Dòng sự kiện:
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng yêu cầu cần quyết liệt hơn trong xử lý nợ xấu
20/09/2018 11:00:51
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng vừa ban hành Chỉ thị về việc tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu.

Ngày 17/9, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng vừa quyết định ban hành Chỉ thị số 05/CT-NHNN với nội dung trọng tâm về việc tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết số 42 và sau đó là Quyết định 1058, Chỉ thị số 32 và Chỉ thị số 06/CT-NHNN ngày 20/7/2017. Thống đốc Lê Minh Hưng yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN, VAMC và các TCTD triển khai nghiêm túc, quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm cơ bản.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng. (Ảnh: Internet)

Đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu

Thống đốc yêu cầu lãnh đạo TCTD gồm Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc các TCTD chỉ đạo sát sao công tác triển khai Nghị quyết 42 và Quyết định 1058.

Chỉ thị lưu ý TCTD áp dụng toàn diện các biện pháp quy định tại Nghị quyết 42 để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu, đảm bảo mục tiêu xử lý nợ xấu theo phương án đã được NHNN phê duyệt/chấp thuận.

Bên cạnh đó, TCTD cần tiếp tục triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nội dung, giải pháp phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 đảm bảo đúng lộ trình đề ra.

Các TCTD khẩn trương trình phê duyệt và/hoặc triển khai phương án cơ cấu lại gắn với xử nợ xấu, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về lãi suất, huy động vốn. Bên cạnh đó, TCTD cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với VAMC triển khai quyết liệt các giải pháp xử lý nợ xấu trên toàn hệ thống.

Các TCTD thực hiện chế độ báo cáo về kết quả thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu, kịp thời báo cáo NHNN những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị liên quan đến Nghị quyết 42 và Quyết định 1058 trong quá trình hoạt động để được xem xét, xử lý.

VAMC cần triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp quy định tại Nghị quyết 42 để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu VAMC đã mua; Đẩy mạnh hoạt động mua bán, xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường theo quy định của pháp luật và phương án được duyệt, đồng thời áp dụng các biện pháp giảm thiểu rủi ro trong việc mua bán nợ theo giá trị thị trường.Đối với Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), Thống đốc chỉ thị đơn vị tiếp tục tổ chức triển khai các giải pháp quy định tại Quyết định phê duyệt Đề án cơ cấu lại và nâng cao năng lực của VAMC giai đoạn 2017-2010 và hướng tới 2022.

VAMC tăng cường phối hợp với TCTD để rà soát, phân loại, đánh giá lại tài sản bảo đảm và các khoản nợ xấu đã mua để xác định khả năng thu hồi nợ và có giải pháp xử lý phù hợp; Kịp thời báo cáo khó khăn, vướng mắc, kiến nghị với NHNN nhằm nâng cao hiệu quả xử lý, mua bán nợ xấu; hằng năm, tổng hợp kết quả, các biện pháp xử lý nợ xấu đề đề xuất giải pháp hoàn thiện cơ sở pháp lý về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu gửi NHNN.

Trọng trách cho Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng

Đối với các đơn vị thuộc NHNN, Thống đốc yêu cầu Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thống đốc NHNN về cơ cấu lại và xử lý nợ xấu và chỉ đạo các TCTD, VAMC triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp tại Quyết định 1058 và Nghị quyết 42.

Cơ quan này cũng chịu trách nhiệm tăng cường thanh tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết 42, phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 của các TCTD, VAMC. Đồng thời, đây cũng là đầu mối hoàn thiện, trình Thống đốc ban hành Thông tư hướng dẫn Luật số 17/2017 nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho các TCTD triển khai hiệu quả Nghị quyết 42 và Quyết định 1058.

Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng là đầu mối tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 1058; theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch hành động của ngành.

Thống đốc cũng giao Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng phối hợp với Vụ Pháp chế rà soát, đề xuất hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về cơ cấu lại đối với các TCTD yếu kém, xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.

Bên cạnh xử lý nợ xấu, cơ quan này cũng chịu trách nhiệm tăng cường giám sát, chỉ đạo các TCTD thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 07/2017 về tăng cường phòng chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, góp phần ổn định tiền tệ, tài chính.

Cũng tại Chỉ thị 05, Thống đốc yêu cầu các đơn vị Vụ, Cục thuộc NHNN chủ động, nhạy bén trong việc nắm bắt, nghiên cứu tình hình trong nước và thế giới để nâng cao chất lượng phân tích, dự báo, tham mưu các kịch bản ứng phó khác nhau. Mục tiêu của NHNN là ổn định thị trường tiền tệ, tỷ giá, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu và tạo điều kiện để TCTD cung ứng vốn hiệu quả cho nền kinh tế, thực hiện tốt công tác cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu.

Tăng cường công tác truyền thông

Thống đốc cũng giao Vụ Truyền thông NHNN làm đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc xây dựng và triển khai hiệu quả công tác truyền thông về Nghị quyết 42 và Quyết định 1058; Tăng cường công tác truyền thông nhằm tăng cường sự hiểu biết, thống nhất của các cá nhân, bộ phận có liên quan trong TCTD và khách hàng về các giải pháp cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu.

Thống kê số liệu từ BCTC quý II/2018 của 15 ngân hàng đang niêm yết trên sàn cho thấy, tính đến ngày 30/6, tổng nợ xấu của 15 ngân hàng ở mức gần 70,9 nghìn tỷ đồng, tăng 9,8% so với đầu năm.

Trong đó, tổng nợ nhóm 5, tức nợ có khả năng mất vốn tính đến cuối tháng 6 cũng tăng 17,9% so với đầu năm, lên mức gần 38,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 54% tổng nợ xấu, trong khi con số này hồi cuối năm 2017 ở mức 50,2%.

Về giá trị tuyệt đối, 11/15 ngân hàng có số nợ xấu tăng trong 6 tháng đầu năm. Dù vậy, nhờ đẩy mạnh tín dụng nên chỉ có 9/15 nhà băng có tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ gia tăng.

Trong số 15 ngân hàng thì có 2 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu ở mức trên 3% bao gồm VPBank và Sacombank.

Cụ thể, VPBank vẫn là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất trong nhóm khảo sát, chiếm 4,07%/tổng cho vay.

Sacombank là ngân hàng đứng thứ hai trong nhóm khảo sát về tỷ lệ nợ xấu, ở mức 3,7%. 

Trong khi đó, SHB lại là một trong những ngân hàng có nợ xấu tăng khá mạnh trong 6 tháng đầu năm với mức tăng 1 nghìn tỷ đồng, lên hơn 5,6 nghìn tỷ đồng, tương đương mức tăng 21,7%.

Tương tự, Techcombank cũng thuộc nhóm ngân hàng có tốc độ tăng trưởng nợ xấu cao khi kết thúc quý II/2018, ngân hàng có 3.396 tỷ đồng nợ xấu, tăng tới 31,44% so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn ở mức 1.982 tỷ đồng, tăng 27,6% so với đầu năm và chiếm 58,4% tổng nợ xấu.

Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng hiện ở mức 2,04%/tổng cho vay, tăng khá mạnh so với mức 1,62% hồi đầu năm.

Ở chiều ngược lại, trong kỳ qua cũng chứng kiến khá nhiều ngân hàng giảm được tỷ lệ nợ xấu so với đầu năm như BIDV (giảm từ 1,62% về 1,49%), Eximbank (giảm từ 2,27% về 2,2%), VIB (giảm từ 2,49% về 2,33%), Sacombank (giảm từ 4,67% về 3,7%), LienVietPostBank (giảm từ 0,73% về 0,58%) và HDBank (giảm từ 1,52% về 1,43%).

Khánh Linh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến