Trước đó, bộ này cũng đã đề xuất Chính phủ chuyển giao dự án nhiệt điện Quỳnh Lập 1 vốn được giao cho tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư từ năm 2009 sang cho Liên danh Geleximco và Công ty TNHH Hồng Kông Unitesd Investors Holding. Ngoài ra, hàng loạt dự án nhiệt điện khác cũng đang được các nhà đầu tư tư nhân (nước ngoài) đề nghị được đầu tư như Quỳnh Lập 2, Quảng Trạch 1, Quảng Trạch 2, Hải Phòng 3.
PVN hiện đã được giao làm chủ đầu tư bốn dự án nhiệt điện than, bảy dự án nhiệt điện khí, cùng với các dự án thượng nguồn khai thác khí quan trọng nên cần số lượng vốn lớn. Ảnh: TRIỆU TRÙNG ĐIỆP
Xu hướng tất yếu
Lý do chính được nêu ra trong các đề xuất chuyển giao chủ đầu tư của các dự án nhiệt điện nói riêng và có thể một số dự án đầu tư trong các ngành, lĩnh vực khác ở Việt Nam nói chung là các chủ đầu tư - thường là các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và các tập đoàn kinh tế nhà nước như PVN và TKV - khó khăn trong việc thu xếp vốn.
Thực tế, các chủ đầu tư này cũng đang là chủ đầu tư của hàng loạt dự án khác, dự án nào cũng đòi hỏi quy mô vốn lớn đến hàng trăm triệu đô la Mỹ trong khi năng lực thu xếp vốn của họ có hạn, đầu tư lại quá dàn trải nên thường xuyên dẫn đến tình trạng chậm trễ, trì hoãn, hoặc triển khai dự án không đúng tiến độ. Điều này càng làm trầm trọng thêm vòng xoáy thiếu vốn nên triển khai chậm trễ, dẫn đến đội vốn, buộc chủ đầu tư phải “giật gấu vá vai”, kéo dài thời gian triển khai dự án thậm chí đến mức vô thời hạn.
Cụ thể, với dự án nhiệt điện Long Phú III, PVN cho biết, hiện doanh nghiệp này đã được giao làm chủ đầu tư bốn dự án nhiệt điện than, bảy dự án nhiệt điện khí, cùng với các dự án thượng nguồn khai thác khí quan trọng nên cần số lượng vốn lớn. Do đó, nếu tiếp tục thực hiện Long Phú III thì “sẽ phát sinh một số vấn đề khó khăn”. Còn với dự án Quỳnh Lập 1, TKV báo cáo rằng không thể đáp ứng đủ vốn chủ sở hữu (425 triệu đô la Mỹ). TKV có thể không vay được vốn ngân hàng vì không đảm bảo điều kiện vay là bên vay phải đối ứng được 20% tổng mức đầu tư dự án được tài trợ. Nếu TKV là chủ đầu tư duy nhất của dự án thì mỗi năm triển khai dự án, TKV sẽ thiếu hàng ngàn tỉ đồng trong khi TKV cũng “đang gặp nhiều khó khăn”.
Như vậy, có thể thấy việc thoái đầu tư của các DNNN và tập đoàn kinh tế nhà nước là một xu hướng không thể tránh khỏi và là hệ quả tất yếu của chủ trương đầu tư tràn lan được thực hiện qua các “quả đấm thép” từ những năm cuối thập kỷ trước và đầu thập kỷ này. Khi ngân sách nhà nước đã “kiệt sức” và, quan trọng không kém, chất lượng đầu tư công ngày càng tỏ ra thiếu hiệu quả thì chuyện Nhà nước phải buông bỏ bớt dự án đầu tư công cũng hiển nhiên như việc Nhà nước phải đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn khỏi các DNNN.
Thoái sao cho tốt?
Điều đáng tiếc là nhiều trong số dự án mà Nhà nước cần thoái đầu tư, các DNNN và tập đoàn kinh tế nhà nước đã rót vào đây một số vốn ban đầu để trang trải các chi phí thực thi dự án. Nay phải “bàn giao” lại cho các nhà đầu tư tư nhân khác, sẽ là rất khó để họ thu về đủ phần chi phí đã bỏ ra này, đơn giản bởi nguyên tắc ai cần ai hơn. Đó là chưa kể do là các dự án đầu tư công nên khó tránh khỏi chuyện chi phí bị đội lên một cách vô lý, nên cũng sẽ là... vô lý nếu đòi các chủ đầu tư tư nhân phải trả đầy đủ chi phí chủ đầu tư cũ đã bỏ ra.
Nhưng rất không nên vì mục đích thu hồi được vốn đã bỏ ra mà Nhà nước phải tìm cách làm cho dự án trở nên cực kỳ hấp dẫn về mặt tài chính để làm “yên lòng” nhà đầu tư mới, chẳng hạn như cung cấp (thêm) các bảo lãnh và cam kết trong suốt vòng đời của dự án sau này. Bởi lẽ, cam kết và bảo lãnh như vậy thì tổng thiệt hại cho xã hội còn lớn hơn nhiều so với phần chi phí chủ đầu tư cũ bỏ ra mà không thu lại được từ nhà đầu tư mới. Do rất có thể Nhà nước đã có những ưu ái nhất định cho các chủ đầu tư cũ nên nguyên tắc là không được ưu ái nhà đầu tư mới quá những gì đã cam kết giành cho nhà đầu tư cũ. Nếu vì thế mà không có nhà đầu tư nào tiếp nhận dự án thì cần dũng cảm buông bỏ nó, tránh tâm lý đâm lao phải theo lao, cho dù đã chôn vào đó một số vốn không nhỏ.
Điều đáng chú ý là các chủ đầu tư mới là đối tượng của việc bàn giao các dự án này lại chủ yếu là các doanh nghiệp Trung Quốc. Chuyện các doanh nghiệp Trung Quốc thường xuyên thắng thầu trong các cuộc đấu thầu dự án đầu tư công đã không còn là chuyện lạ ở Việt Nam. Nên trừ khi cơ chế và tiêu chí mời thầu và đấu thầu thay đổi một cách căn bản, có lẽ đành phải chấp nhận thực tế là không nhiều các nhà đầu tư, nhà thầu ngoài Trung Quốc “sẵn lòng” tham gia, nhận bàn giao các dự án này.
Và cũng thường xuyên như mọi khi, các cơ quan chức trách Việt Nam đã trấn an dư luận rằng công nghệ của nhà đầu tư hay nhà thầu Trung Quốc là “tiên tiến, giảm được phát thải, phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ trên thế giới và định hướng của Việt Nam”, và họ “cam kết đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt của Chính phủ về công nghệ và bảo vệ môi trường...”.
Thực tế, đúng là công nghệ của Trung Quốc không phải hoàn toàn là “đồ bỏ”, nhất là trong lĩnh vực nhiệt điện. Điều đáng nói là làm sao để nhà đầu tư hay nhà thầu Trung Quốc thực hiện đúng những gì đã đặt bút ký vào hợp đồng. Lúc đó, chuyện không còn nằm ở phía Trung Quốc nữa mà chủ yếu là ở phía... Việt Nam! Những bài học “sự cố môi trường” như Formosa Hà Tĩnh là hồi chuông cảnh tỉnh cho việc kiểm tra, giám sát đầu tư trên giấy của các cơ quan hữu trách Việt Nam.
Theo TBKTSG
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy