Từ ngày 17/10, Ngân hàng TM TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) được chuyển giao về Ngân hàng MB. Theo đó, OceanBank vừa bổ nhiệm loạt nhân sự chủ chốt trong Ban điều hành. Trước đó, ngay trong ngày chuyển giao, MB cử ông Lê Xuân Vũ - Thành viên Ban Điều hành MB làm Phó Tổng Giám đốc Thường trực OceanBank.
Mới đây, MB bổ nhiệm các nhân sự của ngân hàng gồm: Ông Kim Tuấn Anh, bà Hoàng Thị Thanh Thủy, bà Phạm Thu Ngọc và bà Nguyễn Thị Mai Sao sang thành viên Ban Điều hành OceanBank.
Việc bổ nhiệm này thể hiện rõ mục tiêu của MB trong việc tăng cường đội ngũ lãnh đạo, đảm bảo sự ổn định và khả năng thích ứng nhanh chóng với những thách thức và yêu cầu trong giai đoạn chuyển đổi của OceanBank.
Ban lãnh đạo OceanBank khẳng định sẽ triển khai chiến lược kinh doanh với trọng tâm nâng cao năng lực quản trị và tối ưu hóa quy trình vận hành, hướng đến mục tiêu hoàn thành thành công đề án tái cơ cấu đã được Chính phủ phê duyệt.
Trong giai đoạn sắp tới, OceanBank sẽ được tái cơ cấu toàn diện với sự đầu tư bài bản từ MB nhằm xây dựng một ngân hàng hiện đại, an toàn và bền vững. Chiến lược phát triển OceanBank nằm trong định hướng phát triển tổng thể của MB Group, hướng tới mục tiêu trở thành Tập đoàn tài chính dẫn đầu Việt Nam.
2 ngân hàng 0 đồng có động thái mới sau khi chuyển giao.
Oceanbank xuất thân là Ngân hàng nông thôn Hải Hưng. Sau khi được ông Hà Văn Thắm tham gia mua lại cổ phần, nhà băng này chuyển đổi mô hình sang ngân hàng đô thị, đổi tên thành Oceabank vào 2007. Sau sự kiện ông Thắm bị bắt, Oceanbank được Ngân hàng Nhà nước mua lại giá 0 đồng.
Cũng từ ngày 17/10, Ngân hàng CB chuyển giao về Vietcombank. Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 29/10, đại diện Ngân hàng CB cho biết, đến thời điểm hiện tại Vietcombank đang trong quá trình kiểm kê tài sản của CB và hiện cơ cấu tổ chức, bộ máy của ngân hàng vẫn chưa thay đổi.
Tuy nhiên, nhằm tương đồng cùng hệ thống Vietcombank trong một số chính sách, sản phẩm, CB điều chỉnh biểu lãi suất huy động tiền gửi đối với khách hàng cá nhân và tổ chức.
Cụ thể, với hình thức gửi tiền tại quầy dành cho khách hàng cá nhân, trả lãi cuối kỳ, CBBank niêm yết lãi suất như sau: Lãi suất 3,7%/năm cho kỳ hạn 1 tháng; 3,9%/năm cho kỳ hạn 3 tháng; 5,3%/năm cho kỳ hạn 6 tháng (điều chỉnh giảm 0,1%/năm so với mức lãi suất cũ); Lãi suất 5,35%/năm cho kỳ hạn 9 tháng; Lãi suất 5,4%/năm cho kỳ hạn 12 tháng (giảm 0,15%/năm); Lãi suất 5,7%/năm cho kỳ hạn từ 13-60 tháng.
Các khoản tiền gửi không kỳ hạn được áp dụng mức lãi suất 0,5%/năm. Với hình thức gửi tiền trực tuyến, ngoại trừ kỳ hạn 1-2 tháng giữ nguyên ở mức 3,8%/năm, kỳ hạn 3-5 tháng 4%/năm; các kỳ hạn còn lại đều hạ 0,05%, xuống mức 5,5%/năm ở kỳ hạn 6 tháng; 5,45%/năm ở kỳ hạn 9 tháng; 5,65%/năm ở kỳ hạn 12 tháng; 5,8%/năm ở kỳ hạn 18-36 tháng.
Hiện, CB có 1 hội sở và 92 điểm hoạt động. Dưới sự quản lý của Vietcombank, CB hướng đến mục tiêu hoạt động hiệu quả theo quy định của pháp luật và các chuẩn mực ngân hàng quốc tế. Đặc biệt, CB sẽ đề cao tính hiệu quả trên cơ sở kế thừa, phát huy những tinh hoa văn hóa doanh nghiệp, nền tảng công nghệ hiện đại đã được Vietcombank áp dụng thành công.
Trước đó, khi nhận chuyển giao CB, Vietcombank khẳng định, CB tiếp tục hoạt động dưới hình thức ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Vietcombank sở hữu 100% vốn điều lệ; được thực hiện các hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại theo quy định. Mọi quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền; quyền, nghĩa vụ của khách hàng tại CB tiếp tục được đảm bảo theo đúng thoả thuận và quy định pháp luật.
CB là pháp nhân độc lập và không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính (BCTC) vào BCTC hợp nhất của Vietcombank. Ngân hàng này thực hiện các quyền của chủ sở hữu đối với CB theo quy định. Vietcombank không góp vốn vào CB trong thời gian CB còn lỗ lũy kế và tham gia quản trị, điều hành và triển khai các biện pháp hỗ trợ theo phương án chuyển giao bắt buộc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
CB tiền thân là Ngân hàng nông thôn Rạch Kiến, được chuyển đổi lên mô hình đô thị năm 2006 với tên gọi là Đại Tín (TrustBank). Năm 2013, Tập đoàn Thiên Thanh đã cùng một số cổ đông tham gia góp vốn và tái cấu trúc Trust Bank, đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam. Đến 2015, Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng, được Vietcombank tham gia hỗ trợ, quản trị điều hành.
Tác giả: Ngọc Mai
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy