Dòng sự kiện:
Thu ngân sách nhà nước 2019 vượt tới 9,1% so với dự toán
10/01/2020 14:00:56
Đến 12h ngày 31/12/2019, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 1.539,4 nghìn tỷ đồng, vượt tới 9,1% (128,1 nghìn tỷ đồng) so với dự toán, là năm thứ 4 liên tiếp thu vượt dự toán ở mức cao.

Thu ngân sách nhà nước 2019 vượt xa dự toán

Năm 2019 đánh dấu nỗ lực vượt bậc của ngành Tài chính, khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN).

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến 12h00 ngày 31/12/2019, tổng thu NSNN đạt 1.539,4 nghìn tỷ đồng, vượt 9,1% (128,1 nghìn tỷ đồng) so với dự toán, tăng 82,1 nghìn tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội.

Thu ngân sách Trung ương và địa phương đều vượt dự toán. Trong đó, thu của Trung ương vượt xấp xỉ 4% (32,2 nghìn tỷ đồng), thu địa phương vượt 16% (96 nghìn tỷ đồng) so với dự toán.

Thu nội địa đạt 1.260,5 nghìn tỷ đồng, vượt 7,4% (87 nghìn tỷ đồng); thu từ dầu thô 55,9 nghìn tỷ đồng, vượt 25,3% (11,3 nghìn tỷ đồng); thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng 18,8 nghìn tỷ đồng so với dự toán.

Số thu cân đối ngân sách đạt xấp xỉ 217,9 nghìn tỷ đồng, vượt 15,2% (28,8 nghìn tỷ đồng) so với dự toán. Tỷ lệ động viên thu NSNN đạt 25%GDP, riêng động viên thuế và phí đạt 21% GDP. Đánh giá cả giai đoạn 2016-2020 tỷ lệ huy động thu vào NSNN bình quân đạt 24,7% GDP (vượt kế hoạch là 23,5% GDP).

Hầu hết các địa phương hoàn thành vượt dự toán thu nội địa, với 30 địa phương vượt trên 20% dự toán, 14 địa phương vượt từ 10-20% dự toán và 17 địa phương vượt dưới 10% dự toán. Những địa phương có kết quả thu đạt cao là Ninh Bình, Bắc Giang, Bình Định, Phú Yên...

Nợ công co xuống 56,1% GDP, bớt chi phí nhờ lãi suất xuống sâu

Cũng theo Bộ Tài chính, chi NSNN năm 2019 được quản lý chặt chẽ theo đúng dự toán và tiến độ thực hiện; tiếp tục cơ cấu lại chi NSNN, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, đồng thời cơ cấu lại chi trong từng lĩnh vực, gắn với đổi mới sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế và đổi mới khu vực sự nghiệp công.

Bội chi NSNN năm 2019 giảm từ mức 3,7% dự toán xuống ở mức dưới 3,4% GDP thực hiện; nợ công đến nay giảm còn 56,1% GDP so với mức 63,7% GDP cuối năm 2016.

Năm 2019, cơ quan thuế đã thực hiện thu hồi 35.200 tỷ đồng thuế nợ đọng từ năm trước chuyển sang. Cơ quan hải quan đã thu hồi và xử lý 992 tỷ đồng nợ đọng thuế.

Năm 2019 đã tiếp tục cơ cấu một bước nợ công, kéo dài kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ (kỳ hạn bình quân là 13,47 năm, tăng 0,78 năm so với cuối năm 2018); giảm chi phí nợ công (lãi suất phát hành bình quân 11 tháng năm 2019 là 4,68%/năm, giảm từ 1,2-1,6%/năm so với thời điểm đầu năm 2019); tăng tỷ trọng vay trong nước, dự kiến cuối năm 2019 đạt 62,3% tổng dư nợ Chính phủ (so với mức 60,1% năm 2016)...

Đối với việc triển khai sắp xếp lại tổ chức bộ máy, Bộ Tài chính đã thực hiện cắt giảm được 2.901 đầu mối (riêng năm 2019 giảm 2.172 đầu mối) các đơn vị từ Trung ương đến địa phương, hiệu quả quản lý tài chính nên lũy kế năm 2019 và dự toán năm 2020 đã tiết kiệm được khoảng 3.000 tỷ đồng.

Năm 2019 là năm thứ 2 liên tiếp cả nước hoàn thành 12 chỉ tiêu chủ yếu mà Quốc hội đặt ra. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, số vượt thu ròng khoảng 32.000 tỷ đồng của NSTW năm nay sẽ tạo điều kiện thuận lợi, tạo dư địa để thực hiện phương án cải cách tiền lương vào năm 2021. Cùng với đó, năm nay cũng là năm thuế xuất nhập khẩu có mức thu kỷ lục, hơn 318.000 tỷ đồng. Nhờ nguồn thu lớn này, nhà nước có dư địa để giải quyết chính sách hoàn thuế, không để tồn lại sang năm sau.

Năm 2020: Phấn đấu vượt cao nhất nhiệm vụ tài chính - NSNN đề ra

Theo Bộ Tài chính, trong năm 2020, bên cạnh những thuận lợi, dự báo cũng còn nhiều khó khăn, thách thức, có thể tác động bất lợi đến sự phát triển kinh tế - xã hội và việc thực hiện các nhiệm vụ tài chính - NSNN. Do đó, cần sự quyết tâm, nỗ lực phấn đấu của toàn ngành Tài chính nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - NSNN đề ra.

Báo cáo trước Quốc hội và Chính phủ, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng đã khẳng định quyết tâm của toàn ngành Tài chính phấn đấu năm 2020 thực hiện cao nhất mục tiêu tài chính - NSNN giai đoạn 2016 - 2020. Ngành Tài chính tiếp tục cơ cấu lại NSNN, thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, tăng cường kỷ cương, kỷ luật ngân sách, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển nhanh và bền vững. Bên cạnh đó, toàn ngành tiếp tục thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công, ưu tiên dành nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội.

Năm 2020, dự toán thu NSNN Quốc hội phê duyệt là 1.512,3 nghìn tỷ đồng. Dự toán chi là 1.747,1 nghìn tỷ đồng. Bội chi NSTW là 217,8 nghìn tỷ đồng; bội chi ngân sách địa phương 17 nghìn tỷ đồng.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2020, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, linh hoạt với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, nhằm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo động lực cho sự phát triển nhanh, bền vững. Trong đó, Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về thuế nhằm cơ cấu lại nguồn thu, mở rộng, chống xói mòn cơ sở thuế, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân; không ban hành chính sách mới làm giảm thu NSNN, trừ trường hợp điều chỉnh chính sách thu theo cam kết hội nhập; đồng thời, phấn đấu tăng thu NSNN năm 2020 trên 3% so với dự toán Quốc hội đã quyết định.

Bên cạnh giải pháp về chính sách tài khóa, Bộ Tài chính tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật; xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, xây dựng chính phủ điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp; tăng cường quản lý giá, thị trường, kiểm soát lạm phát; tiếp tục phát triển đồng bộ các loại hình thị trường tài chính, đa dạng các định chế tài chính, tổ chức dịch vụ kế toán, kiểm toán, thẩm định giá, xếp hạng tín nhiệm; tăng cường quản lý tài chính doanh nghiệp, tái cấu trúc, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII).

Năm 2020, Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách trong thực thi công vụ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch trong thu, chi NSNN, quản lý, sử dụng tài sản công, đất đai, tài nguyên,..; thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra, kiểm toán; tích cực, chủ động hội nhập tài chính quốc tế; điều hành ngân sách trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 và xử lý tiếp các nhiệm vụ của năm 2019.

Khánh Linh (T/h)

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến