(Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN)
Ngày 25/11, tại hội thảo về “Một số kiến nghị và giải pháp tháo gỡ khó khăn để phục hồi thị trường bất động sản trong giai đoạn hiện nay” do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã “điểm danh” 9 tồn tại của thị trường bất động sản.
Năm 2021, sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường bất động sản cả nước, đặc biệt là tại Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh cùng các tỉnh phía Nam.
Thống kê toàn thị trường cho thấy nguồn cung sản phẩm bất động sản mới chỉ bằng khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2020. Số lượng dự án và căn hộ thương mại đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai chỉ tương đương năm trước với 254 dự án (khoảng 82.258 căn). Cùng đó, lượng giao dịch bất động sản cũng chỉ bằng khoảng 80%.
Từ thực tế của thị trường, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh chỉ rõ vẫn còn 9 vẫn đề tồn tại, khó khăn trong lĩnh vực này.
Tồn tại đầu tiên chính là một số chồng chéo, bất cập nhất định trong hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản như: Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản...
Tiếp đó, cơ cấu sản phẩm bất động sản chưa phù hợp, dư thừa bất động sản cao cấp, thiếu hụt lớn ở phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở dành cho công nhân, nhà ở giá hợp lý cho các đối tượng thu nhập thấp.
Nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cũng chưa đáp ứng được nhu cầu. Tính đến hết quý 3/2021, cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân quy mô xây dựng khoảng hơn 142.000 căn với tổng diện tích hơn 7.100.000m2, đạt khoảng 56,8 % so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 mặc dù đã gần hết năm 2021 - Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh dẫn chứng.
Bên cạnh đó, tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ tại các địa phương còn rất chậm.
Theo báo cáo của các địa phương, hiện nay tại các đô thị trên cả nước vẫn còn khoảng 2.500 khối nhà chung cư cũ được xây dựng từ trước năm 1994, tương đương hơn 3 triệu m2 sàn với hơn 100.000 hộ dân đang sinh sống, chủ yếu tập trung tại một số địa phương. Điển hình như: Hà Nội có 1.579 nhà chung cư, Thành phố Hồ Chí Minh 575 nhà chung cư, Hải Phòng 205 nhà chung cư, Quảng Ninh 60 nhà chung cư, Phú Thọ 23 nhà chung cư, Nghệ An 22 nhà chung cư...
Trong khi đó, giá bất động sản lại liên tục tăng. Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, giá nhà ở đặc biệt là tại khu vực đô thị quá cao so với mặt bằng thu nhập chung của người dân.
Giá bất động sản một số khu vực, một số phân khúc đặc biệt là đất nền tăng nhanh trong thời gian ngắn do xuất hiện các thông tin chưa rõ ràng về quy hoạch hành chính từ huyện, thị xã lên quận, thành phố; về chủ trương đầu tư xây dựng các khu đô thị, khu du lịch mới, đầu tư xây dựng sân bay, dẫn đến giới đầu cơ, môi giới lợi dụng để thổi giá thu lợi.
Đáng chú ý, các dự án bất động sản vẫn còn nhiều thiếu sót, chưa hoàn thiện về hồ sơ, trình tự thủ tục pháp lý. Điều này dẫn đến chưa đủ cơ sở pháp lý để các cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt theo thẩm quyền.
Ngoài ra, hoạt động về giao dịch bất động sản còn lộn xộn, chưa được kiểm soát tốt. Hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản còn tồn tại nhiều bất cập, khiến công tác quản lý nhà nước về giao dịch bất động sản gặp rất nhiều khó khăn.
Cụ thể như chưa hình thành được hệ thống giao dịch được kiểm soát, đảm bảo tính pháp lý trong giao dịch bất động sản, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Vẫn còn hiện tượng các sàn giao dịch bất động sản câu kết với nhau ôm hàng, làm giá, tạo sóng... gây “sốt ảo” để tạo chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường.
Trong khi đó, đội ngũ làm môi giới bất động sản còn yếu về chuyên môn, hiểu biết pháp luật hạn chế, chưa có tính chuyên nghiệp, yếu kém về đạo đức kinh doanh dẫn đến tình trạng làm ăn chụp giật; thiếu trách nhiệm, gây thiệt hại cho khách hàng; không ít những người hoạt động môi giới tự do, không có chứng chỉ hành nghề theo quy định.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)
Tồn tại nữa được Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh “điểm danh” chính là thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu tính minh bạch. Điều này dẫn đến tình trạng một bộ phận đã thông qua các dự án bất động sản, nhà ở chưa đủ cơ sở pháp lý, điều kiện huy động vốn hoặc dự án không có thật (dự án ma) để lừa đảo, chiếm dụng tiền huy động của người mua. Hay việc lợi dụng các thông tin về quy hoạch, về nâng cấp đô thị, cấp hành chính để thổi giá, gây sốt ảo bất động sản.
Thêm một khó khăn cố hữu đối với thị trường là nguồn lực tài chính cho đầu tư các dự án bất động sản chưa đa dạng và bền vững, chủ yếu vẫn phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và tiền ứng trước của khách hàng, gói hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Một số doanh nghiệp huy động trái phiếu với lãi suất cao, tiềm ẩn rủi ro trong thanh toán.
Để giải quyết các khó khăn của thị trường bất động sản, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho rằng trước mắt rất cần sự chung sức của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, hiệp hội trong việc phục hồi, sản xuất, kinh doanh.
Tác giả: Thu Hằng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy