Từ tháng 11/2024, Thông tư 68 sửa đổi, bổ sung chính thức có hiệu lực. Một trong những nội dung đáng chú ý là Thông tư này đã bỏ yêu cầu phải có đủ tiền trước khi thực hiện giao dịch mua chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài.
Thông tư số 68 là thành quả của hơn 6 tháng thảo luận kỹ lưỡng với nhiều đóng góp từ các thành viên thị trường, ý kiến của các tổ chức quốc tế.
Hiện thực hóa mục tiêu nâng hạng thị trường
Theo ông Bùi Nguyên Khoa - Phó Trưởng phòng Phân tích, CTCP Chứng khoán BIDV (BSC), đây là những thay đổi quan trọng, nỗ lực tiếp theo của cơ quan quản lý trong việc hiện thực hóa mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi vào năm 2025.
"Việc Bộ Tài chính sớm ban hành 1 Thông tư sửa đổi 4 Thông tư đã lấy ý kiến kể từ tháng 3/2024 và nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có những nhận xét tích cực trong quá trình sử dụng các giải pháp sẽ là tiền đề để thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng trong các kỳ đánh giá vào tháng 3 và tháng 9/2025", chuyên gia từ BSC đánh giá.
Còn ông Barry Weisblatt David – Giám đốc Khối Phân tích, CTCP Chứng khoán VNDirect cho rằng, Thông tư 68 sẽ giúp một số nhà quản lý quỹ tích cực gia tăng phân bổ cho Việt Nam do đầu tư trở nên hiệu quả hơn về chi phí.
Ông Barry Weisblatt David – Giám đốc Khối Phân tích, CTCP Chứng khoán VNDirect.
Tuy nhiên, phạm vi này khá nhỏ, không ảnh hưởng đến phân bổ từ các quỹ Vietnam-dedicated như PYN, Dragon Capital hay VinaCapital vì họ đã đầu tư 100% vào Việt Nam mặc dù lợi nhuận của họ sẽ tăng nhẹ. Thông tư sẽ áp dụng chủ yếu cho các quỹ khu vực hoặc các quỹ chuyên các thị trường cận biên và mới nổi toàn cầu có quan tâm đến Việt Nam.
Tác động lớn hơn của Thông tư là việc nâng cao khả năng FTSE sẽ công bố nâng hạng lên thị trường mới nổi vào tháng 3. Thông báo này sẽ cải thiện tâm lý thị trường và lực mua của nhà đầu tư cá nhân một cách tích cực.
Bên cạnh đó, các ETFs nước ngoài mô phỏng thị trường Việt nam có thể gia tăng tài sản quản lý khi nhà đầu tư tại các thị trường nước ngoài kỳ vọng vào nâng hạng thị trường mới nổi. Đây có thể là một sự kiện quan trọng và giúp tăng giá cổ phiếu trong quý I/2025.
"Khi Việt Nam chính thức được FTSE nâng hạng vào tháng 9 và các công ty Việt Nam được đưa vào các chỉ số thị trường mới nổi, chúng ta có thể kỳ vọng dòng vốn lớn từ các ETF thị trường mới nổi. Dù có nhiều ước tính khác nhau, tôi nghĩ rằng khoảng 500 triệu đến dưới 1 tỷ USD là hợp lý. Những công ty được hưởng lợi có thể bao gồm những doanh nghiệp hiện đang chiếm ưu thế trong chỉ số FTSE FM, bao gồm HPG, VHM, VCB, VIC và VNM", Giám đốc Khối Phân tích Chứng khoán VNDirect kỳ vọng.
Dự kiến sẽ thu hút khoảng 4-6 tỷ USD
Bà Wanming Du – Trưởng bộ phận chính sách chỉ số, FTSE Russell chia sẻ sự vui mừng khi được chứng kiến những bước tiến mới của cơ quan quan quản lý cũng như thị trường chứng khoán Việt Nam sau 6 tháng được trở lại làm việc tại Việt Nam.
Bà Wanming Du khẳng định, FTSE Russel sẽ tăng cường các cuộc trao đổi, làm việc với các bên liên quan tại Việt Nam để hỗ trợ hoạt động giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, cũng như chia sẻ thông tin, cách thức giao dịch của các khách hàng thuộc FTSE tại các thị trường mới nổi.
Bà Wanming Du – Trưởng bộ phận chính sách chỉ số, FTSE Russell.
Đánh giá về Thông tư 68, ông Young Lee - Giám đốc Điều hành hoạt động kinh doanh cổ phiếu khu vực Châu Á, Morgan Stanley cho hay, việc bỏ quy định phải có đủ tiền khi đặt lệnh là yêu cầu quan trọng từ phía các nhà đầu tư và cần nhiều thời gian để sửa đổi cơ chế, chính sách.
Thực tế, Việt Nam đã có những thay đổi quan trọng về tiêu chí này chỉ trong một thời gian ngắn, ông Young Lee đánh giá cao những nỗ lực này từ phía các cơ quan quản lý thị trường chứng khoán tại Việt Nam.
Đại diện Morgan Stanley nhìn nhận, những quy định mới tại Thông tư 68 đã giúp thị trường chứng khoán Việt Nam phù hợp hơn với các yêu cầu bắt buộc của FTSE Russell.
Trường hợp thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi có thể giúp thu hút 800 triệu USD từ các nhà đầu tư thụ động sử dụng bộ chỉ số FTSE và 2 tỷ USD từ các nhà đầu tư thụ động sử dụng bộ chỉ số khác. Đồng thời, khi thị trường nâng hạng thì các quỹ chủ động sẽ tham gia tích cực hơn và dự kiến sẽ có khoảng 4-6 tỷ USD vào Việt Nam.
Nguy cơ công ty chứng khoán chịu rủi ro vỡ nợ thanh toán
Mặc dù vậy, ông Barry Weisblatt David đánh giá, Thông tư 68 cũng tạo ra một số rủi ro cho các công ty chứng khoán vì nó khiến họ phải chịu rủi ro vỡ nợ thanh toán của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài và phải đưa chứng khoán vào danh mục giao dịch của tự doanh. Đây là một điều mới đối với các công ty chứng khoán.
Trước đây, VNDirect cũng đã thực hiện KYC đối với khách hàng nước ngoài nhưng chưa phải đánh giá rủi ro đối tác. Hiện nay, chỉ có một số ít công ty chứng khoán hoạt động mạnh trong mảng môi giới cho khách hàng tổ chức nước ngoài.
Tuy nhiên, họ sẽ cần đầu tư đáng kể vào phát triển hệ thống và chính sách để đánh giá rủi ro này và triển khai sản phẩm cho khách hàng.
"Rủi ro cho thị trường là những công ty chứng khoán có ý định mở rộng sự hiện diện trong lĩnh vực này và chiếm lĩnh thị phần từ các nhà đầu tư nước ngoài cần thực hiện các biện pháp quản lý rủi ro liên quan và không đi đường tắt", lãnh đạo VNDirect nhận định.
Tác giả: Trần Thị Tú Anh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy