Dòng sự kiện:
Thoát bóng Vinaconex, VC3 đổi vận
14/01/2022 17:05:53
Ban lãnh đạo Nam Mê Kông với tầm nhìn chiến lược cụ thể, định hướng doanh nghiệp đi theo hướng đa ngành nghề đã đem lại con số ấn tượng trong kết quả kinh doanh.

Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Mê Kông (MCK: VC3), tiền thân là Công ty Cổ phần Xây dựng số 3 vốn là một đơn vị thành viên của Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex, MCK: VCG). Giữa năm 2015, Vinaconex đã thoái toàn bộ hơn 51,4% vốn khỏi công ty con này. Đến đầu năm 2020, công ty tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2019 và chính thức đổi tên công ty thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Mê Kông.

Sau 6 năm kể từ khi "thoát bóng" khỏi Vinaconex, Nam Mê Kông đã và đang xây dựng thương hiệu với đấu ấn riêng trên thị trường, cùng với đó là quy mô của công ty cũng dần phát triển và hiện nay có số vốn điều lệ tăng gấp hơn 8 lần kể từ khi bị thoái vốn (668 tỷ đồng).

Mới đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Mê Kông đã đưa ra báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021 ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc tính riêng trong quý cũng như tính chung cả năm của doanh nghiệp.

Theo đó, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp của quý IV/2021 ghi nhận 133,6 tỷ đồng, tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong khi giá vốn hàng bán chỉ chiếm 60% doanh thu, ghi nhận 81 tỷ đồng. Do đó lợi nhuận gộp của doanh nghiệp đạt gần 53 tỷ đồng.

Trong quý IV/2021, các khoản chi phí của Nam Mê Kông đều giảm so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, chi phí tài chính giảm 26% (còn 9,9 tỷ đồng), chi phí bán hàng giảm 100% xuống còn 0 đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng giảm mạnh 86% (còn 2 tỷ đồng).

Vì vậy, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tăng gấp 11,8 lần so với cùng kỳ, ghi nhận 59 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế TNDN cũng nhảy vọt lên 47,6 tỷ đồng (gấp 14 lần cùng kỳ).

Tính chung cả năm 2021, Nam Mê Kông ghi nhận 193 tỷ đồng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế TNDN là 67 tỷ đồng. Tăng lần lượt 58% và 382% so với năm 2020.

Tổng tài sản của doanh nghiệp tính đến hết năm 2021 đạt 1.526 tỷ đồng, tăng 15% so với hồi đầu năm. Cơ cấu tài sản chủ yếu là tài sản ngắn hạn chiếm tới 1.492 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cũng ghi nhận tăng mạnh vào cuối tháng 12/2021, ghi nhận con số gần 789 tỷ đồng.

Hiện nay, tầm nhìn của ban lãnh đạo Nam Mê Kông không chỉ tập trung vào mảng bất động sản truyền thống mà còn phát triển đa ngành nghề phù hợp với xu hướng thị trường trong 3 mảng: kinh doanh bất động sản, năng lượng tái tạo, cảng biển – logistic.

VC3 hiện đang sở hữu Dự án nhà máy sản xuất cơ khí Hòn La của công ty cổ phần và đầu tư phát triển Tân Mê Kông được thiết kế với công suất 18.000 tấn/năm và tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng, Dự án đang được triển khai thủ tục pháp lý dự kiến thi công vào 2022.

Nam Mê Kông không chỉ tập trung vào mảng bất động sản truyền thống mà còn phát triển đa ngành nghề như điện gió, logisics,...

Bên cạnh đó, thay vì tập trung vào những miếng đất gần trung tâm hay những vị trí đã được khai thác, Nam Mê Kông xây dựng chiến lược tập trung vào khai thác những vị trí mới ít được khai thác, mang nhiều tiềm năng phát triển về dài hạn như Bình Dương, Quảng Bình, Thái Nguyên, Phú Bình, An Vân Dương, Bình Định, Phú Thọ…. với tổng đầu tư vào các dự án này lên tới gần 10.000 tỷ đồng, dự kiến đem lại lợi nhuận cho VC3 từ 30 - 40% lợi nhuận trong giai đoạn 2022 – 2026.

Không chỉ bất động sản, Nam Mê Kông còn có 2 nhà máy điện gió là điện gió Kim Ngân (quy mô 70MW, tổng đầu tư 2.515 tỷ đồng) và điện gió Thanh Sơn (quy mô 90MW, tổng đầu tư 2.863 tỷ đồng). Hiện cả 2 dự án đã hoàn thành thủ tục pháp lý và được chấp thuận quy hoạch vào mạng lưới điện 8 của quốc gia, đây sẽ là một nguồn thu ổn định trong tương lai của VC3.

Trên thị trường, cổ phiếu VC3 đang giao dịch ở vùng giá 58.000 đồng/cổ phiếu (phiên chiều ngày 13/1).

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến