Dòng sự kiện:
Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng giảm thêm lãi suất cho vay
11/02/2022 18:54:31
Đây là nhiệm vụ Thủ tướng yêu cầu NHNN thực hiện trong năm 2022 để góp phần khắc phục những khó khăn nền kinh tế đã gặp phải và đẩy nhanh phục hồi phát triển kinh tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về việc đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Chỉ thị nêu rõ, năm 2021 đất nước ta đã gặp rất nhiều khó khăn khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại với biến chủng mới, tuy nhiên, nhờ các biện pháp kịp thời, hiệu quả, dịch bệnh đã từng bước được kiểm soát và các hoạt động kinh tế - xã hội dần được phục hồi, phát triển.

Trong bối cảnh đại dịch được dự báo vẫn còn diễn biến phức tạp, nền kinh tế sẽ tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn trong khi nguồn lực còn hạn chế, sức chống chịu của người dân, doanh nghiệp đã bị giảm sút do đại dịch kéo dài 2 năm qua.

Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân cần nỗ lực hơn nữa trong các hoạt động điều hành và sản xuất, kinh doanh, sớm khắc phục những khó khăn, thách thức. Đồng thời, tranh thủ thời gian đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Trong chỉ thị, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Cơ quan quản lý tiền tệ cũng được yêu cầu phải có các giải pháp kịp thời, phù hợp để duy trì ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.


Thủ tướng giao NHNN tăng cường công tác thanh tra, giám sát hệ thống các tổ chức tín dụng. Chỉ đạo các ngân hàng nâng cao chất lượng tín dụng, đẩy mạnh xử lý nợ xấu, kiểm soát và hạn chế nợ xấu mới phát sinh.

Đặc biệt, NHNN cần khuyến khích các ngân hàng tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp, người dân; hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên...

Trước đó, trong cuộc đến thăm, chúc tết và giao nhiệm vụ ngành ngân hàng, người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh việc giảm thêm lãi suất cho vay, giảm lãi suất thực chất của các ngân hàng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch.

Số liệu của NHNN cho biết 16 ngân hàng tham gia đợt giảm lãi suất tháng 7/2021 đến cuối tháng 12/2021 đã dành 21.244 tỷ đồng lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay với người dân và doanh nghiệp, vượt 5,13% so với số cam kết giảm ban đầu.

Trong đó, Agribank là nhà băng giảm có số giảm lãi suất lớn nhất với tổng số tiền giảm 5.512 tỷ đồng, tổng giá trị nợ được giảm lãi suất tại nhà băng này là gần 1,4 triệu tỷ đồng, áp dụng cho trên 3,5 triệu khách hàng.

Cũng trong giai đoạn này, Vietcombank đã dành 4.635 tỷ đồng để giảm lãi suất cho vay với trên 1,35 triệu tỷ dư nợ của gần 270.000 khách hàng; BIDV giảm 4.635 tỷ đồng lợi nhuận để giảm lãi suất cho 452.746 khách với dự nợ gần 1,46 triệu tỷ; VietinBank dành 2.259 tỷ giảm lãi suất cho gần 2,3 triệu tỷ đồng dư nợ của 967.697 khách hàng.

Ngoài nhóm ngân hàng kể trên, các ngân hàng thương mại tư nhân cũng dành hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay với người dân, doanh nghiệp từ tháng 7/2021.

Trong đó, ACB ghi nhận số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 859 tỷ đồng, áp dụng với gần 303.000 tỷ đồng dư nợ cho vay; MBBank giảm 640 tỷ đồng tiền lãi cho 104.464 khách hàng, dư nợ gần 136.500 tỷ; VPBank giảm 605 tỷ lãi vay cho 274.518 khách hàng, dư nợ 214.312 tỷ; hay Techcombank giảm 539 tỷ đồng lãi suất cho 2.396 khách với số dư nợ được hưởng là 96.445 tỷ…

Ngoài ra, các ngân hàng SHB; Sacombank; HDBank; SeABank; TPBank; MSB; LienVietPostBank, VIB cũng đã giảm hàng trăm tỷ đồng lãi suất cho người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

Tác gả: Quang Thắng

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến