Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu thông tin báo chí về tình hình xuất khẩu nông, lâm sản, thủy sản của Việt Nam hiện nay tại của khẩu Quốc tế tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Chiều 20/12, tại buổi thông tin báo chí về tình hình ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh các doanh nghiệp phải thực hiện đúng các quy định của phía Trung Quốc trong xuất khẩu, đặc biệt là trong phòng chống dịch, kể cả đối với người, phương tiện và hàng hóa.
Doanh nghiệp cần có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan chức năng ở cửa khẩu trước khi đưa hàng lên biên giới.
Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn, cho biết đến sáng 20/12, trên các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn còn 4.598 xe vận chuyển nông sản chờ xuất khẩu sang Trung Quốc.
Nhiều ngày nay, hàng hóa về các cửa khẩu Lạng Sơn gia tăng mạnh. Trong khi đó, để phòng chống dịch COVID-19, các lực lượng chức năng chính quyền Quảng Tây, Trung Quốc đã triển khai các giải pháp rất quyết liệt khi có thông tin về một số lái xe chuyên trách xuất khẩu sang Trung Quốc cũng như một số loại hàng hóa có virus SARS-CoV-2. Chính vì thế, để ngăn chặn dịch bệnh, phía Trung Quốc có các biện pháp để rà soát lại công tác phòng, chống dịch nên khả năng thông quan hàng hóa giảm sút.
Hôm nay, chỉ có cửa khẩu Hữu Nghị đang được thông quan. Cửa khẩu Tân Thanh đã tạm dừng thông quan từ 18/12; cửa khẩu Chi Ma tạm dừng thông quan hàng hóa từ 8/12. Trong ngày hôm qua (19/12) cửa khẩu Hữu Nghị chỉ thông quan được 95 xe.
Tỉnh Lạng Sơn xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc thúc đẩy thông quan hàng hóa của cả nước. Tỉnh thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng chính quyền của Quảng Tây để đẩy nhanh khả năng thông quan hàng hóa, hạn chế tình trạng ùn ứ, đặc biệt là phòng chống dịch thực sự hiệu quả cho cả 2 bên.
Với lượng hàng hóa lớn kéo theo nhiều người về cư trú trên địa bàn tỉnh, nếu mỗi xe có 2 người, trên địa bàn tỉnh có thêm hơn 9.000 người mỗi ngày. Do đó, tỉnh đang chịu áp lực rất lớn về việc đảm bảo an ninh trật tự, chỗ ở, sinh hoạt, vệ sinh môi trường, đặc biệt là phòng chống dịch bệnh.
Ông Hồ Tiến Thiệu cho biết tỉnh phát hiện nhiều ca dương tính do việc di chuyển giữa các vùng khác nhau. Tỉnh đặt mục tiêu phải giữ "cửa khẩu xanh," tức là vùng cửa khẩu phải đảm bảo không có dịch. Do đó, tỉnh tăng cường tuần tra kiểm tra, kiểm soát tuyên truyền để lái xe thực hiện đúng các quy định về phòng chống dịch bệnh, các quy định của bến bãi, tránh tình trạng mất an ninh, an toàn xảy ra. Xe khi vào khu vực cửa khẩu phải đảm bảo an toàn dịch bệnh với người và hàng hóa.
Với hàng hóa thông quan, tỉnh thực hiện nguyên tắc, phương tiện nào đến trước sẽ xuất khẩu trước và ưu tiên các sản phẩm không được bảo quản lạnh như xoài, mít…; ưu tiên đối với phương tiện có hàng hóa phục vụ cho tiêu dùng thiết yếu để đáp ứng yêu cầu thị trường Trung Quốc và doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Theo ông Thiệu, khả năng thông quan ở cửa khẩu Lạng Sơn có mức độ. Do thời điểm cuối năm nên nhu cầu hàng hóa của Trung Quốc tăng lên, lại đang vào thời vụ thu hoạch nhiều loại nông sản nên lượng hàng hóa đưa về Lạng Sơn quá lớn.
Để giải quyết vấn đề ùn tắc, ông Thiệu cho rằng Việt Nam và Trung Quốc cần thống nhất các biện pháp phòng chống dịch để đảm bảo an toàn cho cả hai bên. Cụ thể, cần có cách thức để kiểm soát tốt dịch, tránh tình trạng hai bên chưa công nhận lẫn nhau về phương pháp, cách thức phòng chống dịch bệnh.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với các nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc để giảm bớt thời gian kiểm dịch hàng hóa, tạo điều kiện đẩy nhanh thông quan.
Các bộ, ngành, địa phương cũng cần có ý kiến khuyến cáo, chỉ đạo nông dân, doanh nghiệp thực hiện sản xuất, kinh doanh nông sản theo các quy trình, quy định đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Trung Quốc; đồng thời thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch, hạn chế việc không có các hợp đồng thương mại.
"Tỉnh mong muốn Chính phủ sẽ có cơ chế chính sách hỗ trợ cho các tỉnh biên giới như Lạng Sơn đầu tư cơ sở hạ tầng, bến bãi các dịch vụ logistics để đảm bảo khi hàng hóa bị ùn ứ có điều kiện bảo quản, đảm bảo chất lượng sản phẩm," ông Hồ Tiến Thiệu cho hay.
Trước tình hình ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết Bộ đã thành lập đoàn công tác lên phối hợp với cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn khảo sát, nắm tình hình, xác định nguyên nhân và tham mưu đề xuất các giải pháp tháo gỡ.
Qua nắm tình hình, đoàn công tác thấy rằng hiện Chính phủ Trung Quốc đang thực hiện chính sách "nói không với COVID" nên tăng cường các biện pháp kiểm soát chặt dịch bệnh trên người và hàng hóa đối với các cửa khẩu Trung Quốc.
Qua thông tin của các cơ quan ngoại giao, một số doanh nghiệp đã có sản phẩm nông sản và người nhiễm COVID-19 nên đây là thực trạng khiến các cơ quan chức năng phía bạn tăng cường kiểm soát ở biên giới.
"Một trong những nguyên nhân chính chúng tôi xác định là một số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản không thực hiện đúng quy định cả phía Việt Nam và Trung Quốc về xuất nhập khẩu, đặc biệt là không thực hiện đúng 5K trong phòng chống dịch. Chính vì vậy, đã có nhiễm virus SARS-CoV-2 vào bao bì hàng hóa và cả người," Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho hay.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh: "Bộ đã chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch thông báo với các doanh nghiệp về tình hình ùn tắc để doanh nghiệp có thông tin, kế hoạch, liên hệ trực tiếp với đối tác, tránh đưa hàng lên biên giới để dẫn đến ùn tắc đồng thời cương quyết không làm thủ tục cho doanh nghiệp không đảm bảo đủ điều kiện xuất khẩu, nhất là các điều kiện về phòng chống dịch."
Thứ trưởng đề nghị các tỉnh có hàng xuất khẩu sang biên giới chỉ đạo các ngành chức năng thông báo tới doanh nghiệp và phối hợp với các cơ quan chức năng của các tỉnh biên giới để điều tiết hàng hóa lên biên giới ở mức độ vừa phải, tránh gây khó khăn trong quản lý của các tỉnh biên giới vì ảnh hưởng không chỉ thiệt hại về kinh tế mà cả xã hội.
Ông Hồ Tỏa Cẩm - Tham tán Kinh tế thương mại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, cho biết hằng năm đều có phát sinh tình trạng ù ứ nông sản sản xuất sang Trung Quốc, nhưng năm nay nghiêm trọng nhất bởi do dịch COVID-19.
Tham tán thương mại Trung Quốc tại Việt Nam Hồ Cẩm Tỏa phát biểu trực tuyến. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Lãnh đạo Trung Quốc cũng chỉ đạo các bộ, ngành, đặc biệt là Tổng cục Hải quan Trung Quốc về việc đảm bảo hàng hóa phải được thông quan thông suốt nhưng việc phòng chống dịch vẫn là trên hết. Do đó, để thông quan hàng hóa nhanh, hai bên phải tăng cường phòng chống dịch ở cửa khẩu biên giới.
"Với thông tin Trung Quốc sẽ tạm dừng thông quan 14 ngày hay 60 ngày, tôi chưa xác định được nguồn gốc thông tin từ đâu. Chúng tôi cũng chưa nhận được thông báo này và sẽ kiểm tra thông tin này," ông Hồ Tỏa Cẩm cho biết.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị ông Hồ Tỏa Cẩm liên hệ với chính quyền, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Tây có buổi họp trực tuyến cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn để trao đổi về các giải pháp để làm sao phòng chống dịch, không để dịch lây lan sang con người, phương tiện, hàng hóa, đáp ứng yêu cầu của phía bạn.
Về vấn đề này, ông Hồ Tỏa Cẩm cho biết sẽ liên hệ với chính quyền tỉnh Quảng Tây về đề xuất buổi làm việc trên.
Tác giả: Bích Hồng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Báo giá dich vu chuyen nha trọn gói
- Dịch vụ phá dỡ thạch cao giá rẻ tại Hà Nội
- Cấu tạo động cơ diesel 2 kỳ
- Các mệnh giá nhân dân tệ
- helenexpress.com/gui-hang-di-my-tai-tphcm.html 2024
- Nhịp Sống News
- Xe tải chở thuê
- In màng co nhãn chai
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy