Dòng sự kiện:
Thủ tướng dự lễ khánh thành và khởi động 2 dự án trọng điểm tại Hải Phòng
13/10/2020 19:15:25
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự lễ khánh thành và khởi động xây dựng 2 công trình, dự án trọng điểm tại TP Hải Phòng.

Chiều 13/10, TP Hải Phòng tổ chức Lễ khánh thành công trình Tuyến đường vào và Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ; và Lễ khởi động Dự án đầu tư xây dựng cầu Rào chào mừng Đại hội Đảng bộ TP Hải Phòng lần thứ XVI và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Tại Lễ khánh thành công trình Tuyến đường vào và Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và cắt băng khánh thành.

Ngay sau khi phát lộ bãi cọc Cao Quỳ tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên vào cuối năm 2019, TP Hải Phòng đã phê duyệt chủ trương đầu tư và bố trí kinh phí đầu tư xây dựng Dự án tuyến đường vào và Khu Bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ.

Dự án đầu tư xây dựng Tuyến đường vào và Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ do UBND huyện Thủy Nguyên làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 362 tỷ đồng từ ngân sách thành phố, được khởi công từ tháng 5/2020.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu cắt băng khánh thành Tuyến đường vào và Khu bảo tồn bãi cọc Cao Qùy

Sau hơn 5 tháng thi công khẩn trương, công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Trong đó, Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ có diện tích khoảng 3ha, bao gồm các hạng mục: cổng chính rộng 22m kết cấu bằng bốn trụ bê tông cốt thép tượng trưng cho cọc Bạch Đằng; hệ thống tường bao, khung thép, sơn màu xanh hài hòa với cảnh quan thiên nhiên; nhà đón tiếp, trưng bày và giới thiệu hiện vật có diện tích 360m², 1 tầng theo kiến trúc giả cổ; Nhà mái che khu bảo tồn tại chỗ rộng 2.040m2, kết cấu thép, khung giàn không gian, mái lợp bạt PVDF.

Tuyến đường vào khu bãi cọc Cao Quỳ có chiều dài 3,488km, nối Quốc lộ 10 với khu vực bãi cọc thuộc các xã: Lưu Kỳ, Liên Khê; chiều rộng nền đường từ 18-22m, trong đó mặt đường rộng 12m, vỉa hè đoạn rẽ vào bãi cọc rộng 5m lát đá, bãi đỗ xe rộng 1ha. Dọc tuyến đường bố trí hệ thống điện chiếu sáng, trồng cây xanh bóng mát như: xà cừ, đa, bồ đề.

Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hải Phòng Lê Văn Thành phát biểu tại lễ khánh thành

Phát biểu tại Lễ khánh thành, ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hải Phòng nhấn mạnh, Khu vực bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ, cùng với Khu di tích Bạch Đằng Giang mãi trở thành Khu di tích lịch sử văn hóa truyền thống trường tồn cùng dân tộc và trở thành một địa chỉ có giá trị quan trọng trong việc giáo dục truyền thống yêu nước chống ngoại xâm, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, hun đúc ý chí, niềm tự hào dân tộc và khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, thịnh vượng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Bí thư Thành ủy Hải Phòng yêu cầu, sau Lễ khánh thành, UBND TP Hải Phòng chỉ đạo Sở Văn hóa - Thể thao, UBND huyện Thủy Nguyên cùng Sở Du lịch và các cơ quan liên quan triển khai công tác thông tin truyền thông để quảng bá khu di tích một cách rộng rãi; đồng thời xây dựng các quy định về quản lý Khu di tích, bảo đảm thực hiện đúng theo các quy định cùa pháp luật. Đặc biệt là gìn giữ cảnh quan thiên nhiên, môi trường xanh, sạch, đẹp phục vụ việc nghiên cứu, học tập, thăm quan của du khách và các tầng lớp nhân dân.

 

Các đại biểu tham quan bãi cọc Cao Qùy

Công trình tuyến đường vào và Khu Bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ khánh thành và đưa vào sử dụng không chỉ bảo tồn, phát huy truyền thống của dân tộc trong hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước mà còn kết nối giao thông giữa các khu di tích lịch sử Bạch Đẳng trên địa bàn từ thị trấn Minh Đức đến xã Lại Xuân, huyện Thuỷ Nguyên. Đồng thời, góp phần từng bước thực hiện xây dựng và hoàn thiện đường vành đai phía Bắc huyện Thủy Nguyên phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện Thủy Nguyên và TP Hải Phòng.

Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng phát biểu tại lễ khởi động

Phát biểu tại Lễ khởi động Dự án đầu tư xây dựng cầu Rào, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, cầu Rào hiện nay có vai trò rất quan trọng, là cửa ngõ ra - vào TP Hải Phòng, được xây dựng từ năm 1980, trải qua hơn 40 năm, đến nay Cầu Rào không còn đáp ứng được nhu cầu về giao thông, thường xuyên bị ách tắc và không đảm bảo an toàn. Trước tình hình như vậy, thành phố đã quyết định ưu tiên dành nguồn vốn đầu tư công để xây dựng cầu mới thay thế cầu cũ đã xuống cấp, góp phần nâng cao lực lưu thông của một trong những cửa ô quan trọng của thành phố.

Chủ tịch UBND TP Hải Phòng khẳng định, sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác, Cầu Rào sẽ mang đến cho thành phố một cửa ngõ văn minh và hiện đại. Cùng với các công trình cầu khác của thành phố như: cầu Hoàng Văn Thụ, cầu Võ Nguyên Giáp, cầu Bính, cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện... Cầu Rào sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị thành phố theo hướng văn minh, hiện đại.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu nhấn nút khởi động dự án đầu tư xây dựng Cầu Rào

Dự án đầu tư xây dựng cầu Rào là công trình giao thông cấp đặc biệt do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng làm chủ đầu tư.

Dự án được xây dựng trên địa bàn các quận: Ngô Quyền, Hải An, Dương Kinh và Lê Chân.

Tổng mức đầu tư gần 2.300 tỷ đồng từ ngân sách TP Hải Phòng, thời gian thực hiện dự án: năm 2019-2022.

Dự án có quy mô xây dựng Cầu Rào mới vĩnh cửu bằng thép, bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực. Cầu chính dài khoảng 456,5m, rộng 30,5m, gồm 3 nhịp vòm với kiến trúc mỹ thuật hiện đại, là biểu tượng của cánh sóng, đang vươn xa về phía biển; phần cầu chính có chiều dài 456,5m, rộng 30,5m, với 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp, có dải phân cách, có dải an toàn và có vỉa hè hai bên cầu; hai đường nhánh lên xuống cầu phía đường Lạch Tray, kết nối với các tuyến đường hiện có, tạo thành một nút giao, có hình vòng xuyến hiện đại…

Ngoài ra, dự án còn chỉnh trang tuyến đường Lạch Tray từ Cầu Rào đến ngã tư Thành Đội, theo hướng mở rộng vỉa hè hai bên từ 4 đến 5m.

Vũ Đạt

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến