Một đoạn đường Hòa Lạc - Hòa Bình giai đoạn 1.
Bộ GTVT vừa có công văn gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc giao UBND tỉnh Hòa Bình là cơ quan có thẩm quyền Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình theo hình thức hợp đồng BOT và Dự án đầu tư mở rộng đường Hòa Lạc - Hòa Bình theo phương thức PPP.
Theo đó, Bộ GTVT thống nhất với đề xuất của UBND tỉnh Hòa Bình về việc chuyển giao cơ quan có thẩm quyền Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình theo hình thức hợp đồng BOT từ Bộ GTVT sang UBND tỉnh Hòa Bình.
Bộ GTVT cũng kiến nghị lãnh đạo Chính phủ giao UBND tỉnh Hòa Bình là cơ quan có thẩm quyền thực hiện Dự án đầu tư mở rộng đường Hòa Lạc - Hòa Bình theo phương thức PPP.
UBND tỉnh Hòa Bình sẽ chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của cơ quan có thẩm quyền, phối hợp với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện hợp đồng Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình theo hình thức hợp đồng BOT. Đồng thời, tiến hành tổ chức triển khai Dự án đầu tư mở rộng đường Hòa Lạc - Hòa Bình theo phương thức PPP theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm hiệu quả đầu tư và hài hòa lợi ích của các bên.
Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình theo hình thức hợp đồng BOT được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 4/2014. Bộ GTVT phê duyệt dự án tại Quyết định số 1393/QĐ-BGTVT ngày 16/4/2014, ký kết Hợp đồng BOT số 06/HĐ.BOT-BGTVT ngày 10/2/2015 với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án.
Dự án này đã được hoàn thành đưa vào khai thác từ tháng 10/2018, thu phí tại trạm Quốc lộ 6 và trên đường Hòa Lạc - Hòa Bình để hoàn vốn đầu tư, thời gian thu phí khoảng 25 năm.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021, cao tốc Hòa Lạc (Hà Nội) - Hòa Bình dài 32 km, quy mô 6 làn xe cao tốc, tiến trình đầu tư trước năm 2030.
Hiện nay, đường Hòa Lạc - Hòa Bình đang khai thác theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, chiều rộng nền đường 12m, gồm 2 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp. Hướng tuyến và các yếu tố hình học của đường Hòa Lạc - Hòa Bình cơ bản đáp ứng yêu cầu kỹ thuật đường cao tốc theo quy hoạch.
Để triển khai đầu tư mở rộng tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình đáp ứng quy mô đường cao tốc theo quy hoạch được duyệt, trên cơ sở báo cáo của UBND tỉnh Hòa Bình, tại Thông báo số 18/TB-VPCP ngày 25/01/2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý thực hiện đầu tư mở rộng đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức PPP có hỗ trợ từ ngân sách trung ương và giao UBND tỉnh Hòa Bình là Cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Hòa Bình đã có các tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định giao UBND tỉnh Hòa Bình là cơ quan có thẩm quyền Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình theo hình thức hợp đồng BOT; giao UBND tỉnh Hòa Bình là cơ quan có thẩm quyền thực hiện Dự án đầu tư mở rộng đường Hòa Lạc - Hòa Bình theo phương thức PPP có sử dụng vốn ngân sách nhà nước và tổ chức triển khai thực hiện đầu tư dự án theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến việc giao UBND tỉnh Hòa Bình là cơ quan có thẩm quyền Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình, Bộ GTVT cho biết, sau khi được Thủ tướng quyết định, Bộ GTVT sẽ phối hợp với UBND tỉnh Hòa Bình, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án ký Phụ lục hợp đồng để chuyển giao cơ quan có thẩm quyền Dự án (tương tự như việc chuyển giao cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện tại dự án PPP cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, dự án PPP cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận…).
Dự án đầu tư mở rộng đường Hòa Lạc- Hòa Bình có điểm đầu tại vị trí điểm đầu dự án đường Hòa Lạc - Hòa Bình hiện trạng (khoảng Km6+680 trên đường Hòa Lạc - Hòa Bình, giao với đường Hòa Lạc - làng Văn Hóa các dân tộc, thuộc địa phận xã Yên Bài, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội); điểm cuối tại Km23+040 tại vị trí điểm giao cắt giữa đường Hòa Lạc - Hòa Bình hiện trạng và Quốc lộ 6 (khoảng Km64+940 của Quốc lộ 6).
Tổng chiều dài toàn tuyến thuộc Dự án khoảng 23,04km, trong đó, đoạn đi qua địa phận TP. Hà Nội dài khoảng 6,37km; địa phận tỉnh Hòa Bình dài khoảng 16,67km. Dự án dự kiến xây dựng tuyến đường với 6 làn xe (có dự trữ quỹ đất hai bên đường để xây dựng hệ thống đường bên quy mô 4 làn xe - mỗi bên 2 làn và xây dựng đường sắt liên vùng trong tương lai), với tổng chiều rộng nền đường hoàn thiện khoảng từ 80m - 110m.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, Dự án sẽ thực hiện đầu tư tuyến đường với quy mô 6 làn xe (tận dụng tối đa 2 làn xe hiện tại) và giải phóng mặt bằng toàn bộ phạm vi đầu tư của dự án, tạo điều kiện hoàn thiện các hạng mục còn lại trong tương lai.
Tác giả: Bảo Như
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy