Anh Hoàng Dũng, nhân viên một công ty chứng khoán ở TP.HCM cho biết, anh làm nghề môi giới chứng khoán được gần 5 năm. Vào giai đoạn năm 2021 - 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam giao dịch sôi động, thu nhập mỗi tháng của anh dao động từ 40 - 50 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, bước sang năm 2023 - 2024, thị trường giao dịch yếu, tiền lương cứng và phí môi giới còn rất ít kéo theo các khoản thưởng cũng giảm mạnh. Thu nhập bình quân của anh Dũng chỉ còn khoảng 12 - 13 triệu đồng/tháng. Số tiền này chỉ đủ cho anh tiêu pha “gói ghém” ở TP.HCM.
“Tôi đã quyết định nghỉ việc từ đầu tháng 3/2025 để chuyển sang một công ty khác phù hợp hơn. Công ty mới có mức lương thỏa thuận ổn định là 22 triệu đồng/tháng và không bị áp lực doanh số như công ty chứng khoán”, anh Dũng nói.
Nhiều nhân viên chứng khoán đã nghỉ việc trong thời gian qua vì thu nhập giảm. (Ảnh minh họa)
Cũng như anh Dũng, chị Khánh Vân, nhân viên một công ty chứng khoán tại Quận 1 cũng đang đi tìm công việc mới do thu nhập giảm sâu trong 2 năm qua.
Theo chị Vân, vào thời hoàng kim của thị trường chứng khoán, mỗi tháng chị có thể kiếm được 50 - 70 triệu đồng. Tuy nhiên, 2 năm qua, thu nhập của chị giảm khoảng 60 - 70%. Mỗi tháng chỉ còn khoảng 20 - 25 triệu đồng.
Chị Vân chia sẻ, gia đình chị đang mua trả góp một căn hộ chung cư tại Quận 10. Chính vì vậy, với thu nhập hiện tại thì gia đình không đủ tiền trả lãi ngân hàng. Chị đang đi tìm công việc mới và tương lai chỉ cộng tác với công ty chứng khoán để làm thêm.
Báo cáo tài chính của các công ty chứng khoán lớn tại Việt Nam thể hiện, tính đến hết năm 2024, Công ty Chứng khoán VNDirect giảm 100 nhân sự so với hồi đầu năm, chỉ còn 1.077 nhân sự. Công ty Chứng khoán SSI có hơn 1.502 nhân sự, giảm 84 người so với đầu năm. Chứng khoán Phú Hưng giảm 53 người, chỉ còn 329 nhân sự hay Chứng khoán KB Việt Nam giảm 50 người, chỉ còn 401 người.
Đại diện các công ty chứng khoán cho biết, những con số nói trên chỉ là số nhân viên chính thức nghỉ việc, chưa bao gồm những cộng tác viên môi giới nghỉ việc. Lượng cộng tác viên nghỉ việc khá lớn nhưng khó thống kê.
Thị trường chứng khoán giao dịch chưa sôi động khiến thu nhập của nhân viên môi giới giảm mạnh. (Ảnh: B.L)
Bà Nguyễn Thúy Hằng, chuyên gia tài chính tại TP.HCM nhận định, để giữ chân môi giới trong bối cảnh thị trường gặp nhiều khó khăn như hiện nay thì các công ty môi giới cần xem lại các cơ chế, chính sách hoa hồng, lương, thưởng cho nhân viên. Chỉ khi nhân viên có thu nhập ổn định, trang trải đủ cho cuộc sống thì doanh nghiệp mới giữ chân được nhân sự, đặc biệt là những nhân viên mới vào nghề.
Tuy nhiên, theo bà Hằng, đây cũng là cơ hội để thanh lọc, nâng cao chất lượng môi giới chứng khoán và mang lại giá trị tư vấn tốt hơn đến khách hàng.
“Trong thời điểm có nhiều khó khăn như hiện nay thì đây cũng là dịp để các môi giới chứng khoán trau dồi thêm kiến thức, kinh nghiệm để hành nghề. Thị trường chứng khoán của chúng ta vẫn còn loại hình đầu tư là chứng khoán phải sinh, do đó, dù thị trường tăng hay giảm điểm thì cơ hội vẫn luôn hiện diện”, bà Hằng nói.
Cũng theo bà Hằng, thời điểm thị trường chứng khoán trong vùng “nhiễu động” là lúc nhà đầu tư rất cần có sự đồng hành của những môi giới chuyên nghiệp. Lúc này, môi giới cần chia sẻ với nhà đầu tư những phân tích mang tính chính xác, thận trọng hoặc thậm chí là khuyên nhà đầu tư giảm tỷ trọng, hạn chế sử dụng margin (vay ký quỹ). Việc khuyến cáo nhà đầu tư tập trung vào đầu tư dài hạn, đầu tư vào giá trị cũng là phương án cần thiết trong giai đoạn này.
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), năm 2024 tiếp tục là năm có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các công ty chứng khoán nhằm giữ chân nhà đầu tư, khách hàng. Chính vì vậy mà miếng bánh thị phần môi giới cũng có nhiều xáo trộn ở những vị trí Top dưới.
Thống kê cho thế, Công ty Chứng khoán VPS vẫn giữ ngôi vương về thị phần giá trị giao dịch môi giới ở sàn HoSE với 18,26%. Công ty Chứng khoán SSI xếp vị trí thứ 2 với thị phần chiếm 9,18%. Công ty Chứng khoán Kỹ thương xếp thứ 3 với 7,18%. Chứng khoán HSC và VIETCAP đứng ở vị trí thứ 4 và thứ 5.
Theo HoSE, 5 vị trí dẫn đầu không có nhiều xáo trộn nhưng sự xáo trộn diễn ra ở 5 vị trí Top dưới khi thị phần của VNDirect tiếp tục bị thu hẹp. Cụ thể, thị phần VNDirect chỉ còn 5,08%, tụt xuống vị trí thứ 7, trong khi MBS lại tăng tốc vượt qua VNDirect để chiếm giữ vị trí thứ 6. Chứng khoán VCBS cũng góp mặt vào Top 10 “ông lớn” của thị trường, trong khi chứng khoán FPTS bị đánh bật khỏi danh sách này.
Tác giả: Đại Việt
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy