(Nguồn: Vietnam+)
Thị trường chứng khoán giảm sâu trong bối cảnh thiếu thông tin hỗ trợ và chịu ảnh hưởng tiêu cực từ thông tin kết quả kinh doanh quý 4/2022.
Trong báo cáo chiến lực thị trường tháng 2, các chuyên gia phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) cho rằng cung chốt lời khả năng sẽ gia tăng trong bối cảnh tháng 2 là tháng trống thông tin.
Thị trường chứng khoán vẫn tồn tại các yếu tố rủi ro tiềm ẩn đến từ trong nước như áp lực thanh khoản hệ thống bắt nguồn từ lượng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn, hay như các khó khăn trên thị trường bất động sản vẫn sẽ kéo dài do lãi suất có thể sẽ đạt đỉnh nhưng sẽ khó hạ nhiệt ngay.
Thực tế, chốt phiên giao dịch 7/2, VN-Index giảm 23,45 điểm xuống 1.065,84 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 673,2 triệu đơn vị, tương ứng hơn 12.167,5 tỷ đồng. Toàn sàn có 77 mã tăng giá, 342 mã giảm giá và 52 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 4,47 điểm xuống 210 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 70 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 1.075 tỷ đồng. Toàn sàn có 44 mã tăng giá, 127 mã giảm giá và 42 mã đứng giá.
UPCOM-Index giảm 0,42 điểm xuống 75,54 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 29,7 triệu đơn vị, tương ứng hơn 374,5 tỷ đồng. Toàn sàn có 91 mã tăng giá, 142 mã giảm giá và 82 mã đứng giá.
Nhóm cổ phiếu thép chỉ còn duy nhất DTL giữ được sắc xanh. Trong khi đó, HSG giảm kịch sàn, các mã HPG, SMC, TLH, VGS đều ở chiều giá đỏ.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng chỉ còn 3 mã tăng giá là TPB tăng 1,2%, SSB tăng 0,3%, STB tăng 0,2%. Cổ phiếu BVB may mắn đứng ở tham chiếu. Tất cả 23 mã cổ phiếu ngân hàng còn lại giảm giá, trong đó nhiều mã giảm sâu.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng chỉ còn lác đác vài mã giữ được sắc xanh. Hầu hết cổ phiếu nhóm này ở chiều giảm giá. Các nhóm cổ phiếu bảo hiểm, bất động sản, dầu khí, hóa chất, xây dựng và vật liệu… bị bao phủ bởi sắc đỏ.
Khối ngoại cũng giảm mua ròng trong phiên hôm nay. Cụ thể, khối này chỉ còn mua ròng hơn 37 tỷ đồng trên HOSE, trong khi phiên hôm qua khối ngoại mua ròng tới gần 400 tỷ đồng trên sàn này. Tiếp đó, khối ngoại chỉ mua ròng nhẹ gần 14 tỷ đồng trên UPCOM, trong khi bán ròng trên 9 tỷ đồng tại sàn HNX.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT), tăng trưởng lợi nhuận ròng quý 4/2022 đáng thất vọng. Theo ước tính của công ty chứng khoán này, tổng lợi nhuận ròng quý 4/2022 của các công ty niêm yết trên 3 sàn (HOSE, HNX, UPCOM) giảm 30,4% so với cùng kỳ năm 2021, mức giảm lớn nhất kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát.
VNDIRECT cho biết khó khăn tiếp nối với các doanh nghiệp thép, thực phẩm và chứng khoán. Lợi nhuận ròng quý 4/2022 của các nhà sản xuất thép niêm yết giảm sâu 155,6% so với cùng kỳ do suy giảm sản lượng tiêu thụ và biên lợi nhuận gộp giảm 1,8 điểm phần trăm so với quý 3/2022.
Ngành thực phẩm kéo dài xu hướng giảm với lợi nhuận ròng quý 2, quý 3 và quý 4 năm 2022 giảm lần lượt 7,7%; 13,8% và 80,7% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận ròng quý 4/2022 của ngành thực phẩm giảm mạnh là do Công ty Cổ phần Tập đoàn MaSan (mã chứng khoán: MSN) ghi nhận lợi nhuận ròng quý 4/2022 giảm 93,1% so với cùng kỳ.
Các công ty chứng khoán tiếp tục ghi nhận lợi nhuận ròng sụt giảm mạnh 96,6% so với cùng kỳ trong quý 4/2022 do thanh khoản thị trường chứng khoán giảm 58,4% so với cùng kỳ. Các công ty thép, sản xuất thực phẩm và chứng khoán cùng nhau làm tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường giảm 24,8 điểm phần trăm trong quý 4/2022.
Ở chiều ngược lại các ngân hàng và doanh nghiệp dịch vụ tiện ích là điểm sáng. Lợi nhuận ròng các ngân hàng niêm yết quý 4/2022 tăng 23,2% so với cùng kỳ, nhờ đóng góp của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (mã chứng khoán: VCB) có lợi nhuận ròng tăng 53,9% so với cùng kỳ và Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (mã chứng khoán: BID) có mức tăng lợi nhuận ròng tới 88,8% so với cùng kỳ.
Ngành dịch vụ tiện ích ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ròng cao nhất toàn thị trường trong quý 4/2022, với 30,4% so với cùng kỳ, xấp xỉ mức tăng quý 3/2022, nhưng giảm mạnh so với đỉnh tăng trưởng trong quý 2/2022 (tăng 88,7% so với cùng kỳ).
Tổng Công ty Khí Việt Nam-Công ty cổ phần (mã chứng khoán: GAS) là động lực chính, đóng góp 34,2 điểm phần trăm vào tăng trưởng lợi nhuận ròng quý 4/2022 của ngành tiện ích. Tuy nhiên, hai ngành ngân hàng và iện ích cùng nhau đóng góp chỉ 7,6 điểm phần trăm vào tăng trưởng lợi nhuận ròng quý 4/2022 của thị trường.
Bất chấp thời điểm khó khăn, lợi nhuận ròng quý 4/2022 của các doanh nghiệp bất động sản vẫn tăng 0,9% so với cùng kỳ nhờ Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán: VIC quý 4/2022 có lợi nhuận ròng đạt 1.559 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2021 doanh nghiệp này lỗ 5.964 tỷ đồng. Cùng đó, Công ty cổ phần Vincom Retail (mã chứng khoán: VRE) có lợi nhuận ròng tăng tới 549% so với cùng kỳ./.
Tác giả: Văn Giáp
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy