Thời gian là vàng
Chiều 2/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo, chủ trì phiên họp về định hướng, giải pháp thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo theo Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, khẳng định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, đổi mới giáo dục và đào tạo là nhiệm vụ trọng tâm.
Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo của nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực; cần tiếp tục thực hiện tốt chủ trương này, nhất là trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Nhật Bắc
Muốn vậy, Thủ tướng nhấn mạnh rằng, phải quán triệt, thấm nhuần các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo trong Nghị quyết 29 và Kết luận 91; phải lấy con người là trung tâm, chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng và an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.
Cho biết nội hàm đổi mới căn bản, giáo dục toàn diện giáo dục và đào tạo đã được các nghị quyết, kết luận xác định rõ, Thủ tướng nhấn mạnh 5 yếu tố mang tính phương châm về thời gian, trí tuệ, khát vọng, tự lực và hội nhập. |
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, thời gian là vàng, nếu chậm về thời gian là lạc hậu, bị bỏ lại phía sau, do đó các chính sách phải nhanh, khả thi, kịp thời, hiệu quả.
Về yếu tố trí tuệ, Thủ tướng chỉ rõ, phát triển phải dựa vào giáo dục - đào tạo và đổi mới sáng tạo.
Còn với khát vọng, phải có đột phá để đưa nền giáo dục và đào tạo nước ta theo kịp, ngang tầm các nước phát triển càng sớm càng tốt.
“Chúng ta đã xác định các mục tiêu phát triển tới năm 2030, 2045, nhưng giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu thì mục tiêu giáo dục và đào tạo phải đi sớm hơn”, Thủ tướng lưu ý.
Cùng với đó, cần phát huy tự lực, tự cường, tự tin, tự chủ, tự hào dân tộc, lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá.
Về hội nhập, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta phải đi đúng xu hướng thời đại, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại trong phát triển giáo dục và đào tạo.
Đối với dự thảo Chương trình hành động, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt lưu ý, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương, các cơ sở giáo dục – đào tạo để có không gian sáng tạo; nâng cao tính tự chủ của các địa phương với tinh thần địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.
Đồng thời, cần nâng cao chất lượng học và dạy, tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, việc dạy học phù hợp lứa tuổi học sinh, tạo động lực, truyền cảm hứng cho học sinh, lấy học sinh làm trung tâm, thầy cô giáo là động lực.
Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý, xây dựng cơ chế đẩy mạnh hình thành một xã hội học tập và học tập suốt đời.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tại phiên họp - Ảnh: Nhật Bắc
Bổ sung các quy định về quản lý biên chế
Để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự thảo Chương trình hành động, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng về bố cục, nội dung, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan chủ trì thực hiện các nhiệm vụ.
Thủ tướng yêu cầu chậm nhất trong trong quý I/2025, hoàn thành xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045.
Người đứng đầu Chính phủ cũng giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, đề xuất biên chế ngành giáo dục và nghiên cứu rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý biên chế, tiêu chuẩn viên chức.
Ngoài ra, cần chú ý bảo đảm đủ phòng học theo hướng tăng quy mô của các trường, xây dựng các trường theo mô hình liên cấp, giảm điểm trường, phù hợp thực tế, điều kiện hoàn cảnh đất nước và từng nơi.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính nghiên cứu, tổng kết các mô hình tốt, cách làm hay để xây dựng chính sách huy động nguồn lực. Trong đó, lấy nguồn lực Nhà nước là vốn mồi, phát huy vai trò dẫn dắt, kích hoạt các nguồn lực xã hội, với tinh thần "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân và doanh nghiệp".
Thủ tướng cũng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì nghiên cứu, xây dựng đề án xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để thu hút, sử dụng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu và làm việc ở các cơ sở giáo dục Việt Nam.
Tác giả: Luân Dũng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy