Toàn cảnh hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm tại Bộ Tài chính ngày 7/7 (Ảnh: Tuấn Nguyễn)
Báo cáo tại Hội nghị sơ kết công tác tài chính- ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, nhiệm vụ tài chính – ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2020 được triển khai trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước biến động rất lớn do tác động của đại dịch COVID-19.
Trước tác động của đại dịch COVID-19, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất các giải pháp tài khoá để ứng phó, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, tổng thu ngân sách Nhà nước 6 tháng ước đạt 44,2% dự toán, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2019; nếu thu từ cổ phần hóa đạt tiến độ dự toán, cộng với số thuế đã gia hạn, thì đạt khoảng trên 48% dự toán.
“Đây là năm có tiến độ thu ngân sách đạt thấp nhất kể từ năm 2013”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Xét theo địa phương, báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, cả nước có 34/63 địa phương thu 6 tháng đạt trên 50% dự toán; không kể thu tiền sử dụng đất, xổ số thì chỉ có 14/63 địa phương thu đạt trên 50% dự toán; 30/63 địa phương tiến độ thực hiện thu đạt dưới 45% dự toán.
Trong 16 địa phương trọng điểm thu có điều tiết về Trung ương, chỉ có 5/16 địa phương đạt tiến độ thu nội địa trên 50% (Quảng Ninh, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu); 11 địa phương còn lại đạt dưới 50%, trong đó 8 địa phương đạt dưới 40% dự toán.
Đối với chi ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, đến hết tháng 6 ước đạt 41,8% dự toán. Ngân sách Nhà nước đã chi khoảng 15,3 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Bộ Tài chính cũng đã chi cho công tác phòng chống dịch 4,1 nghìn tỷ đồng; chi hỗ trợ cho hơn 11 triệu đối tượng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ khoảng 11,3 nghìn tỷ đồng.
Ngân sách Trung ương cũng đã chi 1.664 tỷ đồng dự phòng năm 2020 để hỗ trợ các địa phương phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, khắc phục hậu quả và khôi phục sản xuất sau thiên tai.
Để giảm bớt tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, Quốc hội yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chủ động điều hành chi ngân sách Nhà nước chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, bố trí trong dự toán được giao để thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng;
Đồng thời rà soát để cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020, đặc biệt là các khoản chi mua sắm chưa thực sự cần thiết; đồng thời, chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, 6 tháng cuối năm, ngành Tài chính đã đề ra 10 nhiệm vụ quan trọng cần tập trung thực hiện. Trong số đó, sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, tăng cường thu hút vốn đầu tư cho phát triển kinh tế.
Đồng thời, tổ chức điều hành, quản lý chi ngân sách Nhà nước, chặt chẽ, tiết kiệm, đúng quy định, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước. Các bộ, ngành, địa phương quản lý chi ngân sách Nhà nước chặt chẽ, theo dự toán.
Ngoài ra, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công (bao gồm cả kế hoạch năm 2019 chuyển sang). Các địa phương chủ động sử dụng dự phòng, dự trữ, tăng thu, tiết kiệm chi, kết dư ngân sách địa phương, nguồn cải cách tiền lương còn dư và các nguồn lực hợp pháp khác để đảm bảo các nhiệm vụ chi quan trọng, trong đó có nhiệm vụ phòng, chống dịch, khắc phục hậu quả thiên tai.