Cùng nhiều ngân hàng khác, BIDV đã tung ra gói cho vay hấp dẫn đối với khách hàng mua nhà, mua xe. Ảnh: Đ.T
Ngân hàng chuyển hướng cho vay
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), tính đến ngày 18/11/2020, dư nợ tín dụng toàn hệ thống tăng 7,39% so với cuối năm 2019, tức tăng thêm 1,3% so với cuối tháng 9/2020. Dù đã khởi sắc trở lại, song tín dụng nhìn chung vẫn tăng trưởng chậm, trong khi vốn huy động vẫn ồ ạt chảy vào ngân hàng.
Vốn dư thừa, trong khi tín dụng sản xuất, kinh doanh tăng chậm, khiến nhiều ngân hàng đang chuyển hướng tập trung vào cho vay cá nhân, nhất là cho vay mua nhà, mua xe. Cuộc chạy đua kích cầu cho vay mua nhà, mua xe của các ngân hàng khiến lãi suất cho vay lĩnh vực này trở nên rẻ nhất trong vòng 10 năm qua.
Chẳng hạn, VPBank đang cho vay mua ô tô đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa với lãi suất chỉ từ 5,9% trong 3 tháng, 6,9%/năm trong 6 tháng và 8,3%/năm trong thời gian 12 tháng. Khách hàng cá nhân vay mua ô tô 24 tháng cũng chỉ phải trả lãi suất 8,5%/năm.
Tương tự, khách hàng vay mua nhà tại Techcombank được hưởng lãi suất cho gói cố định 12 tháng đầu tiên từ 7,59%/năm, kỳ hạn 24 tháng ở mức khoảng 8,6%/năm. Sau thời gian cố định, lãi vay dao động từ 9,3% đến hơn 11%/năm.
Trên thị trường, hàng loạt ngân hàng như VIB, TPBank, Vietcombank, BIDV, Agribank, Shinhan Bank… đã tung ra các gói cho vay hết sức ưu đãi để mua nhà, mua xe.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank nhận định, động lực tăng trưởng của các ngân hàng giai đoạn này là tín dụng cá nhân và tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Từ đầu quý IV/2020, VPBank đẩy mạnh tăng trưởng phân khúc này. Dự kiến, tổng dư nợ cho vay cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa trong năm 2020 tăng khoảng 10.000 tỷ đồng so với năm ngoái.
Trên thực tế, không chỉ còn nhiều dư địa, mà cho vay mua nhà, mua xe còn giúp ngân hàng cải thiện lãi biên (NIM) vốn sút giảm khá nghiêm trọng từ đầu năm đến nay, từ đó cải thiện lợi nhuận.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV cho rằng, Covid-19 là thách thức, song cũng là phép thử với các ngân hàng. Việc lựa chọn được những phân khúc khách hàng tốt, những sản phẩm tốt trong bối cảnh kinh tế dần phục hồi trở lại sau dịch sẽ giúp các ngân hàng bứt phá. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi sự linh hoạt trong lựa chọn chiến lược sản phẩm, phân khúc khách hàng, kiểm soát rủi ro hiệu quả.
Không quá lo ngại
Việc ngân hàng rầm rộ cho vay mua nhà, mua xe khiến nhiều người lo ngại rằng, cho vay tiêu dùng nóng trở lại và ẩn chứa nhiều rủi ro. Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc ngân hàng đẩy mạnh mua nhà, mua xe thực chất không quá đáng ngại.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), cơ quan này không hạn chế các tổ chức tín dụng mở rộng cho vay tiêu dùng, trong đó có cho vay mua xe, mua nhà với cá nhân.
“Việc các ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng vẫn an toàn, không có gì phải cảnh báo. Tất cả các khoản cho vay tiêu dùng núp dưới cho vay đầu cơ, đầu tư bất động sản đều đang được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát rất chặt chẽ”, ông Tuấn Anh khẳng định.
Trong khi đó, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank - một trong những ngân hàng mạnh tay cho vay bất động sản nhất từ đầu năm đến nay khẳng định, Techcombank chủ yếu cho vay mua nhà gắn với tài sản đảm bảo, lại phân định rõ ràng cho vay bất động sản kinh doanh đầu tư và cho vay để mua nhà, nên có thể hoàn toàn kiểm soát được rủi ro.
Thực tế, từ đầu năm đến nay, nhiều ngân hàng đẩy mạnh cho vay mua nhà, mua ô tô như Techcombank, VPBank, TPBank…, nhưng nợ xấu vẫn được kiểm soát rất tốt, thậm chí còn giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy vậy, các chuyên gia vẫn cảnh báo, các ngân hàng không được lơ là nhắc nhở nhân viên tín dụng thẩm định kỹ hồ sơ khách hàng, tránh duyệt các hồ sơ vay vốn “quá tay” dẫn đến khách hàng mất khả năng thanh toán, buộc ngân hàng phải siết nợ, gây ra cái nhìn phản cảm. Đương nhiên, về phía người vay cũng cần tính toán kỹ lưỡng khả năng trả nợ của mình trước khi đặt bút ký hợp đồng vay vốn.
“Để đảm bảo khả năng chi trả, người vay phải tích lũy trước 20 - 30% giá trị nhà, xe và phải dựa trên thu nhập của mình để lập lên kế hoạch trả nợ chi tiết, tránh bị đảo lộn cuộc sống do áp lực trả nợ, dính vào nợ xấu ngân hàng”, TS. Cấn Văn Lực khuyến cáo.
'Việc ngân hàng ưa thích cho vay mua nhà, mua xe trong giai đoạn hậu Covid-19 là dễ hiểu, vì đây là sản phẩm cho vay có biên độ lợi nhuận tốt, nhu cầu mua xe, mua nhà sửa nhà của người dân vẫn khá mạnh. Mặc dù thuộc phân khúc tín dụng tiêu dùng, song theo tôi, cho vay mua nhà, mua xe khá an toàn, vì có tài sản bảo đảm giá trị và tính thanh khoản cao' - TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng |
Tác giả: Hà Tâm
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy