Dòng sự kiện:
Thủ tướng mong muốn thị trường chứng khoán gần với người dân hơn
12/02/2019 18:01:11
Thủ tướng mong muốn năm 2019, thị trường chứng khoán gần với người dân hơn, nhưng không phải bằng tư duy về một trò chơi như cách gọi 'chơi chứng khoán', mà là phương thức đầu tư an toàn, hiệu quả.

Sáng nay (12/2), tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, đánh cồng khai trương hoạt động giao dịch chứng khoán đầu Xuân của năm “bứt phá” 2019, Thủ tướng bày tỏ mong muốn thị trường chứng khoán gần với người dân hơn, nhưng không phải bằng tư duy về một trò chơi như cách gọi “chơi chứng khoán”, mà là phương thức đầu tư an toàn, hiệu quả.

Gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến cán bộ, viên chức, người lao động  ngành chứng khoán, các nhà đầu tư, thành viên thị trường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, niềm tin của nhân dân, niềm tin của thị trường, niềm tin xã hội và niềm tin của các nhà đầu tư đối với sự phát triển của đất nước, trong đó có sự phát triển vững chắc hơn của thị trường chứng khoán Việt Nam là nền tảng quý để nước ta tiếp tục bứt phá đi lên.

Thủ tướng đánh cồng khai trương hoạt động giao dịch chứng khoán đầu Xuân 2019. (Ảnh: Báo Chính Phủ)

Thủ tướng cho biết, tối qua, ông và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhận được bản tin mới nhất của chuyên gia các tổ chức trong nước và quốc tế về triển vọng, động lực phát triển Việt Nam trong năm 2019. Hầu hết các chuyên gia các tổ chức kinh tế quốc tế và trong nước đều đưa ra những dự báo tích cực đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Theo đó, WB dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ ở mức trên 6,6%. Ngân hàng Standard Chartered và ANZ, tổ chức tư vấn kinh tế New York nhận định kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh nhất trong ASEAN và là điểm sáng trên bức tranh kinh tế toàn cầu. Việt Nam có nhiều dư địa để thúc đẩy kinh tế 2019 đạt mức tăng trưởng 7%.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, có đạt được kết quả hay không là nhờ “chúng ta có tổ chức công việc tốt hay không”, trong đó có việc tổ chức tốt thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thủ tướng khẳng định, phát triển thị trường chứng khoán nhằm tạo ra kênh huy động vốn trung và dài hạn cho phát triển kinh tế là một chủ trương lớn và nhất quán của Đảng, Nhà nước trong thời kỳ đổi mới. Thị trường chứng khoán Việt Nam đang thực sự trở thành một kênh huy động vốn quan trọng trong và ngoài nước cho nền kinh tế. Vốn hóa của thị trường cổ phiếu đã tăng gần 17 lần trong vòng 12 năm qua, từ mức 22,7% GDP năm 2006 lên mức 72% trong năm 2018.

Huy động vốn của khối doanh nghiệp tư nhân thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp tăng 70% trong năm 2017 và trên 30% trong năm 2018, đạt 86.000 tỷ đồng và đưa Việt Nam trở thành quốc gia có mức huy động vốn qua kênh chứng khoán thành công nhất Đông Nam Á.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trở thành bệ phóng cho thành công của nhiều doanh nghiệp lớn, hỗ trợ tốt cho công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và quan trọng hơn là cùng với hệ thống tín dụng của ngân hàng tạo ra một cơ cấu thị trường vốn Việt Nam cân đối hơn, hiệu quả hơn, hỗ trợ cho sự phát triển của nền kinh tế nước nhà.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng đề cập đến một số hạn chế của thị trường chứng khoán Việt Nam để cùng tìm ra các giải pháp phát triển thị trường, như quy mô thị trường còn nhỏ, nhất là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tính minh bạch có nhiều cải thiện nhưng còn ở mức chưa cao, nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hóa, nhưng chậm niêm yết trên sàn chứng khoán…

Đề nghị nhìn thẳng vào các hạn chế yếu kém để thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm và phải làm tốt hơn để thị trường chứng khoán sôi động hơn, chất lượng hơn, bền vững hơn, Thủ tướng mong muốn ngành chứng khoán đi đầu trong thực hiện phương châm “12 chữ” của Chính phủ trong năm 2019 (Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả).

Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành, thành viên thị trường hoàn thiện khuôn khổ pháp lý chứng khoán và thị trường chứng khoán, trong đó trọng tâm là sửa đổi Luật Chứng khoán để trình Quốc hội thông qua trong năm 2019. Cần tăng cường thể chế bảo vệ nhà đầu tư thiểu số trong bối cảnh thứ hạng bảo vệ nhà đầu tư thiểu số của Việt Nam trên xếp hạng môi trường kinh doanh của WB chỉ đứng thứ 89/190 quốc gia và vùng lãnh thổ, chưa tương xứng với thứ hạng 49 về GDP của nền kinh tế và thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, đồng thời bảo đảm đúng cam kết hội nhập khi thực thi các hiệp định thương mại thế hệ mới.

Trên cơ sở Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 7/1/2019, Bộ Tài chính khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và thực hiện đúng lộ trình hình thành thị trường chứng khoán Việt Nam thống nhất, chuyên nghiệp.

Bộ Tài chính phối hợp với các ngành, cơ quan liên quan trình Chính phủ điều chỉnh các cơ chế, chính sách và giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước gắn với niêm yết giao dịch trên thị trường chứng khoán. Phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ hạng “thị trường cận biên” lên hạng “thị trường mới nổi” trên bảng xếp hạng của các tổ chức xếp hạng thị trường.

Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần ưu tiên khẩn trương xây dựng kế hoạch và giải pháp đẩy mạnh ứng dụng thành quả của cuộc cách mạng 4.0 trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán với các nền tảng công nghệ then chốt như chuỗi, khối dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… coi đây là giải pháp đột phá của ngành tài chính, chứng khoán cùng với việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của toàn ngành.

Thủ tướng đề nghị tăng cường công tác thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm bảo đảm kỷ cương, kỷ luật trên thị trường chứng khoán, tạo dựng lòng tin cho công chúng, nhà đầu tư, giúp thị trường phát triển một cách ổn định và bền vững. Tăng chế tài xử phạt nghiêm minh đối với các hành vi thao túng giá, giao dịch nội gián, không cung cấp hoặc cung cấp thông tin giao dịch không đúng, làm cho thị trường chứng khoán gần với người dân hơn nhưng không phải bằng tư duy về một trò chơi như cách gọi “chơi chứng khoán” mà là phương thức đầu tư an toàn, hiệu quả. Thủ tướng mong muốn các cá nhân, các tổ chức tham gia thị trường chứng khoán phải tuân thủ, chấp hành pháp luật trên thị trường chứng khoán.

Cùng ngày, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) cũng tổ chức lễ đánh cồng đầu xuân Kỷ Hợi 2019.

Tại buổi lễ, ông Lê Hải Trà, người giữ cương vị phụ trách điều hành HĐQT HoSE cho biết năm 2018, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trở thành tâm điểm thu hút đầu tư quốc tế khi nhà đầu tư nước ngoài mua ròng. FTSE đưa TTCK Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng thị trường mới nổi. Mặc dù 2019 được dự báo có nhiều thách thức nhưng có thể tin tưởng thị trường sẽ chính thức được nâng hạng ngay trong năm.

Theo ông Trà, nhìn lại 2018, những tháng đầu năm thị trường đầy hứng khởi với các doanh nghiệp tỷ đô lên sàn, đưa Việt Nam lần đầu tiên đứng đầu khu vực về huy động vốn lần đầu ra công chúng với 2,6 tỷ USD. VN Index lập đỉnh lịch sử 18 năm, đạt 1.204,33 điểm vào ngày 9/4.

Tuy nhiên, diễn biến bất ổn của kinh tế quốc tế đã tác động tiêu cực đến chứng khoán toàn cầu. Kinh tế Việt Nam dù tăng trưởng tốt nhưng cũng chịu tác động, TTCK Việt Nam đến cuối năm còn 892,54 điểm, giảm 9%, quy mô vốn hóa tăng khoảng 10%.

Năm 2019, đại diện HoSE cho biết Sở sẽ đẩy mạnh nghiên cứu các sản phẩm mới, công nghệ thông tin, tạo nền tảng cho thị trường phát triển.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM đánh cồng khai xuân cùng các lãnh đạo Bộ Tài chính, HoSE. (Ảnh: K.Chiêm)

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM kỳ vọng trong thời gian tới, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán, TP HCM, HoSE sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa về mặt quy mô, định hình theo chuẩn mực quốc tế, trở thành kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế.

Theo ông Phong, việc thành lập Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam theo mô hình công ty mẹ - con, thoái vốn DNNN.. là tâm điểm TTCK trong năm nay. Ngoài ra, năm 2019 dự kiến thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi là cơ sở cho phát triển thị trường bền vững.

Đại diện TP HCM khẳng định sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phát triển của HoSE, công tác cổ phần hóa, thoái vốn DNNN, đưa nhiều doanh nghiệp uy tín lên sàn, nâng cao tính công khai minh bạch, giám sát thị trường, bảo vệ lợi ích nhà đầu tư. Thành phố cũng sẽ tập trung phát triển để trở thành trung tâm đầu tư tài chính quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải nhận định TTCK Việt Nam đang có sự phát triển mạnh mẽ với hơn 700 doanh nghiệp niêm yết, đóng góp hơn 71% GDP cho năm 2018. Thị trường UPCoM, thị trường chứng khoán phái sinh đều phát triển với nhiều sự mới mẻ, đạt trên 19 triệu hợp đồng trong năm qua.

Sang năm 2019, ông Hải cho biết Bộ Tài chính sẽ thông qua Luật chứng khoán sửa đổi, tiếp tục tái cấu trúc thị trường, triển khai gói thầu công nghệ thông tin làm nền tảng thành lập Sở GDCK Việt Nam theo đề án mới được phê duyệt. Ngoài ra, Bộ sẽ triển khai chứng quyền, chứng khoán phái sinh, hợp đồng tương lai, thúc đẩy các giải pháp nâng hạng thị trường.

Khánh Linh (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến