Dòng sự kiện:
Thủ tướng yêu cầu làm rõ nguyên nhân vụ sạt lở ở đèo Bảo Lộc
31/07/2023 10:05:07
Liên quan vụ sạt lở ở đèo Bảo Lộc khiến 3 chiến sĩ CSGT và một người dân bị vùi lấp, Thủ tướng yêu cầu chính quyền tỉnh Lâm Đồng xác định cụ thể nguyên nhân và rút kinh nghiệm về sự cố.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký ban hành công điện của Thủ tướng về việc tập trung khắc phục hậu quả sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng và chủ động ứng phó với mưa lớn các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ.

Công điện nêu rõ những ngày qua, tại một số địa phương khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên đã xảy ra mưa lớn, sạt lở đất, ngập lụt cục bộ, ảnh hưởng lớn đến giao thông và đời sống của người dân.

Đặc biệt ngày 30/7, trên tuyến quốc lộ 20 đoạn qua đèo Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), đã xảy ra vụ sạt lở đất làm 3 chiến sĩ cảnh sát giao thông và một người dân bị vùi lấp. Thủ tướng gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất tới thân nhân các gia đình có người bị nạn.

Theo cảnh báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mưa ở Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng kéo dài nhiều ngày tới.

Để khắc phục hậu quả vụ sạt lở nêu trên và chủ động phòng, chống thiên tai, bảo đảm an toàn tính mạng người dân, Thủ tướng yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai cùng đơn vị, địa phương liên quan chủ động chỉ đạo, triển khai quyết liệt công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả.

Tại hiện trường vụ sạt lở, lực lượng chức năng huy động nhiều máy móc cùng hơn 300 người tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp (Ảnh: Khánh Phúc).

Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cần tổ chức khắc phục nhanh hậu quả vụ sạt lở đất nêu trên, khẩn trương tìm kiếm, cứu nạn những người bị mất tích, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình có người bị nạn; phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện chế độ, chính sách đối với các cán bộ, chiến sĩ cảnh sát bị nạn theo quy định.

Địa phương cũng cần chỉ đạo đánh giá, xác định cụ thể nguyên nhân và rút kinh nghiệm về sự cố sạt lở; kiểm tra, rà soát, phát hiện, xử lý kịp thời các khu vực có nguy cơ sạt lở, có phương án chủ động bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến quốc lộ 20 và các trục giao thông chính trên địa bàn tỉnh.

Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các địa phương, nhất là UBND tỉnh Lâm Đồng huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương xử lý, khắc phục ngay các vị trí bị sạt lở, ngập sâu.

Cùng với đó, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, ngập úng để có biện pháp cụ thể bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ, các trục giao thông chính, đặc biệt là tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và tuyến quốc lộ 20 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao theo dõi, giám sát, nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, nhất là mưa lũ, sạt lở đất. Đơn vị chức năng cũng cần cung cấp kịp thời thông tin về thời tiết, thiên tai, nguy cơ sạt lở để phục vụ công tác ứng phó.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác bảo đảm an toàn cho công trình hồ, đập thủy lợi, thủy điện theo chức năng quản lý nhà nước được giao.

Khoảng 14h30 ngày 30/7, nhận được thông tin khu vực đèo Bảo Lộc có hiện tượng sạt lở, cán bộ, chiến sĩ thuộc Trạm CSGT Madaguoi (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Lâm Đồng) khẩn trương cùng người dân di dời phương tiện, trang thiết bị khỏi khu vực nguy hiểm.

Trong lúc lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, một lượng lớn đất đá bất ngờ đổ xuống, vùi lấp 3 chiến sĩ CSGT và 1 người dân tham gia hỗ trợ.

Cùng ngày, lực lượng chức năng tìm thấy thi thể 3 chiến sĩ CSGT thuộc Trạm CSGT Madaguoi, gồm: Thiếu tá Nguyễn Khắc Thường, Thượng úy Lê Anh Sáng và Thượng úy Lê Quang Thành.

Đêm 30/7, nạn nhân cuối cùng vụ sạt lở là anh Phạm Ngọc Anh được xác định đã tử vong.

Tác giả: Hà Mỹ

Theo: Dân Trí
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến