Dòng sự kiện:
Thủ tướng: Khẩn trương tìm phương án xử lý Dự án Gang thép Thái Nguyên
01/08/2022 07:33:02
Sáng 31/7, tại tỉnh Thái Nguyên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến khảo sát, làm việc và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên.

Đây là dự án tồn đọng, kéo dài 15 năm vẫn chưa hoàn thành, gây lãng phí nguồn lực rất lớn cho Nhà nước và doanh nghiệp, gây bức xúc cho cử tri và nhân dân.

Trước khi làm việc với các đơn vị, trực tiếp khảo sát hiện trường khu vực Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, Thủ tướng bày tỏ sự "xót ruột" và "sốt ruột" khi thấy nhiều hạng mục của dự án đang bỏ hoang, nhiều vật tư, thiết bị đã hư hỏng, gỉ sét để ngoài trời nhiều năm nay - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng đi với Thủ tướng có: Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải; Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc và lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương.

Thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt để xử lý các công việc tồn đọng, nhất là dự án thua lỗ, yếu kém, kéo dài.

Thủ tướng trực tiếp kiểm tra hiện trạng Nhà máy Cán thép Thái Trung của Tisco - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đến nay, đã xử lý được một số ngân hàng yếu kém và 5/12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương; trong số 7 dự án còn lại, 2 dự án đã có phương án xử lý, còn 5 dự án đang tiếp tục tìm phương án, trong đó Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên được đánh giá thuộc diện phức tạp, khó xử lý nhất.

Dự án nói trên khởi công từ năm 2007, có tổng mức đầu tư ban đầu 3.800 tỷ đồng, sau đó nâng mức đầu tư lên 8100 tỷ đồng vào năm 2013, nhưng kéo dài tới nay chưa hoàn thành. Dù Bộ Chính trị đã cho chủ trương và Chính phủ qua các thời kỳ đã tập trung xử lý nhưng đến nay vẫn còn nhiều vướng mắc chưa được giải quyết dứt điểm. Theo các báo cáo, vướng mắc chính của dự án liên quan tới tranh chấp giữa chủ đầu tư (Tisco) và nhà thầu về hợp đồng EPC (hợp đồng nhà thầu trọn gói).

Trực tiếp đến khảo sát hiện trường, Thủ tướng bày tỏ sự "xót ruột" và "sốt ruột" khi chứng kiến nhiều hạng mục của dự án đang bỏ hoang, nhiều vật tư, thiết bị đã hư hỏng, gỉ sét, nằm phủ bạt ngoài trời nhiều năm nay. Thủ tướng đã gặp và trao đổi với người được phía nhà thầu thuê bảo vệ kho vật tư này.

Trong buổi làm việc với doanh nghiệp và các cơ quan liên quan, Thủ tướng nêu rõ tinh thần giải quyết các vấn đề đặt ra trên cơ sở đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, bám sát các quy định của pháp luật, chỉ đạo của Bộ Chính trị, kết luận thanh tra, các công việc mà các cơ quan đã triển khai - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

"Người bảo vệ ở kho cũng bày tỏ "xót ruột" với thực trạng dự án, chỉ mong muốn giải quyết việc này cho sớm. Người dân còn như vậy, thì chúng ta ngồi đây phải thấy trách nhiệm của mình thế nào", Thủ tướng nói.

Chủ trì cuộc làm việc với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp để nghe báo cáo, ý kiến, đề xuất của các bên liên quan, Thủ tướng nêu rõ tinh thần tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề đặt ra của dự án trên cơ sở đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, bám sát các quy định của pháp luật, chỉ đạo của Bộ Chính trị, kết luận thanh tra.

Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ quan trọng nhất là khẩn trương tìm được phương án xử lý khả thi nhất cho dự án để báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ quan trọng nhất là khẩn trương tìm được phương án xử lý khả thi nhất cho dự án để báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, sau khi cân nhắc, thảo luận, phân tích kỹ lưỡng trên cơ sở thực tiễn, khoa học, pháp lý, đảm bảo tiết kiệm nhất, hiệu quả cao nhất cho Nhà nước và doanh nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, doanh nghiệp liên quan đánh giá sát tình hình, cập nhật số liệu chính xác, rút kinh nghiệm từ việc xử lý hiệu quả những chậm trễ, vướng mắc của dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 và một số dự án chậm tiến độ, tổ chức tín dụng yếu kém trong thời gian vừa qua. Nếu tiếp tục triển khai dự án thì phải làm rõ: Đơn vị nào thực hiện, công việc cụ thể là gì, bao giờ thì hoàn thành, nguồn lực như thế nào, bao nhiêu, cơ chế gì và thẩm quyền của ai quyết định? 

Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tiếp tục chỉ đạo việc này, giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chịu trách nhiệm chính, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, UBND tỉnh Thái Nguyên, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước SCIS, Tổng công ty Thép và Công ty Gang thép Thái nguyên tập trung xử lý dứt điểm việc này trong năm 2022, trước mắt phải xây dựng kế hoạch rất cụ thể, chi tiết báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ trước ngày 15/8 tới. Còn trong tuần tới, tiếp tục đàm phán với nhà thầu nước ngoài về hợp đồng EPC, trên tinh thần "hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro".

Thủ tướng nhấn mạnh, Gang thép Thái Nguyên có truyền thống lịch sử lâu đời, từng là biểu tượng của công nghiệp nặng và nhiều lần được đón Bác Hồ về thăm. Vì vậy, việc xử lý những vướng mắc của dự án không những có ý nghĩa về mặt kinh tế, về xử lý những bức xúc của nhân dân, mà còn góp phần phát triển ngành công nghiệp luyện kim, phục vụ chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và tiếp tục xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Tác giả: Hà Văn

Theo: Chính Phủ
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến