Dòng sự kiện:
Thủ tướng nêu nhiều câu hỏi lớn để thúc đẩy xuất khẩu
24/04/2018 17:54:57
Sáng ngày 23/4, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu năm 2018.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, một nước không cân bằng xuất nhập khẩu hoặc nhập siêu cao cũng là cội nguồn của lạm phát cao, lạm phát cao làm cho đất nước bấp bênh, đời sống người dân rất khó khăn cho nên cân bằng thương mại là vấn đề quan trọng trong điều hành thì việc xuất khẩu rất quan trọng.

Chính vì vậy, Thủ tướng đề nghị các đại biểu phát biểu đúng vào những điều cốt lõi nhất của xuất khẩu, chỉ ra cụ thể những vướng mắc về thuế, hải quan, thị trường, chất lượng sản phẩm... đang kìm chế không xuất khẩu được đối với một số ngành hàng.

“Vì sao có ngành hàng xuất khẩu rất nhanh nhưng có ngành hàng xuất khẩu còn lúng túng, lúc trồi lúc sụt? Ngoài việc phụ thuộc vào thị trường thế giới thì việc tổ chức quản lý, cách tổ chức quản lý xuất nhập khẩu của chúng ta có vấn đề gì chưa hợp lý hay không?”, Thủ tướng gợi ý.

Từ ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ có nghị quyết, chỉ thị về tăng cường xuất khẩu và tháo gỡ khó khăn làm nền tảng cho các Bộ, ngành và địa phương tập trung chỉ đạo các công việc quan trọng nhằm tháo gỡ và giải quyết tình hình hiện nay.

Theo đánh giá của Thủ tướng, những năm gần đây xuất khẩu tăng trưởng cao, đặc biệt năm 2017 kim ngạch xuất khẩu đạt tới 214 tỷ USD; đây là lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu vượt ngưỡng 200 tỷ USD. Ngày càng nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn; đến nay có 29 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch trên 1 tỷ USD, 20 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD, trong đó ấn tượng nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo và nông nghiệp… Đây là một thành công rất lớn của ngành công thương và các địa phương. Bên cạnh đó, thủ tục xuất nhập khẩu đã được cải thiện hơn, từ hải quan đến cảng biến...

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra hàng loạt tồn tại, bất cập cần tháo gỡ, nếu không sẽ khó có thể hoàn thành nhiệm vụ, bởi vì độ mở của nền kinh tế Việt Nam hiện rất lớn với tổng kim  ngạch xuất nhập khẩu đạt tới 190% GDP nên động tĩnh về xuất nhập khẩu ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế.

Trong khi đó, khó khăn thương mại toàn cầu luôn hiện hữu do căng thẳng ở nhiều quốc gia và nhiều khu vực, trong đó có nguy cơ cuộc chiến thương mại có thể xảy ra; cùng với đó, xu hướng bảo hộ đang trỗi dậy; hay việc các nước nâng tiêu chuẩn với nông sản, thực phẩm kể cả quy định về truy xuất nguồn gốc, dư lượng kháng sinh... ngày càng khắt khe hơn.

Thủ tướng nêu rõ, nếu không quản lý tốt chất lượng đầu vào để có một nền nông nghiệp sạch thì khó bền vững xuất khẩu. Trong khi đó, một bộ phận người dân và một số doanh nghiệp sản xuất chưa gắn với thị trường, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, một số sản phẩm trước tốt sau xấu, thậm chí có một số sản phẩm ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam.

Về thủ tục liên quan đến xuất khẩu, Thủ tướng cho rằng, dù có tiến bộ nhưng toàn bộ hệ thống vẫn chưa phục vụ tốt cho xuất khẩu, vẫn còn nhiều thủ tục rườm rà, phức tạp, chưa cải cách hành chính, chưa được cải tiến mạnh mẽ cũng làm ảnh hưởng đến tiến bộ này.

Tại Hội nghị, Thủ tướng cũng nêu nhiều câu hỏi lớn với Bộ Công Thương, các Bộ, ngành và địa phương để thúc đẩy xuất khẩu một cách toàn diện. Đó là làm sao tăng được giá trị gia tăng hàng xuất khẩu của Việt Nam; làm sao để doanh nghiệp Việt Nam tham gia được mạnh mẽ vào chuỗi giá trị toàn cầu; các Bộ, ngành, địa phương có sáng kiến gì để chỉ ra và loại bỏ những nút thắt lớn cho xuất khẩu; làm sao để doanh nghiệp Việt Nam có thể nắm bắt được thông tin thị trường, quy định pháp luật ở nước ngoài, cơ hội và rủi ro; làm thế nào để tiếp tục phát triển thị trường tạo cầu cho hàng hóa?…

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hoạt động xuất khẩu hàng hóa năm 2017 đã đạt được những kết quả tích cực. Xuất khẩu tăng mạnh về quy mô, lần đầu tiên vượt mốc 200 tỷ USD. So với quy mô xuất khẩu năm 2011 (96,9 tỷ USD), thời điểm bắt đầu thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu gấp 2,21 lần. Tốc độ tăng xuất khẩu bình quân đạt 12%/năm. Tăng trưởng xuất khẩu năm 2017 đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP, cải thiện cán cân thanh toán, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy sản xuất, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hàng triệu lao động.

Theo Thời báo Ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến