Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội đã ra kết luận, đồng thời đề nghị Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp truy tố Nguyễn Văn Linh (SN 1986, cựu cán bộ Kho quỹ ngân hàng TMCP T.) về tội “Tham ô tài sản”.
Kết luận thể hiện, ngân hàng T. niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2018 với vốn điều lệ hơn 20.016 tỷ đồng. Tại thời điểm năm 2017 (lúc bị can phạm tội), phần vốn góp của doanh nghiệp Nhà nước tại ngân hàng này là 6,09% gồm Mobifone nắm 0,95% (thoái vốn năm 2019) và Công ty Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam nắm 5,14% (đến năm 2023 còn 2,64%).
“Rút ruột” lượng vàng lớn
Quá trình điều tra cho thấy, ngân hàng T. thành lập Kho quỹ tập trung để lưu giữ các tài sản gồm vàng, tiền, giấy tờ có giá, ấn chỉ quan trọng… Riêng với vàng, ngân hàng này chia 3 trạng thái để quản lý.
Đó là vàng giữ hộ, do ngân hàng T. nhận giữ hộ vàng SJC, DOJI có thu phí; bao gồm giữ hộ nguyên series (khi hoàn trả sẽ nhận nguyên trạng số đã gửi) và không series. Loại 2 là vàng giao dịch (mua bán), tức vàng SJC được ngân hàng T. lưu trữ, sử dụng để giao dịch mua bán với khách hàng. Cả hai loại được Ban Quản lý kho kiểm kê hằng ngày.
Loại thứ 3 là vàng cầm cố, khi ngân hàng cho khách hàng vay tiền và sử dụng tài sản đảm đảo là vàng miếng SJC. Sau khi nhận cầm cố, vàng được niêm phong theo quy định của ngân hàng T. và bảo quản trong kho tiền. Riêng loại này được kiểm kê định kỳ vào các ngày 30/6 và 31/12 hằng năm.
Khoảng năm năm 2017, bị can Nguyễn Văn Linh là thủ quỹ và nhận thấy sơ hở về quản lý đối với vàng cầm cố trong kho. Từ đó, Linh nảy sinh ý định chiếm đoạt vàng ở trong két vàng mua bán, giữ hộ rồi lấy vàng ở két vàng cầm cố thay thế vào phần thiếu hụt, qua mặt việc kiểm kê hằng ngày.
Từ thông tin sổ sách, Linh xác định có khách hàng tên Trần Văn C thế chấp 246 lượng vàng SJC nhưng chỉ tất toán trên giấy tờ và gửi lưu vàng cố định trong kho. Bị can lên kế hoạch chiếm đoạt 246 lượng vàng SJC trong két vàng mua bán và thay thế băng lượng vàng ông C thế chấp.
Ngày 5-7-2017, sau khi hoàn tất việc kiểm kê vàng cuối ngày, Linh lấy 246 lượng vàng SJC trong két chứa “vàng mua bán, giữ hộ” cho vào túi nilon, cất trong một thùng tôn.
Sáng hôm sau, trong quá trình mở kho tiếp quỹ đầu ngày cho các chi nhánh, Linh mang chiếc thùng tôn để ở kho đệm - là không gian phía ngoài kho tiền. Bị can cũng liên hệ tới số điện thoại của bà K., từ Công ty vàng bạc G.B, hẹn bán số vàng lấy được, giao dịch tại một ngân hàng trên phố Thợ Nhuộm.
Bán xong số vàng “rút ruột”, bị can thu về hơn 8,8 tỷ đồng và gửi toàn bộ vào tài khoản chứng khoán của mình.
Đến cuối ngày làm việc ngày 6-7-2017, trong quá trình kiểm kê cùng Ban Quản lý kho, Nguyễn Văn Linh đặt túi vàng có chứa 246 lượng vàng SJC của khách hàng C vào két vàng “mua bán, giữ hộ” nhằm thay thế vào số vàng đã lấy. Vì vậy, các thành viên khác trong Ban quản lý kho không phát hiện tài sản bị thiếu hụt.
Thiếu trách nhiệm nhưng chưa đủ căn cứ xử lý
Ngày 22-3-2019, ông C tất toán khoản vay và nhận lại đủ 246 lượng vàng SJC từ ngân hàng T.. Nhằm tiếp tục tránh sự phát hiện việc thụt két, bị can Linh cắt niêm phong bao đựng vàng của Công ty Doji trong kho tiền, lấy ra 246 lượng vàng SJC rồi để vào két sắt chứa “vàng mua bán”. Khi đặt vào, bị can còn dặn mọi người là số vàng này do “khách VIP gửi”, không ai được động vào.
Đến tháng 1-2021, có khách hàng tên H thế chấp 561 lượng vàng và ngân hàng giao Linh quản lý. Bị can nhận thấy dùng số vàng này bù vào 246 lượng vàng SJC đã chiếm đoạt sẽ an toàn hơn sử dụng lượng vàng của Công ty Doji trong kho nên quyết định thay thế.
Quá trình thay thế vàng, Linh làm hỏng một chiếc khóa và phải mua về thay. Khi bà H tất toán khoản vay và nhận lại 561 lượng vàng SJC, bà này cũng phát hiện một thùng vàng không mở được bằng chìa khóa của mình nhưng do đã nhận đủ tài sản nên không có ý kiến.
Để che giấu hành vi phạm tội, trước mỗi kỳ kiểm tra tài sản, Linh đều hoản trả 246 lượng vàng SJC vào két chứa vàng mua bán. Quá trình kiểm tra, kiểm kê, bị can là người chủ động thực hiện kiểm kê vàng, đọc số liệu cho các thành viên trong đoàn kiểm kê ghi chép, đối chiếu sổ sách nên trong thời gian dài, thành viên Ban Quản lý kho quỹ cùng các tổ kiểm tra không phát hiện sự thiếu hụt.
Chỉ đến khi bà H tất toán, trong kho không còn vàng phù hợp để thay thế mỗi khi báo cáo; Linh không có khả năng trả lại, không thể che giấu được nữa nên mới tới cơ quan công an đầu thú.
Ngoài hành vi trên, Nguyễn Văn Linh còn khai được bà Lê Cẩm Tú - Kế toán trưởng ngân hàng T. nhờ giữ hộ hơn 70 tỷ đồng của cá nhân và để trong kho tiền của ngân hàng. Ngày 16-9-2023, Linh mới trả lại bà Tú 40 tỷ đồng.
Khoản 30 tỷ đồng còn lại của bà Tú và số tiền thu được tư việc bán 246 lượng vàng SJC, bị can Linh dùng để mua tiền ảo USDT nhằm đầu tư ngoại hối (Forex); mua xổ số Vietlot và hiện đã thua lỗ, không thể hoàn trả cho bà Tú cùng ngân hàng T.
Về hậu quả việc Nguyễn Văn Linh tham ô 246 lượng vàng, ngân hàng T. cho hay đã được các công ty bảo hiểm thanh toán số tiền hơn 468.000 USD và hơn 5,3 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra xác định, để xảy ra vụ việc có sự liên quan của Giám đốc Trung tâm giao dịch Hội sở; Giám đốc dịch vụ khách hàng và nhiều nhân viên khác thuộc ngân hàng T. Hành vi của những người này là thiếu trách nhiệm nhưng không phải nguyên nhân trực tiếp dẫn tới việc Linh tham ô 246 lượng vàng SJC. Do vậy, cơ quan điều tra cho rằng không đủ căn cứ xử lý những người này về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Quá trình điều tra, Nguyễn Văn Linh khai liên lạc với bà T.T.H.K để tiêu thụ 246 lượng vàng. Tuy nhiên, bà Khanh không thừa nhận và khẳng định số điện thoại của mình do nhân viên cầm; các tin nhắn của Linh trong máy bà này không được trả lời.
Mặt khác, sau khi nhận tiền bán 246 lượng vàng, Linh là người trực tiếp gửi tiền vào tài khoản của mình. Bị can này cũng không quen biết với người nhận vàng, giao tiền cho mình nên không đủ cơ sở xác định bà Khanh phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có hoặc đồng phạm với nhân viên ngân hàng về hành vi tham ô tài sản.