Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc; các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo 13 ngân hàng thương mại cổ phần lớn trong cả nước.
Hội nghị nhằm tiếp tục đánh giá chính sách tiền tệ, nhất là trong ưu tiên cho tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô.
Toàn cảnh Hội nghị
Từ đầu năm 2024 đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tiếp cận vốn để đẩy mạnh tín dụng; tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chỉ phí thấp để góp phần hỗ trợ nên kinh tế; đẩy mạnh kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, chú trọng công tác truyền thông chính sách..
Các tổ chức tín dụng, trong đó có các ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần tư nhân đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm triển khai các giải pháp hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, đẩy mạnh tín dụng cho nền kinh tế, nhất là hỗ trợ khắc phục hậu quả siêu bão Yagi.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương NHNN và hệ thống các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại cổ phần, trong đó có các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, thời gian qua đã chủ động, tích cực triển khai các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, góp phần hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị
Thủ tướng nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu đề ra về phát triển KTXH năm 2024 đòi hỏi quyết tâm, nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị với phương châm "6 tăng" gồm: Tăng năng lực của tổ chức tín dụng ngân hàng, trong đó có các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân; Tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ tín dụng, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các động lực tăng trưởng truyền thống và các động lực tăng trưởng mới; Tăng cường tháo gỡ vướng mắc pháp lý và chất lượng tín dụng; Tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Nhà nước, ngân hàng, doanh nghiệp và năng lực quản trị điều hành của ngân hàng, của thị trường tài chính; Tăng công khai, minh bạch về lãi suất huy động, cho vay và chống tín dụng đen; Tăng cường giám sát, kiểm tra và phòng ngừa rủi ro, chống tham nhũng, tiêu cực.
"6 giảm" gồm: Giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý; Giảm chi phí giao dịch, hoạt động; Giảm thủ tục hành chính; Giảm phiền hà, sách nhiễu; "sân sau"; Giảm nợ xấu... ;Giảm tiêu cực, lợi ích nhóm.
"6 tăng tốc, bứt phá" gồm: Tăng tốc, bứt phá về số hóa; Tăng tốc, bứt phá chất lượng dịch vụ; Tăng tốc, bứt phá về chất lượng nguồn nhân lực; Tăng tốc, bứt phá về hạ tầng ngân hàng; Tăng tốc, bứt phá về phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, góp phần tăng trưởng kinh tế; Tăng tốc, bứt phá về vươn ra thị trường quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Thế Tùng phát biểu tại hội nghị
Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cụ tể các nhiệm vụ đối với ngành Ngân hàng và các Bộ, cơ quan trong đó nêu rõ, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, phát triển KTXH.
Tập trung thực hiện các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Đặc biệt đối với Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng yêu cầu, trước mắt, triển khai ngay các nhiệm vụ sau để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chịu thiệt hại do bão lũ; Tổ chức triển khai các nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao năm 2024 và các nhiệm vụ cho cả giai đoạn trong các Chiến lược, Đề án như Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025. Trong đó, lưu ý một số yêu cầu trọng tâm từ nay đến cuối năm 2024 như sau:
Tiếp tục theo dõi sát, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước và sử dụng hiệu quả các công cụ điều hành để điều tiết tỷ giá, lãi suất phù hợp với diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô và mục tiêu đề ra, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nợ xấu, triển khai hiệu quả các biện pháp xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng.
Ông Kim Byoungho - Chủ tịch Hội đồng quản trị HDBank
Đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả nhằm đạt mục tiêu định hướng 15% đã đề ra, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế.
Đôn đốc, yêu cầu các tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, quyết liệt các giải pháp nhằm giảm lãi suất cho vay; tiếp tục theo dõi việc thực hiện công bố lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân cũng như thông tin về lãi suất cho vay các gói, chương trình tín dụng của các TCTD.
Chỉ đạo quyết liệt việc triển khai thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng gồm các chương trình 140.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP; Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản (nghiên cứu tăng quy mô chương trình này từ 30.000 tỷ đồng lên 50.000 tỷ đồng); Các chương trình tín dụng chính sách khác.
Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Ngân hàng MB
Tăng cường kiểm tra, giám sát và chỉ đạo các TCTD triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, trong đó đặc biệt là việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định của Thông tư 02/2023/TT- NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 06/2024/TT- NHNN), đảm bảo thực hiện chặt chẽ, đúng quy định, phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng chính sách để trục lợi.
Tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025. Theo dõi, giám sát chặt chẽ, chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, quyết liệt phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong hoạt động ngân hàng và thanh toán không dùng tiền mặt; Chủ động rà soát các vướng mắc ở các Luật có ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động SXKD. Tăng cường thực hiện công tác truyền thông về điều hành chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng từ sớm, từ xa; Phối hợp Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán hiệu quả, an toàn, lành mạnh, bền vững; Phối hợp Bộ Xây dựng thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản theo đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tiễn để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần, Thủ tướng đề nghị, thực hiện tốt các nhiệm vụ cụ thể đối với NHTMCP tại Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Phấn đấu đến cuối năm 2025 có ít nhất từ 2 - 3 ngân hàng thương mại nằm trong nhóm 100 ngân hàng lớn mạnh nhất (theo tiêu chí sức mạnh) trong khu vực Châu Á.
Chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của cơn bão số 3 để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng; tích cực tham gia thực hiện công tác an sinh xã hội đối với các gia đình bị thiệt hại về người và tài sản, những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão.
Tiếp tục triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, thực chất, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng.
Tiếp tục rà soát, tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xem xét giảm thêm lãi suất cho vay, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng. Tiếp tục thực hiện công khai lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân cũng như thông tin về lãi suất cho vay các gói, chương trình tín dụng, sản phâm (nếu có) trên trang thông tin điện tử của TCTD.
Tích cực triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN, đảm bảo các chương trình này được triển khai thực chất trong toàn hệ thống các TCTD. Trong đó: (i) Đẩy mạnh triển khai Chương trình tín dụng 140.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ; (ii) Tiếp tục triển khai chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thuỷ sản.
Triển khai hiệu quả, thực chất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân trong đó đặc biệt là việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định của Thông tư 02/2023/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 06/2024/TT-NHNN ngày 18/6/2024).
Phối hợp với các đơn vị liên quan nắm bắt đầy đủ, chính xác thông tin cần thiết về khách hàng vay vốn để nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng, để phòng ngừa từ sớm, từ xa các tiêu cực, hệ lụy có thể xảy ra.
Tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình vay vốn, sử dụng vốn vay, trả nợ của khách hàng; nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động cấp tín dụng... Kiêm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tương tự như hoạt động cấp tín dụng.
Triển khai quyết liệt, hiệu quả phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025. Trong đó: Các NHTMCP có quy mô vốn điều lệ hoặc tỷ lệ an toàn vốn chưa đạt mục tiêu tại Đề án 689 phải xây dựng và thực hiện kế hoạch tăng vốn phù hợp; Các NHTMCP chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán xây dựng, thực hiện kế hoạch niêm yết trên thị trường chứng khoán trong nước.
Tích cực thực hiện các giải pháp chuyển đổi số; tiếp tục phát triển, hoàn thiện các sản phẩm, dịch vụ thanh toán, cải tiến hệ thống thanh toán nội bộ, đảm bảo hoạt động an toàn, thông suốt, kết nối, tích hợp liền mạch với các dịch vụ thuộc các ngành, lĩnh vực khác để mở rộng hệ sinh thái số; Tăng cường công tác thông tin truyền thông, hướng dẫn khách hàng, đối tượng thụ hưởng trong tiếp cận chính sách. Chú trọng truyền thông rõ ràng, đầy đủ, minh bạch, chính xác về các chính sách, sản phẩm, dịch vụ của TCTD đến công chúng; Tham gia có trách nhiệm, tích cực trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của NHNN cũng như của các Bộ, ngành có liên quan đến hoạt động ngân hàng để đảm bảo việc thực hiện được thông suốt khi ban hành.
Đối với Bộ Tài chính Thủ tướng yêu cầu, tiếp tục điều hành chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hoà với chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; Phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát, đề xuất chính sách thuế đối với các dự án thu hút đầu tư sản xuất hàng hoá thay thế hàng nhập khẩu; Đẩy mạnh các giải pháp để thực sự ổn định, phát triển lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán hiệu quả, lành mạnh an toàn hiệu quả. Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn việc chào mua, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp đảm bảo đúng quy định pháp luật, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Thủ tướng đề nghị, Bộ Xây dựng, theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường bất động sản để kịp thời tham mưu, đề xuất chính sách phù hợp, hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển thị trường; chỉ đạo các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình các dự án, tiến độ triển khai, giải ngân vốn, các khó khăn vướng mắc để kịp thời có giải pháp tháo gỡ.
Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương có chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản an toàn, bền vững, xây dựng nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội; kịp thời hướng dẫn và xử lý các trường hợp gây khó khăn, phiền hà trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.