Nhân dịp kỷ niệm 89 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2014), Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) Trương Minh Tuấn đã dành cho phóng viên TBTCVN cuộc trò chuyện xoay quanh tình hình hoạt động của báo chí hiện nay.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn: Báo chí phục vụ nhân dân và vì nhân dân
Ảnh minh họa (nguồn: T.L)
* Với vai trò của người chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về báo chí, xin Thứ trưởng cho biết một vài đánh giá cơ bản về những đóng góp, cũng như những tồn tại của báo chí trong việc đồng hành cùng Chính phủ giải quyết những nhiệm vụ kinh tế - xã hội của đất nước?
- Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có những diễn biến phức tạp, nền kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, nhưng báo chí đã làm tốt vai trò, trách nhiệm là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và là diễn đàn của nhân dân, đồng hành cùng Chính phủ trong việc giải quyết những nhiệm vụ kinh tế - xã hội của đất nước.
Về ưu điểm, báo chí đã tích cực tuyên truyền các giải pháp điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ nhằm phát triển kinh tế, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội. Báo chí góp phần tích cực xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần, giáo dục truyền thống, lịch sử cho nhân dân.
Thời gian gần đây, khi Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, gây gia tăng căng thẳng tại biển Đông, thì báo chí của chúng ta đã bám sát tư tưởng chỉ đạo, quan điểm, giải pháp của Đảng, Nhà nước ta về những vấn đề đối nội, đối ngoại, nhất là kiên quyết khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền của nước ta trên biển Đông; tuyên truyền khẳng định quan điểm giải quyết mọi mâu thuẫn, bất đồng thông qua đàm phán, hòa bình, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Báo chí cũng đã chủ động, tích cực tuyên truyền làm rõ âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng các cuộc biểu tình ở trong nước để gây rối, phá hoại nền kinh tế đất nước. Báo chí đã truyền tải kịp thời ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các giải pháp của Chính phủ đảm bảo ổn định an ninh, trật tự, môi trường kinh doanh, giúp các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vững tâm tiếp tục sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, một số hạn chế của báo chí cần có sự chấn chỉnh, khắc phục kịp thời, đó là tình trạng một số báo thông tin thái quá về những mặt tiêu cực trong công tác điều hành của một số bộ, ngành, nhiều thông tin phiến diện, thổi phồng, hoặc không khách quan. Nếu như báo chí chỉ chú trọng thông tin về những tiêu cực, sai sót mà không có cái nhìn trong tổng thể những việc, những thành tích mà bộ, ngành đó làm được, thì đó là cách làm báo chưa khách quan.
* Phát huy vai trò, nhiệm vụ của mình, báo chí cũng luôn tích cực trong việc chống tiêu cực, tham nhũng trong xã hội. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về “mặt trận” này trên báo chí trong thời gian qua?
- Phòng chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ của toàn xã hội, trong đó, báo chí góp tiếng nói quan trọng. Các vụ án liên quan đến tham nhũng, tiêu cực luôn được báo chí bám sát đưa tin, cập nhật thông tin hàng ngày, thậm chí hàng giờ.
Qua việc phản ánh về các vụ án tham nhũng, báo chí nhấn mạnh đến tính phi đạo đức của tham nhũng, duy trì và kích hoạt những giá trị chống tham nhũng trong khi tường thuật về những vụ tham nhũng, đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân. Có thể kể đến rất nhiều vụ án được báo chí phản ánh thời gian qua như: Vụ án Dương Chí Dũng, vụ án “Bầu Kiên”, những sai phạm xảy ra trên diện rộng liên quan đến lĩnh vực xây dựng, quản lý đất đai...
Báo chí cũng đã cung cấp nhiều thông tin ban đầu quan trọng giúp các cơ quan chức năng phá án, ngăn chặn kịp thời các hành vi nguy hại cho nền kinh tế và xã hội. Bằng các bài viết phanh phui tham nhũng, tiêu cực, báo chí đã góp phần quan trọng trong việc làm tăng tính công khai, minh bạch của hệ thống cơ quan nhà nước, giám sát chặt chẽ hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và sự chỉ đạo, điều hành, thực thi công vụ của lãnh đạo các cơ quan đó.
* Cùng với những khó khăn của đất nước do kinh tế suy giảm, báo chí cũng đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức gay gắt, đặc biệt là về kinh tế báo chí. Bộ TT&TT cùng với Chính phủ có những giải pháp gì để giúp sức cho báo chí vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển, đáp ứng đòi hỏi với báo chí trong tình hình mới, thưa Thứ trưởng?
- Những khó khăn của nền kinh tế đất nước trong những năm qua đã có ảnh hưởng tới sự phát triển của báo chí. Số lượng phát hành của báo chí in sụt giảm, quảng cáo trên báo chí in cũng giảm nhiều so với các năm trước đây. Một số ấn phẩm đã xin ngừng hoạt động, nhiều ấn phẩm phải giảm kỳ xuất bản, giảm trang. Thậm chí có cơ quan báo chí lâm vào cảnh nợ nần, không có khả năng thanh toán. Không ít cơ quan báo chí đã phải cắt giảm nhân sự, giảm tiền lương. Cũng phải nói thêm rằng, trong sự khó khăn chung ấy, đã có nhiều cơ quan báo chí tìm tòi, nỗ lực đổi mới nội dung và hình thức, được bạn đọc đón nhận.
Khách quan mà nói, báo chí hoạt động trong cơ chế thị trường nên dễ bị những tác động của mặt trái cơ chế thị trường, đó là tình trạng báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích, thông tin giật gân, câu khách, chạy theo lợi nhuận, coi nhẹ tính định hướng, tính giáo dục, tính văn hóa của báo chí. Phần lớn cơ quan báo chí đang tự chủ tài chính, trong khi đó, đòi hỏi của nhiệm vụ chính trị ngày càng cao. Không để rơi vào tình trạng thương mại hóa là yêu cầu đối với mỗi cơ quan báo chí.
Để làm được điều này, trước hết, các cơ quan chủ quản và người đứng đầu cơ quan báo chí phải có nhận thức đúng trong việc xác định phương hướng hoạt động của cơ quan báo chí mình, có kế hoạch đổi mới nội dung, hình thức, tinh gọn nhân sự, xác định đối tượng cụ thể, nội dung mang tính chuyên biệt, giữ vững tôn chỉ, mục đích, tạo bản sắc riêng của báo, tăng cường các hoạt động sau mặt báo để một mặt nâng cao uy tín của báo, mặt khác tăng thêm nguồn thu để nâng cao chất lượng bài vở. Cơ quan chủ quản cần quan tâm, đầu tư hơn nữa cho cơ quan báo chí thuộc quyền, tạo điều kiện để cơ quan báo chí chủ động, linh hoạt trong cơ chế tài chính.Thực tế cho thấy, nội dung báo chí có chất lượng thì độc giả luôn luôn đón nhận và đó chính là điều mà mỗi cơ quan báo chí cần hướng tới, báo chí phục vụ nhân dân, vì nhân dân.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, Bộ TT&TT được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Quy hoạch Báo chí đến năm 2020. Từ thực tiễn khó khăn của báo chí, trong dự thảo Quy hoạch Báo chí, cùng với việc sắp xếp lại các cơ quan báo chí theo hướng chất lượng, hiệu quả; dự thảo cũng đề cập đến các quy định về cơ chế, chính sách như về vấn đề mô hình cơ quan báo chí, vấn đề tự chủ tài chính, xác định việc liên doanh, liên kết, quảng cáo, bản quyền...
Chính sách giảm thuế cho báo chí như vừa qua chúng ta đã làm là rất tạo điều kiện cho báo chí; hay chính sách hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao; chính sách đặt hàng báo chí; chính sách đưa thông tin về cơ sở. Tôi cho rằng bằng những tháo gỡ, hỗ trợ của Nhà nước cả về mặt cơ chế, chính sách và tài chính, thời gian tới, hy vọng báo chí sẽ ngày càng phát triển, đóng góp nhiều hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
* Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Diệu Thiện - thoibaotaichinhvietnam.vn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy