Thu trăm tỷ một tháng từ thủ đoạn kinh doanh xăng dầu lậu
28/08/2014 09:53:46
"Một tàu chở dầu 15.000 tấn được bán thành công 2 chuyến/tháng, trừ chi phí, những kẻ buôn lậu thu khoản lợi nhuận vài trăm tỷ đồng là bình thường.", một chuyên gia về xăng dầu chia sẻrn


Buôn lậu xăng dầu ngày càng tinh vi

Trên vùng biển phía bắc đảo Phú Quốc (Kiên Giang) giáp ranh giữa Việt Nam - Campuchia, những chiếc xuồng cà lơ (loại xuồng hẹp, dài của Campuchia) cứ vật vờ len giữa những chiếc tàu của ngư dân để chạy về hướng đảo Hòn Nừng, Tám Ngàn (Campuchia). Hơn 1 giờ sau, những chiếc xuồng cà lơ quay trở lại khi đã chất đầy các can dầu (loại 30 lít) từ mũi tới lái. Nơi đến của những chiếc xuồng này là điểm tập kết dầu lậu ở Rạch Hàm (xã Bãi Thơm, Phú Quốc). Trong khi đó, tại khu vực Tám Ngàn hình thành một điểm tập kết dầu từ một nước thứ 3 để tuồn vào Việt Nam.

“Mỗi chiếc xuồng cà lơ có thể chở 120 - 150 can loại 30 lít. Thời gian vận chuyển từ Campuchia đến điểm tập kết ở VN trung bình 3 giờ/chuyến. Những lúc biển êm, một chiếc xuồng cà lơ có thể đi hai, ba chuyến trong đêm”, nguồn tin này cho hay.

Không chỉ có vùng biển giáp ranh giữa VN - Campuchia mới xảy ra tình trạng buôn lậu dầu, mà vùng biển giáp ranh với Thái Lan, Malaysia... cũng trở thành những điểm nóng. Theo các cơ quan chức năng, cánh buôn lậu trên biển gần đây có nhiều cách cải trang để qua mặt cơ quan chức năng. Từ “hóa thân” thành tàu cá của ngư dân cho đến hoạt động buôn lậu trong vỏ bọc của doanh nghiệp; cài cắm mạng lưới cảnh giới trên biển với lớp vỏ ngư dân đánh bắt…

Cảnh sát biển kiểm tra, niêm phong dầu buôn lậu trên biển Tây Nam - Ảnh: Cảnh sát biển Vùng 4 cung cấp

“Để đối phó với thủ đoạn ngày càng tinh vi của bọn buôn lậu, lực lượng Cảnh sát biển phải sử dụng nhiều cách khác nhau, như xây dựng mạng lưới thông tin từ những ngư dân, cảnh sát cải trang làm ngư dân đánh bắt dài ngày trên biển để nắm bắt hành tung của bọn buôn lậu…”, thiếu tá Nguyễn Văn Đông, Trưởng phòng Pháp luật Vùng Cảnh sát biển 4, cho biết.

Trong 6 tháng đầu năm, Vùng Cảnh sát biển 4 đã phá hàng loạt vụ buôn lậu, gian lận thương mại với giá trị lớn, mà nổi cộm nhất là mặt hàng dầu DO. Trong đó có một số vụ điển hình như bắt tàu HADUCO 01 vận chuyển trên 2,1 triệu lít dầu; tàu Nang Nual 27 và tàu NT 90139 - TS với trên 200.000 lít dầu; tàu Thiện Hòa 03 - BV 0585 với trên 470.000 lít dầu...

Hàng loạt vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép xăng dầu trên vùng biển Tây Nam bị lực lượng chức năng triệt phá gần đây thể hiện sự kiên quyết của cơ quan chống buôn lậu VN. Nhưng qua đó cũng thấy được quy mô, hành vi của các đường dây buôn lậu trên vùng biển Tây Nam ngày càng lớn. Lợi dụng vùng biển rộng, địa hình hiểm trở, tập trung đông tàu bè, lại giáp ranh với nhiều nước, vùng biển Tây Nam được cánh buôn lậu xem là địa bàn “lý tưởng” để hoạt động. Vì vậy, công tác chống buôn lậu xăng, dầu tại đây cũng đang nóng lên từng ngày.

Lợi nhuận như buôn ma túy

Theo tin tức trên báo chí, thông tin từ Cảnh sát biển Vùng 4, trong 6 tháng đầu năm đã phá hàng loạt vụ buôn lậu, gian lận thương mại với giá trị lớn, mà nổi cộm nhất là mặt hàng dầu DO. Trong đó có một số vụ điển hình như bắt tàu HADUCO 01 vận chuyển trên 2,1 triệu lít dầu; tàu Nang Nual 27 và tàu NT 90139 - TS với trên 200.000 lít dầu; tàu Thiện Hòa 03 - BV 0585 với trên 470.000 lít dầu...

Ông Đặng Vinh Sang, Tổng giám đốc Saigon Petro cho biết, xăng dầu lậu khiến các DN kinh doanh xăng dầu không thể cạnh tranh nổi. “Các DN xăng dầu đã nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát xăng dầu lậu. Kiến nghị nhiều, bắt xăng dầu lậu cũng nhiều nhưng đưa ra tòa có mấy đâu. Một thời gian lại chìm xuồng hết”, ông Sang nói.

Lãnh đạo một DN xăng dầu đầu mối lớn khẳng định, các DN trong ngành hết sức bất bình về tình trạng xăng dầu buôn lậu gia tăng.

Theo vị này, xăng dầu lậu tung hoành một phần do quản lý thị trường buông lỏng. Nếu làm chặt, kiểm tra thường xuyên tại các kho bãi, bến tàu thì làm sao vào được đất liền. “Xăng dầu lậu vào được đất liền lãi tới 3.000 đồng/lít. Với tiền chênh này, họ cạnh tranh thoải mái luôn. Các tổng đại lý, đại lý, khi có nguồn hàng giá rẻ như vậy, kể cả biết chất lượng thấp, họ vẫn sẵn sàng nhập về để bán cho người tiêu dùng kiếm lợi. Các DN muốn bán hàng lại phải tăng thù lao, hoa hồng. Cạnh tranh gay gắt rất mệt mỏi nhưng hàng vẫn không bán được”, ông phân tích.

Một chuyên gia về xăng dầu khẳng định, với khoản thuế, phí đang chiếm khoảng 43% giá xăng dầu, kinh doanh xăng dầu lậu có lợi nhuận không khác gì… buôn ma túy. Chỉ cần vận chuyển trót lọt một tàu dầu trị giá 100 tỷ đồng, những kẻ buôn lậu ung dung đút túi 43 tỷ đồng.

“Một tàu chở dầu 15.000 tấn được bán thành công 2 chuyến/tháng, trừ chi phí, những kẻ buôn lậu thu khoản lợi nhuận vài trăm tỷ đồng là bình thường. Thực tế, nếu quản lý thị trường làm chặt, sẽ không thể có chuyện xăng dầu buôn lậu dễ dàng vào đất liền như vậy” - Một chuyên gia về xăng dầu chia sẻ.

Do lợi nhuận lớn nên thủ đoạn buôn lậu của các đối tượng rất tinh vi. Những kẻ buôn lậu thường mua xăng dầu ngoài biển, sau đó neo đậu ở ngoài phao số 0 rồi lợi dụng đêm tối, bán dầu cho các tàu cá, các tàu nhỏ hơn để vận chuyển vào bờ. Tàu vào đến cảng, xăng dầu lậu được hút vào các xe téc của các đại lý, tổng đại lý để chuyển đến các cây xăng bán lại thu lời. Từ đây, nguồn xăng dầu lậu lại được bán lại cho người tiêu dùng. Lợi nhuận tiếp tục được chia đều cho các mắt xích trong vòng quay buôn lậu.

Ngọc Anh (tổng hợp)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến