Ngày 16/5, cổ đông sở hữu 4,6% Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng (SRC) đã có đơn thư gửi các cơ quan chức năng phản ánh về một số điểm bất bình thường trong việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của SRC, việc bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính hấp dẫn của đợt thoái vốn nhà nước đang diễn ra ở công ty.
Ảnh Internet
Vinachem tự tước quyền?
SRC hiện có vốn điều lệ 280 tỷ đồng, đang niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM. Vốn nhà nước tại SRC, do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) quản lý, chiếm 51%.
Theo đơn kiến nghị của ông Trần Hồng Việt, cổ đông sở hữu 4,6% cổ phần SRC, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của SRC tổ chức ngày 27/4/2019, Vinachem đã đồng ý miễn nhiệm vị trí thành viên Hội đồng quản trị với ông Nguyễn Công Tuấn (trong khi ông Tuấn đang đại diện cho cổ đông tổ chức Cao su Việt Hàn) và đồng ý cho các thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát của SRC từ nhiệm theo kiến nghị của nhóm cổ đông sở hữu 19% cổ phần.
Trong khi đó, tất cả các thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát đang hoạt động bình thường, không mắc lỗi gì. Đồng thời, Hội đồng quản trị cũng không có bản xác định nhóm cổ đông trên nắm giữ cổ phần đủ 6 tháng như quy định hay không.
Đáng chú ý, Vinachem sở hữu 51% cổ phần, nhưng không thực hiện đề cử bổ sung thành viên Hội đồng quản trị trong nhiệm kỳ mới, tự tước bỏ quyền của cổ đông nhà nước và để cho nhóm cổ đông nắm giữ chưa đến 20% cổ phần có 2/5 vị trí trong Hội đồng quản trị.
Cũng theo đơn phản ánh, tài liệu Đại hội đồng cổ đông được ký ngày 10/4/2019 thì ngay hôm sau, ngày 11/4/2019, nhóm cổ đông nắm giữ hơn 19% đã có đơn gửi đề cử thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.
Tại Đại hội đồng cổ đông, khi cổ đông có ý kiến về việc lý lịch, quá trình công tác của các ứng viên này thiếu trung thực (ứng viên không làm việc tại đơn vị ký tên, đóng dấu xác nhận lý lịch), ông Lâm Thái Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị SRC - chủ tọa Đại hội - đã tự ý cho dừng Đại hội để tổ giúp việc thay thế sơ yếu lý lịch của những ứng viên đó bằng một sơ yếu lý lịch photo, không có dấu đỏ. Các cổ đông có ý kiến phản đối và không đồng ý bầu cử, tuy nhiên đại diện cổ đông lớn nhà nước, với tỷ lệ cổ phần chi phối, vẫn tiếp tục tiến hành. Sự việc đã được ghi lại diễn biến trong Biên bản Đại hội đồng cổ đông SRC.
Cổ đông Việt cũng phản ánh việc khó có cơ hội tham gia đề cử, ứng cử vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát thay thế nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Tài liệu đại hội đồng cổ đông theo quy định tại Luật Doanh nghiệp và khoản 3, Điều 18 của Điều lệ SRC quy định phải gửi cho tất cả các cổ đông trong danh sách cổ đông có quyền tham dự họp chậm nhất trước 15 ngày trước ngày khai mạc đại hội (tính từ ngày mà thông báo được gửi đi một cách hợp lệ, được trả phí hoặc được bỏ vào hòm thư). Tuy nhiên, rất nhiều cổ đông có địa chỉ rõ ràng nhưng không nhận được thông báo mời họp.
Trong khi đó, Điều 4, Quy chế Đại hội đồng cổ đông của SRC lại quy định, các đại diện theo ủy quyền khi muốn tham dự đại hội cần có chứng minh thư hoặc hộ chiếu của người dự họp; thông báo mời họp (bản chính của Công ty).
Nếu người dự họp là người được ủy quyền thì phải có thêm giấy ủy quyền theo mẫu của Công ty và là bản chính. Quy định trên đã loại quyền tham dự họp của những cổ đông không nhận được thư mời. (Với cổ đông Việt, phải tới ngày 18/4/2019, SRC mới gửi thư mời tham dự Đại hội).
Bởi vậy, các cổ đông này không đủ thời gian để liên lạc, nhóm họp thành nhóm cổ đông đủ 5% để đề cử, ứng cử tham gia Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2016 - 2021 do ngày 22/4/2019, theo quy định của SRC, là ngày cuối cùng nhận tài liệu đề cử, ứng cử của các cổ đông.
Thoái vốn gấp gáp
Ngày 14/5/2019, Vinachem ra thông báo về việc thoái vốn nhà nước tại SRC. Theo đó, ngày 4/6 tới, Vinachem sẽ bán 4,2 triệu cổ phiếu (tương đương với 15% vốn) của SRC qua đấu giá tại Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM. Giá khởi điểm đem ra đấu giá là 46.452 đồng/cổ phiếu.
Cổ đông đặt câu hỏi, tại sao trước khi bán vốn nhà nước, Vinachem lại tự tước quyền của mình và cho nhóm cổ đông nắm giữ chưa đến 20% vốn SRC vào 2/5 ghế trong Hội đồng quản trị và 1/3 ghế trong Ban kiểm soát? Việc này có làm giảm sức hút của đợt bán vốn nhà nước tại SRC, vì cổ đông mới vào mua với tỷ lệ 15% rất khó để có 1 ghế trong Hội đồng quản trị hoặc Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2016 - 2021. Có hay không việc tiếp tay cho một nhóm cổ đông lớn bỏ ra một lượng tài chính nhỏ để thâu tóm SRC nắm quyền kiểm soát khi Nhà nước thoái vốn?
Thời gian tổ chức thoái vốn của Vinachem, theo ông Việt, cũng rất gấp gáp. Với quy mô bán vốn (tính theo giá khởi điểm) gần 200 tỷ đồng, song thời gian bán vốn chỉ diễn ra trong vòng 20 ngày bình thường (từ ngày 15/5/2019 đến ngày 4/6/2019), trong khi theo Quy chế mẫu về bán đấu giá cổ phần của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành, thời gian công bố thông tin trước 20 ngày làm việc tương đương với khoảng 30 ngày bình thường.
Trước những phản ánh trên, Báo Đầu tư Chứng khoán đã liên hệ với Vinachem và đang chờ phản hồi của Tập đoàn để có thêm thông tin cung cấp tới bạn đọc.
Theo Đầu tư chứng khoán
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy