Dòng sự kiện:
Thủ tướng dự Hội nghị Cấp cao Mekong-Hàn Quốc lần thứ nhất
27/11/2019 14:24:24
Lãnh đạo 6 nước đã nhất trí thiết lập Quan hệ đối tác vì người dân, thịnh vượng và hòa bình giữa các nước Mekong và Hàn Quốc, đồng thời nâng cấp hợp tác lên cấp thượng đỉnh.

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Ngày 27/11 tại Busan, Hàn Quốc, đã diễn ra Hội nghị Cấp cao Mekong-Hàn Quốc lần thứ nhất, với sự tham dự của Lãnh đạo các nước Campuchia, Hàn Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.

Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu.

Tham gia đoàn có lãnh đạo các Bộ Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, và Văn phòng Chính phủ.

Đây là lần đầu tiên sau 8 năm thiết lập quan hệ đối tác Mekong-Hàn Quốc, lãnh đạo cấp cao 6 nước ngồi lại để cùng thảo luận về tương lai hợp tác.

Với chủ đề “Hợp tác tương lai Mekong-Hàn Quốc vì thịnh vượng chung,” hội nghị đã điểm lại tình hình hợp tác giữa các nước Mekong và Hàn Quốc qua gần một thập kỷ và thảo luận các định hướng lớn cho hợp tác trong giai đoạn tới.

Hội nghị đánh giá hợp tác Mekong-Hàn Quốc đã đạt được những kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển, tăng cường kết nối khu vực và xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Các nhà Lãnh đạo cũng đánh giá cao hỗ trợ của Hàn Quốc đối với khu vực Mekong và hoan nghênh cam kết của Hàn Quốc tăng Viện trợ chính thức (ODA) cho ASEAN và nâng mức đóng góp thường niên cho Quỹ hợp tác Mekong-Hàn Quốc.

Về định hướng hợp tác tương lai, Lãnh đạo 6 nước đã nhất trí thiết lập Quan hệ đối tác vì người dân, thịnh vượng và hòa bình giữa các nước Mekong và Hàn Quốc, đồng thời nâng cấp hợp tác lên cấp thượng đỉnh.

Lãnh đạo các nước cũng nhất trí thúc đẩy hợp tác Mekong-Hàn Quốc trên 3 trụ cột là Người dân, Thịnh vượng, Hòa bình và 7 lĩnh vực ưu tiên là văn hóa và du lịch, phát triển nguồn nhân lực, nông nghiệp và phát triển nông thôn, cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin và truyền thông, môi trường, và các thách thức phi truyền thống.

Các nhà lãnh đạo quyết định thành lập Trung tâm đa dạng sinh học Mekong-Hàn Quốc, Trung tâm hợp tác nghiên cứu chung về nguồn nước Mekong-Hàn Quốc để thúc đẩy bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và phát triển bền vững ở lưu vực sông Mekong.

Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí lấy năm 2021 là năm giao lưu Mekong-Hàn Quốc để kỷ niệm 10 năm hợp tác.

Nhân dịp hội nghị, Hội đồng kinh doanh Mekong-Hàn Quốc đã được thành lập nhằm thúc đẩy kết nối giữa doanh nghiệp 6 nước và sự tham gia của khu vực doanh nghiệp vào hợp tác.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Cấp cao Mekong-Hàn Quốc lần thứ nhất. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Tập đoàn nguồn nước Hàn Quốc, Ủy hội sông Mekong và các cơ quan liên quan của các nước Mekong đã ký Bản ghi nhớ về thực hiện nghiên cứu chung trong lĩnh vực nguồn nước.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến 3 mục tiêu chính mà hợp tác Mekong-Hàn Quốc cần hướng đến là củng cố môi trường hòa bình khu vực; phát triển kinh tế lấy người dân làm trung tâm, đổi mới-sáng tạo làm động lực chính; và tăng trưởng kinh tế song hành với bảo vệ môi trường và gìn giữ tài nguyên thiên nhiên.

Để đạt được các mục tiêu này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng hợp tác Mekong-Hàn Quốc cần đặc biệt chú trọng:

(i) Phát triển hạ tầng giao thông và công nghệ thông tin: đề nghị Hàn Quốc tiếp tục mở rộng đầu tư tại khu vực Mekong, đặc biệt là về phát triển hạ tầng giao thông, năng lượng, đô thị; và chia sẻ các kinh nghiệm, chính sách về phát triển công nghệ thông tin, chính phủ điện tử, và triển khai mạng 5G;

(ii) Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua đẩy mạnh hợp tác nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo và tăng cường hợp tác khoa học-công nghệ; khuyến khích các chương trình học bổng, trao đổi chuyên gia; đề nghị doanh nghiệp Hàn Quốc, các tập đoàn lớn, đẩy mạnh hợp tác về nghiên cứu-phát triển và hỗ trợ mạnh mẽ các dự án khởi nghiệp;

(iii) Tăng trưởng xanh và quản lý nguồn nước: chia sẻ kinh nghiệm quản lý liên hồ chứa, hệ sinh thái, nguồn nước ngầm xuyên biên giới và công nghệ xử lý nước thải; đẩy mạnh hợp tác trong xây dựng và thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, thích ứng biến đổi khí hậu.

Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thông qua “Tuyên bố Mekong-sông Hàn thành lập quan hệ đối tác vì nhân dân, thịnh vượng và hòa bình” và nhất trí tổ chức Hội nghị Cấp cao Mekong-Hàn Quốc lần thứ hai tại Việt Nam trong năm 2020.

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến