Ứng dụng các thiết kế xanh vào nhà ở bình dân
Ngày 26/7, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đã phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (Internation Finance Corporation – IFC) và Tập đoàn capital House (CHG) tổ chức Hội thảo: Xanh hóa phân khúc nhà ở bình dân: Chi phí và lợi ích, với sự hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO).
Tại Hội thảo, ông Đỗ Viết Chiến – Tổng Thư ký VNREA đã cung cấp bức tranh toàn cảnh về phân khúc nhà ở bình dân. Theo đánh giá của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, triển vọng thị trường nhà giá thấp về dài hạn có khả năng diễn biến tố, bởi nhu cầu nhà ở bình dân ngày càng bức thiết khi cơ cấu dân số đang bước vào thời kỳ dân số vàng với 70% dân số trong độ tuổi lao động, sự phát triển của các gia đình trẻ, nhu cầu tách hộ của các gia đình lớn…
Ông Đỗ Viết Chiến – Tổng Thư ký VNREA phát biểu trong cuộc họp.
Việt Nam có mức độ đô thị hóa nhanh với ước tính khoảng một triệu cư dân đô thị mới tăng lên mỗi năm. Dự báo đến năm 2020, 40% dân số Việt Nam trên tổng số khoảng 100 triệu dân sẽ sống ở khu vực đô thị/thành phố.
Theo tính toán của Bộ Xây dựng, đến năm 2020, các khu đô thị cả nước có hơn 1,7 triệu người khó khăn về nhà ở và 1,7 triệu công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở. Để đáp ứng nhu cầu nhà ở này, cần phải xây dựng khoảng 700.000 căn hộ.
Bên cạnh đó, Nhà nước đã thực sự quan tâm đến thị trường nhà giá thấp; một số rào cản đã được gỡ bỏ, các ưu đãu đã được ban hành. Ngoài ra, nhiều địa phương khuyến khích việc phát triển nhà giá thấp; một số dự án lớn chuyển hướng từ nhà ở thương mại sang nhà giá thấp…
Theo ông Chiến, việc chú trọng đầu tư, phát triển phân khúc nhà ở bình dân sẽ đem lại hiệu quả tích cực. Trước hết, sẽ đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt là người dân nghèo thành thị; đảm bảo cơ cấu về phát triển nhà ở giá rẻ, bình dân hợp lý, hiệu quả bên cạnh việc phát triển nhà ở cho các phân khúc và đối tượng khác; đảm bảo phát triển thị trường bất động sản một cách bền vững.
Khẳng định tại Hội thảo, ông Chiến cho rằng nhà ở giá thấp và trung bình là phân khúc lớn nhất trong lĩnh vực xây dựng nhà ở dân dụng tại nước ta nhưng chưa được quan tâm ứng dụng các thiết kế xanh, công nghệ thông minh và tiết kiệm năng lượng, trong khi đây lại chính là phân khúc có số người sử dụng nhiều nhất, tiêu tốn nhiều năng lượng nhất.
Triển khai các giải pháp xanh tại những công trình nhà ở giá thấp và trung bình sẽ tạo nên những cộng đồng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.
Công trình xanh giúp nhà đầu tư thu được nguồn lợi nhiều hơn
Chia sẻ kinh nghiệm từ các nước đang phát triển, ông Vũ Hồng Phong – chuyên gia công trình xanh của IFC cho rằng, trên thế giới, có những công trình đắt mà không xanh và cũng có công trình xanh mà không đắt.
Sự khác biệt nằm ở cách tiếp cận và tận dụng tối đa các lợi ích mang lại. Nếu định hướng sớm ngay từ giai đoạn ý tưởng kèm khai thác tốt các yếu tố thụ động trong kiến trúc, công trình hoàn toàn có tiềm năng đạt hiệu quả cao về năng lượng, nước và vật liệu xây dựng, giúp đạt chứng nhận công trình xanh EDGE mà không làm gia tăng chi phí, hoặc chỉ tăng ở mức 1-2%.
Từ kinh nghiệm thực tế trong việc triển khai dự án EcoHome 3 – điểm sáng trên thị trường nhà giá thấp năm 2019 khi đạt chứng chỉ EDGE, ông Trịnh Tùng Bách, Giám đốc Ban Nghiên cứu và Phát triển của Tập đoàn Capital House đã chỉ ra những lợi ích từ việc xanh hóa nhà ở xã hội.
Cụ thể, đối với khách hàng, sẽ có cuộc sống tiện nghi hơn, cải thiện sức khỏe; chi phí điện nước giảm; bên cạnh đó, căn hộ đã mua sẽ giữ giá khi giao dịch; đặc biệt là góp phần tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên phát triển bền vững.
Ông Bách cũng dẫn số liệu khảo sát của nhóm nghiên cứu cho thấy “một công trình xanh đạt chứng chỉ EDGE tiết kiệm được 20% tiêu thụ năng lượng, nước và vật liệu so với tiêu chuẩn tiêu thụ tương ứng tại địa phương”.
Ngay tại EcoHome 3, khi đạt chứng chỉ xanh đã tiết kiệm khoảng 25% năng lượng; 36% nước và gần 32% năng lượng hàm chứa trong vật liệu. Việc thiết kế cảnh quan theo hướng xanh tại dự án cũng góp phần giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị và môi trường xung quanh.
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Jonas Grunder – Phó Trưởng Bộ phận Hợp tá Phát triển Thụy Sĩ, thuộc Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ cho biết, “Chương trình Công trình Xanh EDGE là một giải pháp thông minh, bởi vì chương trình mang đến những giải pháp thực tiễn cho những thách thức Việt Nam đang gặp phải, với nền kinh tế và dân số ngày càng tăng.
Thụy Sĩ rất tự hào được tài trợ chương trình toàn diện này và chúng tôi hi vọng kết quả của nó có thể đóng góp đáng kể vào mục tiêu mà Chính phủ Việt Nam đã đặt ra về việc “xanh hóa nền kinh tế cũng như ngành xây dựng”, ông Jonas Grunder chia sẻ.
Tại phiên thảo luận diễn ra tại sự kiện, các chuyên gia cũng khẳng định, công trình xanh sẽ giúp nhà đầu tư thu được nguồn lợi nhiều hơn so với công trình về mặt dài hạn, giúp giải quyết gánh nặng về mặt kinh tế cho người dân có thu nhập thấp và trung bình trong xã hội.
Xuân Tùng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy