Cùng dự có các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các cơ quan Trung ương và các địa phương.
Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta đã đi qua 3/4 chặng đường của năm 2023 trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp; khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi.
Quang cảnh phiên họp.
Nổi bật là hậu quả dịch COVID-19 kéo dài; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột tại Ukraine còn phức tạp; Lạm phát tuy đã hạ nhiệt những vẫn neo ở mức cao; tăng trưởng thấp, không đồng đều và còn bấp bênh; Thương mại, đầu tư quốc tế và nhu cầu ở các thị trường lớn suy yếu; chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy cục bộ; hàng rào bảo hộ gia tang; Rủi ro về tài chính, tiền tệ, bất động sản, nợ công gia tăng; niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng giảm sút.
Nguy cơ mất an ninh năng lượng, an ninh lương thực hiện hữu; trong đó giá dầu thô tăng mạnh; Các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống như già hoá dân số, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm mạng… ngày càng gay gắt, hậu quả nặng nề.
Trong nước chịu "tác động kép" từ các yếu tố bất lợi bên ngoài và những vấn đề tồn tại kéo dài nhiều năm bộc lộ rõ hơn trong khó khăn; trong khi nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, độ mở cao, khả năng thích ứng, sức chống chịu còn hạn chế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 với 63 địa phương.
Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước, kết quả nhìn chung tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước; đạt được mục tiêu tổng quát đề ra: Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm; nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, bội chi NSNN được kiểm soát tốt. An sinh xã hội, đời sống người dân được bảo đảm. Phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; uy tín và vị thế quốc tế của nước ta tiếp tục được củng cố, nâng lên.
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến điểm cầu 63 địa phương.
Cùng với đó, Thủ tướng đã chỉ rõ nhưng tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức. Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về tình hình KTXH tháng 9, quý III, 9 tháng và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian còn lại của năm 2023 cùng các nội dung quan trọng về giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 03 CTMTQG và Báo cáo giữa nhiệm kỳ theo Nghị quyết của QH về kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025.
Thảo luận, phân tích, đánh giá kỹ, khách quan trong đó tập trung vào: Bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước; Kết quả đạt được; hạn chế, bất cập; nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 10, quý IV năm 2023 và đầu năm 2024. Đồng thời, báo cáo tình hình chuẩn bị và đề xuất về việc phục vụ Hội nghị Trung ương 8 và Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.
Thủ tướng nhấn mạnh: "Chúng ta chỉ còn 3 tháng của năm 2023; nhiệm vụ còn lại rất nặng nề. Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta có những dấu hiệu khởi sắc, phục hồi tích cực. Đề nghị các địa phương, bộ ngành tiếp tục hiến kế cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là những mô hình tốt, cách làm hay, giải pháp hiệu quả trên các lĩnh vực…".
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến điểm cầu 63 địa phương.
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình KTXH tháng 9, quý III và 9 tháng năm 2023 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước và đạt kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực; trong đó 10 điểm nổi bật là:
Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, bội chi NSNN được kiểm soát tốt.
Lạm phát nhìn chung có xu hướng giảm dần trong bối cảnh lạm phát thế giới neo ở mức cao: CPI giảm dần trong 8 tháng đầu năm; bình quân 8 tháng tăng 3,1%; trong tháng 9 tăng 1,08% so với tháng trước (chủ yếu là do giá xăng dầu, lương thực tăng theo giá thế giới); bình quân 9 tháng tăng 3,16%, thấp hơn nhiều mục tiêu đề ra (khoảng 4,5%); qua đó tạo dư địa cho các chính sách tiền tệ, tài khoá thúc đẩy tổng cầu và tăng trưởng, tận dụng tối đa cơ hội phát triển SXKD, XK và tiêu dùng trong nước vào dịp cuối năm.
Tăng trưởng phục hồi tích cực, quý sau cao hơn quý trước: GDP quý I tăng 3,32%, quý II tăng 4,14%, quý III tăng 5,33%; tính chung 9 tháng tăng 4,24%, thuộc nhóm nước tăng trưởng cao hàng đầu thế giới. Trong đó, khu vực nông nghiệp tăng 3,43%; khu vực dịch vụ tăng 6,32; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,41%. Đặc biệt, nhiều địa phương phục hồi, tăng trưởng khá cao. Thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định. Các ngành, lĩnh vực chủ yếu phục hồi, phát triển ổn định, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp tiếp tục tăng trở lại.
Đặc biệt, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế; lúa gạo được mùa được giá, tăng cả sản lượng, năng suất và giá bán (năng suất lúa đông xuân tăng 2,4 tạ/ha, lúa hè thu tăng 0,1 tạ/ha; sản lượng đạt 31,2 triệu tấn, tăng gần 400 nghìn tấn; giá lúa tăng cao so với cùng kỳ); đàn lợn tăng 4,2%; sản lượng gỗ tăng 3,3%; sản lượng thủy sản tăng 2,1% so với cùng kỳ.
Khu vực dịch vụ duy trì mức tăng khá cao: tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tính chung 9 tháng tăng 9,7% so với cùng kỳ. Khách quốc tế đến Việt Nam 9 tháng đạt 8,9 triệu người, gấp 4,6 lần cùng kỳ và vượt kế hoạch năm 2023.
Đầu tư được thúc đẩy mạnh mẽ, trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tổng vốn FDI đăng ký 9 tháng đạt 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ; Đã đưa vào sử dụng 8/11 đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1; khởi công 12 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, 03 cao tốc trục Đông - Tây, các tuyến đường Vành đai 3 Tp. HCM, Vành đai 4 HN, nhà ga Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất… Dự kiến đến cuối năm đưa vào khai thác 1.832 km đường cao tốc (so với 1.000 km vào đầu nhiệm kỳ).
Công tác quy hoạch được đẩy mạnh; thành lập, kiện toàn, tổ chức hoạt động 06 Hội đồng điều phối vùng, thúc đẩy liên kết vùng gắn với đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận, phân tích, đánh giá kỹ, khách quan về bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước.
Phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực; Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, giáo dục, y tế được chú trọng; đời sống người dân tiếp tục được cải thiện; Công tác cải cách thủ tục hành chính; rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế được đẩy mạnh; tích cực triển khai Đề án 06. Đã cắt giảm, đơn giản hoá 2.189 quy định kinh doanh; 68,8% thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến.
Tình hình chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm; Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được tăng cường, góp phần củng cố niềm tin trong Nhân dân; Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, nhất là đối ngoại cấp cao, ngoại giao kinh tế; uy tín và vị thế quốc tế của ta tiếp tục được củng cố, nâng lên; Thông tin truyền thông được chú trọng, nhất là truyền thông chính sách
Các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực về Việt Nam. HSBC đánh giá Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với DN nước ngoài; ADB dự báo Việt Nam sẽ hồi phục trong thời gian ngắn. Đặc biệt, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2023, Việt Nam xếp hạng 46/132 quốc gia/nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022.