Dòng sự kiện:
Thời điểm mua nhà dễ bị 'hớ', sa lầy nợ nần
27/09/2021 11:12:07
Vội vàng quyết định mua nhà có thể gây ra những tác động tiêu cực ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống, dẫn đến nợ nần thậm chí đối diện nguy cơ bị siết nhà.

Tài chính chưa đủ

Mua nhà cần đến một khoản tiền lớn. Rất ít người mua nhà khi đã có đủ 100% tiền mà đa phần khi có một khoản tích lũy, người ta sẽ tính đến mua nhà. Hiện nay có rất nhiều người, đặc biệt là các gia đình trẻ, những người có thu nhập trung bình chọn vay vốn ngân hàng là giải pháp hỗ trợ tài chính để mua nhà. Có không ít trường hợp rơi vào "bẫy lãi suất", lao đao vì khoản nợ ngân hàng hàng tháng do liều vay mua nhà khi chưa đủ tài chính.

Tài chính chưa đủ thì nên trì hoãn mua nhà (Ảnh minh hoạ)

Rõ ràng, ngôi nhà có thể là một thứ tài sản hoặc là một tiêu sản khổng lồ. Do vậy, trước khi quyết định vay tiền, bạn cần tự đánh giá khả năng tài chính và khả năng trả nợ của mình, dự phòng cả trường hợp có biến động về lãi suất ngân hàng.

Có một quy tắc thường được sử dụng để “cân đong” tài chính khi vay tiền mua nhà là quy tắc 30%. Cụ thể: Nên có sẵn một khoản tiết kiệm bằng ít nhất 30% giá trị ngôi nhà; giá trị ngôi nhà hoặc căn hộ không nên lớn hơn 3 lần thu nhập hàng năm; không được chi quá 30% thu nhập cho tiền trả góp hàng tháng.

Đang có khoản nợ

Nếu bạn đang mắc các khoản nợ được lưu giữ hồ sơ trên hệ thống của Trung tâm Tín dụng - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bạn sẽ rất khó khăn nếu làm hồ sơ vay vốn mua nhà tại các ngân hàng.

Thu nhập bấp bênh ảnh hưởng đến khoản tiền phải trả nợ hàng tháng (Ảnh minh hoạ)

Trường hợp này, các ngân hàng sẽ đánh giá bạn là khách hàng rủi ro. Những ngân hàng có lãi suất cho vay mua nhà thấp sẽ từ chối bạn khi họ nắm được "lịch sử tài chính" của bạn. Ngân hàng nào đồng ý cho vay thì có thể họ sẽ định mức lãi suất cao.

Thu nhập không ổn định

Nếu bạn đang có một công việc bấp bênh về thu nhập thì cũng nên cân nhắc về chuyện mua nhà. Bởi thu nhập của bạn bấp bênh nhưng khoản nợ và lãi phải trả ngân hàng hàng tháng lại ổn định. Dù tháng đó bạn không có thu nhập hay thu nhập giảm sút thì vẫn phải trả đủ nợ, đồng nghĩa với việc gồng gánh khoản trả góp mua nhà sẽ rất đau đầu.

Áp lực khoản nợ hàng tháng phải trả cũng có thể sẽ tước đi của bạn những cơ hội công việc hấp dẫn. Bạn sẽ không thể thoải mái nhảy việc khi có cơ hội đến mà thường sẽ phải cân nhắc lợi – hại kỹ càng. Thường thì quyết định cuối cùng đưa ra sẽ là giải pháp an toàn, ít mang tính mạo hiểm.

Mua nhà trong thời điểm “sốt đất” rất dễ bị hớ

Khi đổi việc thì chỗ làm mới có thể cách xa chổ làm cũ. Đôi khi chỉ vì chuyện khoảng cách mà bạn sẽ trói buộc mình phải làm ở gần nhà, dễ đánh mất nhiều cơ hội việc làm.

Không có quỹ dự phòng khẩn cấp

Dẫu bạn đã dồn hết tiền tiết kiệm cho việc mua nhà thì vẫn cần có quỹ dự phòng để chi dùng cho những trường hợp khẩn cấp. Thông thường, mỗi quỹ dự phòng khẩn cấp phải đảm bảo chi phí sinh hoạt bình thường cho bạn tối thiểu trong 5 - 10 tháng. Quỹ này sẽ là cứu cánh cho bạn mỗi khi có việc đột xuất xảy đến ví như bị mất việc, bản thân hoặc người nhà phát sinh vấn đề về sức khỏe…

Nếu không có quỹ dự phòng này, bạn cũng nên cân nhắc chuyện mua nhà.

Thị trường nhà đất đang “sốt”

Khi thị trường nhà đất đang “sốt” và xảy ra "bong bóng", giá bất động sản bị đẩy lên cao hơn giá trị thực do các nhà đầu tư thứ cấp bỏ tiền mua vào và bán ra kiếm lời. Nếu bạn mua nhà đất để ở thì nên trì hoãn việc mua vào thời điểm này để đảm bảo an toàn, không bị mua hớ.

Tác giả: Minh Châu

Theo: Vietnamnet
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến