dòng sự kiện:
Thiết bị điện Cẩm Phả bị hủy niêm yết bắt buộc từ ngày 22/1
03/01/2020 18:03:48
Sở GDCK Thành phố Hà Nội vừa thông báo về việc hủy niêm yết đối với cổ phiếu VEE của CTCP Thiết bị điện Cẩm Phả.

Theo đó, toàn bộ 10.185.820 cổ phiếu VEE sẽ bị hủy niêm yết trên Upcom từ 22/01/2020. Ngày giao dịch cuối cùng của cổ phiếu VEE trên Upcom vào 21/01/2020.

Lý do bị hủy niêm yết do tổ chức niêm yết không còn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng theo thông báo hủy đăng ký công ty đại chúng của Ủy bán Chứng khoán Nhà nước.

Ảnh minh hoạ

Trước đó hồi đầu tháng 11 vừa qua Công ty cũng đã công bố Nghị quyết HĐQT thông qua hàng hoạt nội dung về hủy đăng ký Công ty đại chúng tại UBCKNN, hủy đăng ký lưu ký cổ phần tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, hủy đăng ký giao dịch Upcom cổ phiếu tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Lý do hủy đăng ký mà công ty đưa ra là do số lượng cổ đông của công ty giảm dưới 100 cổ đông, không đủ điều kiện đăng ký công ty đại chúng theo quy định.

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019 của VEE khá ổn định với doanh thu thuần đạt hơn 190 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ, mặc dù các khoản chi phí phát sinh tăng khá tương đối song lợi nhuận sau thuế đạt 26 tỷ đồng, tăng gấp hơn 4 lần mức lợi nhuận đạt được 6 tháng đầu năm ngoái. EPS đạt 2.559 đồng.

Cổ phiếu VEE chào sàn Upcom từ hồi đầu năm 2017 với hơn 5 triệu cổ phiếu, giá điều chỉnh phiên giao dịch đầu tiên là 8.020 đồng/cổ phiếu. Sau gần 3 năm lên sàn nhưng thanh khoản của VEE rất thấp, thỉnh thoảng mới có 1 giao dịch song lượng mua/bán lại không lớn. Hiện cổ phiếu VEE đang giao dịch quanh mức 10.000 đồng/cổ phiếu, tăng 11% so với hồi đầu năm.

Năm 2019, có 9 doanh nghiệp buộc hủy niêm yết bắt buộc do lỗ 3 năm liên tiếp và lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ. Còn theo số liệu thống kê của Vietstock, có 9 doanh nghiệp đang đứng sát mép vực hủy niêm yết. Giá cổ phiếu của những doanh nghiệp này cũng lao dốc không phanh song song với kết quả kinh doanh báo lỗ triền miên.

Trong xu hướng phát triển chung của thị trường, sự đào thải là điều tất yếu để loại ra những cổ phiếu kém chất lượng. Dù vậy, đối tượng chịu thiệt thòi nhất khi doanh nghiệp bị hủy niêm yết vẫn là các cổ đông và nhà đầu tư đại chúng.

Thực tế cho thấy, những vấn đề liên quan đến thị giá cổ phiếu, cổ tức... luôn là điều khiến các cổ đông phải lo lắng sau khi cổ phiếu rời sàn, bởi hầu hết trong số này đều rơi vào tình trạng bế tắc do thị giá tụt dốc không phanh, thanh khoản èo uột.

Theo quy định hiện hành, sau khi hủy niêm yết, các doanh nghiệp sẽ tự động được đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM để duy trì thanh khoản cổ phiếu. Tuy nhiên, cổ phiếu có thanh khoản hay không lại phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng “sống dậy” của doanh nghiệp. Với những doanh nghiệp đã rỗng về tài chính và khả năng hoạt động, tức là tồn tại chỉ còn cái tên thì đưa lên sàn UPCoM chẳng khác gì chất thêm rác vào sàn này.

Ngoài lý do chủ quan từ doanh nghiệp, dư luận cũng đặt câu hỏi, phải chăng chất lượng thẩm định niêm yết khi doanh nghiệp nộp hồ sơ lên Sở chưa đủ tốt, nên mới dẫn đến hệ quả là hiện tượng hủy niêm yết ngày càng nhiều như hiện nay?

Khánh Linh (T/H)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến