Dòng sự kiện:
Thủ tướng: 560 nghìn tỷ đồng bảo đảm đủ cải cách tiền lương 3 năm
23/10/2023 13:03:44
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, năm 2023 đẩy tăng thu, tiết kiệm chi, trích lập quỹ tiền lương đến nay được khoảng 560 nghìn tỷ đồng, bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương trong 3 năm 2024 – 2026”.

Báo cáo Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, sáng nay 23/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, năm 2023 thu ngân sách nhà nước 9 tháng đạt 75,5% dự toán, ước cả năm đạt và phấn đấu vượt dự toán được giao trong khi miễn, giảm, gia hạn nhiều loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất khoảng 75 nghìn tỷ đồng.

Đáng lưu ý là bội chi ngân sách nhà nước và các chỉ tiêu về nợ công được kiểm soát thấp hơn giới hạn và ngưỡng cảnh báo theo Nghị quyết của Quốc hội.

“Đồng thời thúc đẩy tăng thu, tiết kiệm chi, trích lập quỹ tiền lương đến nay được khoảng 560 nghìn tỷ đồng bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương trong 3 năm 2024 – 2026” – Thủ tướng cho biết. Số tiền này sẽ dùng để tăng lương cho 3 năm 2024 - 2026 theo Nghị quyết số 27-NQ/TW từ ngày 01/7/2024.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày báo cáo về tình hình KT-XH tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với khu vực công theo Nghị quyết số 27 của Trung ương từ ngày 01/7/2024; đồng thời tiếp tục điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, chính sách tiền lương đối với khu vực doanh nghiệp theo quy định.

Từ năm 2025 trở đi, tiếp tục điều chỉnh tiền lương tăng bình quân 7%/năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang cho đến khi mức lương thấp nhất bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất vùng I của khu vực doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho biết, là kỳ họp giữa nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023; xem xét và quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024, trong đó có phương án cải cách tiền lương từ 01/7/2024.

Liên quan vấn đề này, thông tin tới báo chí trước đó, ông Đinh Ngọc Quý, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết Hội nghị lần 8 của Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết và Quốc hội xem xét tiến độ cải cách tiền lương với

Theo kết luận Hội nghị Trung ương lần 8 (khóa XIII), lộ trình thực hiện từ 1/7/2024 với tinh thần, quan điểm thực hiện 6 nội dung Nghị quyết 27 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về cải cách tiền lương.

Trong đó, xây dựng bảng lương mới thay cho bảng lương hiện nay, gồm bảng lương về chức danh lãnh đạo từ Trung ương cho đến cơ sở, bảng lương chuyên môn nghiệp vụ và 3 bảng lương cho lực lượng vũ trang. Thứ hai là sắp xếp, thu gọn chế độ phụ cấp so với hiện nay.

Thứ ba là chế độ tiền thưởng bằng 10% quỹ tiền lương cơ bản không bao gồm phụ cấp. Thứ 4 là chế độ nâng bậc lương. Thứ năm là nguồn kinh phí để thực hiện chế độ cải cách tiền lương. Thứ 6 là quản lý tiền lương và thu nhập.

“Vấn đề quan trọng nhất trong 6 nội dung này là nguồn kinh phí để cải cách tiền lương. Chính phủ báo cáo hội nghị Trung ương, nguồn cải cách tiền lương đã được chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn 2024 – 2026” – ông Đinh Ngọc Quý nhấn mạnh.

Thảo luận tại phiên họp 26 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 16/10, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý, lần điều chỉnh tiền lương lần này mang tính chất cải cách, không chỉ là điều chỉnh lương, không chỉ là tăng lương, tăng thu nhập mà theo Nghị quyết 27 cải cách tiền lương gắn với nâng cao chất lượng và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức.

“Hai việc này đi liền với nhau chứ không phải do điều kiện khó, đời sống khó ta không có tiền để làm, mà cái này là điều chỉnh tiền lương gắn với vị trí việc làm và gắn với tăng cường trách nhiệm, kỷ luật kỷ cương của cán bộ, công chức nên cũng phải tiến hành rà soát, sắp sếp lại đội ngũ cán bộ công chức. Những người thiếu tinh thần trách nhiệm, làm việc cầm chừng, đùn đẩy, né tránh… là phải có biện pháp xử lý. Thậm chí với người vi phạm, yếu năng lực phải đưa ra khỏi bộ máy. Cái này cũng phải làm cả hai mặt chứ không chỉ cải cách tiền lương” – ông Nguyễn Khắc Định nói.

Tác giả: Ngọc Thành

Theo: VOV.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến