Trường chuẩn vẫn "trắng" giáo viên ngoại ngữ
Theo phản ánh của phụ huynh, trong những năm gần đây, để được công nhận đạt chuẩn Quốc gia, lãnh đạo phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa đã sử dụng thủ thuật là điều chuyển tạm thời giáo viên bộ môn tiếng Anh từ trường này qua trường khác dạy để hợp thức hóa, nhằm che mắt đoàn kiểm tra thẩm định của tỉnh.
Khi được cấp bằng chứng nhận trường đạt chuẩn thì các giáo viên này lại được điều đi trường khác dạy để tiếp tục vòng quay... đạt chuẩn. Với thủ thuật này, đến thời điểm hiện tại, 10 trường tiểu học trên địa bàn huyện Nông Cống (Công Bình, Công Chính, Công Liêm, Yên Mỹ…) đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia, nhưng học sinh không được học môn ngoại ngữ (tiếng Anh).
Thực trạng này khiến rất nhiều phụ huynh bất bình, lo lắng khi con em họ phải chịu nhiều thiệt thòi: Mang danh được học tại trường chuẩn Quốc gia, nhưng “mù” ngoại ngữ.
Trường tiểu học Công Bình dù đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia, nhưng không có giáo viên ngoại ngữ.
Một phụ huynh có con theo học tại trường tiểu học Công Bình lo lắng: “Con lớn của tôi trước đây khi học ở cấp tiểu học đã không được tiếp cận tiếng với môn tiếng Anh. Lên trung học cơ sở, cháu mới bắt đầu được học nên không thể theo được các bạn khác. Đúng ra, tiếng Anh phải được học từ nhỏ, các cháu sẽ dễ tiếp thu hơn, đằng này mang tiếng trường chuẩn Quốc gia mà học sinh lại không được học tiếng Anh. Hiện tại, đứa thứ hai con tôi đang học ở đây mà vẫn không có giáo viên tiếng Anh, như thế rất vô lý”.
Không chỉ ở trường tiểu học Công Bình, nhiều phụ huynh tại trường tiểu học Công Chính cũng đang khó hiểu và bất bình khi con em mình không được học môn tiếng Anh. Nguyên nhân được lãnh đạo trường này giải thích là do thiếu giáo viên bộ môn này. Nhà trường không thể thu tiền của phụ huynh để thuê giáo viên về dạy vì như vậy là trái quy định.
“Con không được học tiếng Anh, chúng tôi nhiều lần đề nghị nhà trường đề xuất với huyện xin giáo viên về dạy học, nhưng không được. Chúng tôi đề xuất với nhà trường là hợp đồng thuê giáo viên ngoài về dạy, kinh phí do phụ huynh lo nhưng họ nói như vậy cũng không được. Nhà trường chỉ chạy đua thành tích trường chuẩn Quốc gia trong khi học sinh thời đại này mà không được học tiếng Anh từ nhỏ, sau này rất khó để theo kịp xã hội”, bà H. – một phụ huynh có con đang theo học tại trường tiểu học Công Chính nói.
Ông Trần Thế Định, Hiệu trưởng trường tiểu học Công Bình xác nhận, từ lâu nay nhà trường không có giáo viên tiếng Anh. Đầu năm học 2017 - 2018, để được công nhận trường chuẩn giai đoạn 1, phòng GD&ĐT huyện đã điều động một giáo viên ở trường khác về dạy liên trường một thời gian ngắn. Sau đó, trường được công nhận chuẩn xong thì cô giáo này lại phải đi tăng cường nơi khác.
Ông Vũ Xuân Tin, Hiệu trưởng trường tiểu học Yên Mỹ cho hay: “Nhu cầu học sinh mong muốn được học tiếng Anh ở đây là rất lớn. Nhiều lần, phụ huynh đến đề nghị nhà trường hợp đồng giáo viên về dạy rồi họ đóng tiền nhưng do quy định không được nên chúng tôi không làm”.
Đạt chuẩn Quốc gia, nhưng trường tiểu học Yên Mỹ vẫn "trắng" giáo viên ngoại ngữ.
Biết không đúng nhưng... không còn cách khác
Theo tìm hiểu của PV, đến thời điểm hiện tại, toàn huyện Nông Cống có 35 trường tiểu học, nhưng chỉ có 24 trường học sinh được học tiếng Anh, 11 trường còn lại vẫn chưa có giáo viên tiếng Anh (trong đó 10 trường đã đạt chuẩn Quốc gia).
Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nông Cống cho biết: “Do tinh giản biên chế, Nhà nước không cho tuyển dụng mới nên xảy ra tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh. Trước đó, để các trường chưa có giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn thì chúng tôi phải làm phương án đưa giáo viên tiếng Anh từ trường khác về tăng cường để cho trường đạt chuẩn, rồi lại phải đi tăng cường ở trường khác. Biết làm như thế là không đúng nhưng chúng tôi cũng không còn cách nào khác”.
Liên quan đến vấn đề này, PV đã đặt lịch, gửi câu hỏi, đề nghị làm việc với Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa. Được sự ủy quyền của Giám đốc, ông Trịnh Văn Long, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin, Sở đã điện thoại trao đổi với phòng GD&ĐT huyện Nông Cống. Kết quả bước đầu xác định, 10 trường tiểu học đã đạt chuẩn quốc gia (3 trường đạt chuẩn giai đoạn 2, 7 trường đạt chuẩn giai đoạn 1) không có giáo viên tiếng Anh. Thực tế, không riêng Nông Cống mà cấp tiểu học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang xảy ra tình trạng thiếu giáo viên ngoại ngữ trong đó chủ yếu là tiếng Anh. Việc điều chuyển giáo viên giữa các trường trên địa bàn huyện là thuộc thẩm quyền của địa phương. Nếu việc điều chuyển bình thường theo quy định thì không có gì phải bàn, còn nếu có động cơ, mục đích nhằm đối phó với đoàn thẩm định đạt trường chuẩn thì sai quy định.
Cũng theo ông Long, trong vòng 5 năm kể từ khi được công nhận đạt chuẩn Quốc gia, nếu trường nào không còn đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của ngành thì sẽ bị thu hồi bằng công nhận. Sắp tới, Sở sẽ tiến hành làm việc, kiểm tra thực tế tại huyện Nông Cống để xác minh thông tin PV cung cấp và có biện pháp chấn chỉnh, xử lý.
NĐT
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy