Dòng sự kiện:
Thiếu tướng Lê Văn Cương: 'Sau tinh giản bộ máy, lực lượng công an sẽ mạnh thêm'
10/08/2018 06:12:17
Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, lúc này, mỗi chiến sỹ công an phải đặt lợi ích của Tổ quốc, của Đảng, của ngành lên trên, chứ không phải lợi ích cá nhân..

Sau khi Bộ Công an triển khai Nghị định 01 ngày 6/8/2018 của Chính phủ, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an đã có những chia sẻ về việc này. 

PV: Là một sĩ quan công an đã công tác trong ngành hơn 40 năm, Thiếu tướng đánh giá thế nào về quyết tâm thực hiện đề án tinh giản, sắp xếp bộ máy của Bộ Công an?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Thực tế cho thấy, thời gian qua, bộ máy trong lực lượng công an ở một số nơi còn cồng kềnh, chồng chéo, hoạt động chưa hiệu quả. Việc Đảng ủy Công an Trung ương chủ động nghiên cứu, xây dựng Đề án 106 sắp xếp, tổ chức bộ máy thể hiện quyết tâm rất cao và bàn tay sạch của những người đứng đầu vì nó động chạm đến quyền và lợi ích của hàng trăm người có vị trí cao trong các đơn vị. Dù vậy, trong lúc này, mỗi chiến sỹ công an phải đặt lợi ích của Tổ quốc, của Đảng, của ngành lên trên chứ không phải lợi ích cá nhân.

Theo Nghị định 01/NĐ-CP/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an, tổ chức bộ máy của cơ quan Bộ Công an gồm các đơn vị cấp Cục, so với bộ máy tổ chức cũ giảm 6 Tổng cục, giảm gần 60 đơn vị cấp Cục và gần 300 đơn vị cấp Phòng. Ở công an địa phương sáp nhập 20 cảnh sát PCCC vào công an tỉnh, thành phố và tinh gọn tổ chức công an cấp tỉnh, cấp huyện, giảm hơn 500 đơn vị cấp phòng, gần 1.000 đơn vị cấp đội. Như vậy, hàng chục Cục trưởng và hàng trăm Phó Cục trưởng sẽ không còn được giữ chức vụ như hiện tại. Đây thực sự là một “cuộc cách mạng” trong ngành hơn 70 năm qua, đồng thời cũng là cơ hội hội để lãnh đạo Bộ Công an nhìn nhận rõ hơn về những yếu kém và mặt mạnh của ngành mình.

Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an

PV: Theo Thiếu tướng, để Nghị định 01 của Chính phủ triển khai có hiệu quả cần phải giải quyết những khó khăn, thách thức gì?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Do đây không chỉ là “cuộc cách mạng” về tổ chức mà còn là sự thay đổi lớn về phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, phương pháp công tác trong ngành công an. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Công an và các lãnh đạo Bộ trước hết cần ban hành quy chế rõ ràng trong việc phân công trách nhiệm, trong đó nêu cụ thể nhiệm vụ của Bộ trưởng, từng Thứ trưởng, việc gì cần người đứng đầu quyết định…nhằm tránh việc chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm. Nếu rõ người, rõ việc thì quyền lực sẽ được phát huy và trách nhiệm được đề cao. Mặt khác, khi đã quy định chặt chẽ nếu xảy ra vấn đề gì, người được phân công quản lý phải chịu trách nhiệm.

Bên cạnh đó, cần thiết kế, xây dựng lại mối quan hệ trong và ngoài ngành theo mô hình mới, chọn lựa cán bộ, bố trí công việc phù hợp, kiên quyết thực hiện tinh giản biên chế. Nếu xét thấy lực lượng tập trung ở cấp bộ nhiều quá thì nên đưa về các địa phương nhằm tăng cường sức mạnh cơ sở, nắm bắt tình hình kịp thời. Ngoài ra, Bộ Công an cần làm công tác tư tưởng trong lực lượng, phải tạo sự đồng thuận ủng hộ cao. Việc này đòi hỏi sự công tâm, công bằng, chính trực của người lãnh đạo.

PV: Thời gian tới sẽ có hàng nghìn cán bộ công an được điều chuyển về các địa phương. Điều này có tác dụng như thế nào đối với bộ máy của lực lượng công an ở cấp cơ sở thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Nguyên tắc phải làm bộ máy gọn, hiệu quả. Đề án được triển khai sẽ có cuộc điều chuyển cán bộ từ bộ về địa phương, từ địa phương về cơ sở cho gọn nhẹ, tinh giản bộ máy, giúp gần dân hơn. Ở Bộ sẽ có số người được đưa về công an các tỉnh, thành phố. Công an các tỉnh, thành phố đưa về quận, huyện. Công an quận, huyện đưa về các xã, phường... Các tỉnh biên giới, vùng sâu vùng xa sẽ có hàng chục nghìn sĩ quan công an tăng cường cho hàng vạn phường, xã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác nắm tình hình, củng cố vững chắc nền an ninh nhân dân từ phường, xã, biên giới, hải đảo.

Tôi được biết, hiện có gần 80% các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự do lực lượng công an cấp quận, huyện giải quyết. Vì vậy cần tăng thẩm quyền và lực lượng, đầu tư cơ sở vật chất cho công an cấp huyện. Đồng thời, đưa công an chính quy về các xã song phải có chọn lọc, không nên cào bằng, nên ưu tiên những xã vùng sâu, vùng xa có điều kiện kinh tế kém phát triển.

PV: Theo Thiếu tướng, việc triển khai Nghị định 01 sẽ tạo ra sự thay đổi như thế nào trong bộ máy của ngành công an?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Việc tổ chức theo mô hình cũ khiến quyền lực trong ngành công an bị dàn trải, khó kiểm soát ở một số bộ phận dẫn đến những sai phạm khá nghiêm trọng của một số cá nhân thời gian qua. Còn theo Nghị định 01, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Công an cơ bản không thay đổi song mô hình tổ chức quyền lực theo hướng tập trung, thống nhất, chuyên sâu. Công an là thanh kiếm, là lá chắn của Đảng, là ngành đặc biệt về đảm bảo an ninh, trật tự xã hội thì cần phải có một mô hình quyền lực mạnh như vậy. Đây là quyết tâm chính trị của Bộ Công an, nó sẽ tạo ra sự thay đổi đặc biệt lớn trong bộ máy của ngành từ trung ương đến địa phương, giúp ngành ngày càng mạnh, an ninh trật tự được đảm bảo tốt hơn, từ đó củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân vào lực lượng công an.

Xin cảm ơn Thiếu tướng!

Theo An ninh thủ đô

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến