Thống đốc ban hành Chỉ thị thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh
03/06/2015 18:06:52
ANTT.VN - Thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020, ngày 24/03/2015, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.

Tin liên quan

Ảnh minh họa (Internet)

Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nhiều nhất của biến đổi khí hậu. Tác động của biến đổi khí hậu tại Việt Nam đe dọa nghiêm trọng tới tiến trình xóa đói giảm nghèo, thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững của đất nước. Trước những vấn đề trên, Chính phủ đã triển khai Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và cập nhật các kịch bản ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao, nhấn mạnh vào mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và sự phát triển bền vững, đồng thời thừa nhận biến đổi khí hậu là một thách thức chung đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội.

Hệ thống tài chính ngân hàng, một mắt xích quan trọng trong việc quyết định nguồn vốn đầu tư cho các dự án phát triển kinh tế xã hội, đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các khu vực kinh tế hoạch định nhằm phát triển kinh tế bền vững. Ngày 20/3/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 403/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014- 2020 nhằm triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh quy định tại Quyết định 1393/QĐ-TTg.  Tại Kế hoạch hành động, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì thực hiện: “Rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện thể chế về tài chính và tín dụng cho phù hợp với những mục tiêu tăng trưởng xanh; Tổ chức đào tạo, tập huấn nhằm tăng cường năng lực cho các NHTM và các tổ chức tài chính trong hoạt động tài chính-tín dụng xanh. Xây dựng và phát triển các dịch vụ tài chính-ngân hàng hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện tăng trưởng xanh”.           

Thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020, ngày 24/03/2015, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng (Chỉ thị 03).

Theo đó, thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, ngay từ năm 2015, hoạt động cấp tín dụng của ngành Ngân hàng cần chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng; cải thiện chất lượng môi trường và bảo vệ sức khỏe con người, đảm bảo phát triển bền vững. Đồng thời, thực hiện rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện thể chế tín dụng cho phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh; tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các dự án, phương án sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường và xã hội, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp, qua đó thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Đối với các đơn vị tại trụ sở chính Ngân hàng Nhà nước cần căn cứ chức năng, nhiệm vụ thực hiện tốt công tác tham mưu cho Thống đốc nhằm triển khai có hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 -2020. Vụ Tín dụng các ngành kinh tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị triển khai xây dựng và thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh theo định hướng, mục tiêu Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã được phê duyệt; đầu mối tổ chức đào tạo, tập huấn nhằm tăng cường năng lực cho hoạt động tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội; hướng dẫn các tổ chức tín dụng xây dựng và triển khai hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội…

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố chủ động nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội và hoạt động ngân hàng trên địa bàn, đề xuất với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước các giải pháp thực hiện công tác quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh phù hợp với điều kiện thực tế trên địa bàn.

Đối với các tổ chức tín dụng (TCTD), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu căn cứ Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã được phê duyệt và các chương trình, kế hoạch hành động của Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố, chủ động triển khai xây dựng chương trình, chính sách tín dụng xanh nhằm tăng dần tỷ trọng tín dụng xanh trong cơ cấu doanh mục đầu tư tín dụng của mình; Nghiên cứu xây dựng và triển khai các giải pháp quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Triển khai tích cực công tác thông tin, truyền thông về quản lý rủi ro môi trường - xã hội và chính sách tín dụng xanh của tổ chức tín dụng để tạo sự đồng thuận, ủng hộ của dư luận, doanh nghiệp đối với mục tiêu tăng trưởng tín dụng xanh của tổ chức tín dụng nói riêng và ngành Ngân hàng nói chung.

Có thể nói, sự ra đời của Chỉ thị 03 với mục tiêu hướng tới “tín dụng xanh” để “phát triển bền vững” đã gửi một thông điệp mạnh mẽ về trách nhiệm của ngành Ngân hàng đối với vấn đề bảo vệ môi trường. Qua đó nâng cao vị thế, vai trò của ngành đối với vấn đề bảo vệ môi trường, một vấn đề đang được Nhà nước quan tâm, chỉ đạo sát sao.

Chỉ thị 03 cũng bước đầu nâng cao vai trò, trách nhiệm của các TCTD đối với công tác bảo vệ môi trường xã hội thông qua hoạt động cấp tín dụng. Qua đó, các TCTD sẽ ngày càng cải thiện chất lượng danh mục tín dụng; xác định và quản lý hiệu quả rủi ro môi trường và xã hội; kiểm soát tốt hơn rủi ro tín dụng tới từng khoản vay; mở rộng thị phần nhờ sản phẩm/dịch vụ mới thân thiện với môi trường (tài trợ tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo, công nghệ sạch, các thị trường chưa khai thác …); củng cố mạng lưới khách hàng hiện có, thu hút thêm nhiều khách hàng chất lượng tốt; cải thiện danh tiếng và giá trị thương hiệu của tổ chức; thu hút nguồn vốn vay các tổ chức tài chính quốc tế cùng định hướng hỗ trợ các hoạt động về môi trường và xã hội.

Tín dụng xanh đã và đang chứng minh là hướng đi tất yếu của ngành tài chính toàn cầu. Để tạo điều kiện cho các TCTD triển khai Chỉ thị 03 một cách hiệu quả, NHNN sẽ tiếp tục hợp tác với Tổng Công ty Tài chính quốc tế (IFC) trong việc xây dựng những công cụ đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đối với một số ngành kinh tế cụ thể có nguy cơ rủi ro cao. Đây sẽ là công cụ để các TCTD xác định các rủi ro môi trường và xã hội khi thẩm định đơn xin cấp tín dụng cho những dự án, phương án sản xuất kinh doanh trong những ngành có rủi ro cao về môi trường và xã hội và là những ngành mà các tổ chức tín dụng đang cho vay nhiều. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước và IFC phối hợp tổ chức một số lớp đào tạo về sử dụng các công cụ quản lý rủi ro môi trường và xã hội cho cán bộ nòng cốt về quản lý rủi ro môi trường và xã hội và thẩm định tín dụng tại các TCTD; xây dựng một đội ngũ giảng viên có kiến thức, hiểu biết về tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện lồng ghép quy định về quản lý rủi ro môi trường và xã hội tại Quy chế cho vay của TCTD đối với khách hàng để tạo cơ sở pháp lý cho các TCTD thực hiện. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ xây dựng một kế hoạch của ngành Ngân hàng bao gồm hệ thống các hành động, giải pháp toàn diện từ cơ chế, chính sách đến các chương trình tín dụng xanh cụ thể, cũng như có các cơ chế khuyến khích, tăng cường vốn và năng lực,…nhằm đảm bảo hệ thống ngân hàng có thể phục vụ hiệu quả cho mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Hiện Ngân hàng Nhà nước đang tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, các tổ chức có liên quan để tìm kiếm cơ chế hỗ trợ, tăng cường vốn và năng lực nhằm hỗ trợ các TCTD thực hiện, triển khai các chương trình tín dụng xanh. Ngoài ra,  NHNN tiếp tục hợp tác với các tổ chức tài chính phát triển quốc tế có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư bền vững, tín dụng xanh để nâng cao năng lực chuyên môn cho nhân lực ngành Ngân hàng trong lĩnh vực còn tương đối mới mẻ đối với thị trường Việt Nam.

SBV

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến