Ngày 13/6, tại Phiên họp 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT).
Theo đó, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế VAT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế VAT 10% trong 6 tháng cuối năm 2024 (từ ngày 1/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024) và giao Chính phủ tổ chức, thực hiện.
Các lĩnh vực tiếp tục không được hạ 2% thuế VAT, gồm viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt tại các Nghị quyết số 43/2022/QH15.
Việc nới thời gian giảm thuế 2% dự kiến làm giảm thu ngân sách nửa cuối năm nay khoảng 24.000 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm, số thu thuế này giảm gần 23.500 tỷ đồng. Vì thế, nếu tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT cho nửa cuối năm nay, thì dự kiến cả năm giảm gần 47.500 tỷ đồng.
Song, Chính phủ cho rằng việc giảm thuế VAT tác động làm giảm thu ngân sách, nhưng sẽ góp phần giảm giá thành, giá bán hàng hóa, dịch vụ, từ đó góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh và duy trì công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách cho biết, thường trực cơ quan này có hai luồng quan điểm đồng ý và không đồng ý.
Với các ý kiến không đồng ý, cơ quan thẩm tra cho biết, quý I năm nay tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu trừ yếu tố giá thì mức này tăng 5,1% - thấp hơn tốc độ tăng GDP quý I là 5,66%. Điều này cho thấy thuế VAT được giảm, song đến thời điểm hiện nay không còn phát huy tác dụng kích cầu tiêu dùng do sức mua và khả năng tiêu dùng trong nước của người dân đã giảm sút đáng kể.
Vì thế, các ý kiến này đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn về khả năng đạt được mục tiêu kích cầu tiêu dùng. Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng vẫn cần một nguồn lực rất lớn cho đầu tư khi cải cách tiền lương, chi đầu tư và thiết yếu khác.
Mặt khác, cũng có ý kiến đề nghị xem xét giảm với tất cả hàng hóa, dịch vụ, thay vì loại trừ một số mặt hàng như hiện nay.
Kết luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý cần kéo dài thời gian chính sách tài khóa này tới hết năm nay. Nội dung này sẽ được trình Quốc hội xem xét, quyết định được đưa vào nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 7.