Dòng sự kiện:
Thu ngân sách tiếp tục giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19
04/09/2020 21:22:26
Theo Bộ Tài chính, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước thực hiện tháng 8 ước đạt 92,9 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa giảm khoảng 1/4 so với số thu tháng 7.

Cán bộ Cục Hải quan Quảng Ninh giám sát hoạt động xuất nhập khẩu xăng dầu tại cảng biển (Ảnh: Hải Anh)

Nguyên nhân giảm thu ngân sách là do cuối tháng 7, dịch Covid-19 đã bùng phát trở lại ở TP. Đà Nẵng và nhanh chóng lan rộng ra một số địa phương, làm chậm quá trình phục hồi của nền kinh tế, giảm nguồn thu ngân sách.

Giảm thu ở nhiều địa phương

Trong tháng 8, thu từ dầu thô ước đạt 2,3 nghìn tỷ đồng, tăng 460 tỷ đồng (tăng 25%) so với tháng 7. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 15,8 nghìn tỷ đồng, trên cơ sở: tổng số thu thuế đạt 25 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng gần 700 tỷ đồng so tháng 7, hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) 9,2 nghìn tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân giảm thu ngân sách là do cuối tháng 7, dịch Covid-19 đã bùng phát trở lại ở TP. Đà Nẵng và nhanh chóng lan rộng ra một số địa phương, với số lượng người nhiễm bệnh tăng mạnh, ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sản xuất - kinh doanh, du lịch và dịch vụ của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh, làm chậm quá trình phục hồi của nền kinh tế, khiến giảm nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN).

Luỹ kế thực hiện thu NSNN 8 tháng ước đạt 881,9 nghìn tỷ đồng, bằng 58,3% dự toán, giảm 12,4% so với cùng kỳ năm 2019 (ngân sách trung ương ước đạt 54,9% dự toán; ngân sách địa phương ước đạt 62,7% dự toán). Nếu tính cả số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn thời gian nộp theo quy định của Nghị định số 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ là 66,39 nghìn tỷ đồng, thì thu NSNN 8 tháng ước đạt 62,7% dự toán, vẫn giảm 5,8% so cùng kỳ năm 2019.

Trong đó: Thu nội địa 8 tháng ước đạt 733,98 nghìn tỷ đồng, bằng 58,1% dự toán, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 đạt 69,2% dự toán, tăng 14,4%). Đây là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ một số năm gần đây. Những năm gần đây, mức tăng tương ứng cùng kỳ năm 2019 đạt 69,2%; năm 2018 đạt 64,6% và năm 2017 đạt 61,2%.

Bộ Tài chính cho biết, mức giảm thu diễn ra ở nhiều địa phương và tập trung ở các khoản thu thuế như: thuế GTGT (đạt 49,5% dự toán, giảm 16,9% so với cùng kỳ); thuế thu nhập doanh nghiệp (đạt 52,2% dự toán, giảm 15,4%), thuế tiêu thụ đặc biệt (đạt 50,5% dự toán, giảm 13,4%); lệ phí trước bạ (đạt 48,2% dự toán, giảm 18,2%)...

Theo Bộ Tài chính, ước tính cả nước có 28/63 địa phương thu nội địa đảm bảo tiến độ dự toán (đạt trên 67%) và cao hơn mức bình quân chung của cả nước (không kể thu tiền sử dụng đất, có 8/63 địa phương thu nội địa đạt trên 67% dự toán), một số địa phương tiến độ thu thấp (dưới 55% dự toán, trong đó có nhiều địa phương lớn như: TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Nam, Vĩnh Phúc…); 23/63 địa phương thu cao hơn so cùng kỳ, 40 địa phương thu thấp hơn so cùng kỳ.

Những con số nêu trên đã phản ánh thực trạng khó khăn của nền kinh tế và ảnh hưởng của các giải pháp về thu NSNN để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân ứng phó với đại dịch Covid-19.

Một số sắc thuế quan trọng cũng giảm thu

Tính đến hết tháng 8, có 5/12 khoản thu đảm bảo tiến độ dự toán (đạt trên 67%), nhưng phần lớn là các khoản thu nhỏ. 7 khoản thu còn lại, bao gồm cả các khoản thu quan trọng từ 3 khu vực kinh tế, không đảm bảo tiến độ dự toán và giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019, như: thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 51,3% dự toán, giảm 17,5%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 54,9% dự toán, giảm 9,8%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 47,9% dự toán, giảm 18,8%; các loại phí, lệ phí đạt 50,5% dự toán, giảm 15,8% so với cùng kỳ năm 2019...

Trong 8 tháng, thu về dầu thô ước đạt 25,48 nghìn tỷ đồng, bằng 72,4% dự toán, giảm 35,6% so với cùng kỳ năm 2019. Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 121,5 nghìn tỷ đồng, bằng 58,4% dự toán, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Số thu thuế xuất nhập khẩu giảm do tình hình dịch bệnh trên thế giới đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động thương mại quốc tế. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2020 ước đạt 337,28 tỷ USD, xấp xỉ mức thực hiện cùng kỳ năm 2019. Trong đó, đáng chú ý, kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng có số thu ngân sách lớn giảm, như: xăng dầu các loại giảm 38,2%; ô tô nguyên chiếc giảm 43,7%; sắt thép giảm 13,2%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng giảm 3,1%... đã tác động làm giảm thu ngân sách.

Về chi NSNN, trong tháng 8, chi NSNN ước đạt 119,5 nghìn tỷ đồng, đáp ứng các nhiệm vụ chi theo dự toán và xử lý kịp thời các nhiệm vụ đột xuất phát sinh.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, trong bối cảnh khó khăn, thu ngân sách giảm do tăng trưởng kinh tế chậm lại, thì các bộ, ngành, địa phương phải giảm chi tương ứng. Ngoài tiết kiệm chi tiêu theo quy định, các đơn vị sử dụng ngân sách phải tiếp tục tiết kiệm hơn nữa, cắt giảm tiếp các khoản chi không cần thiết, tập trung chi cho đầu tư phát triển và an sinh xã hội.

Tác giả: Minh Anh

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến