Dòng sự kiện:
Thực phẩm chiên rán ngon miệng nhưng có thể gây ung thư
09/09/2018 13:06:27
Ngày 7/9, Cục an toàn thực phẩm phối hợp với Hội nữ trú thức Việt Nam, Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia và Viện dinh dưỡng quốc gia tổ chức Hội thảo 'Sức khỏe và An toàn Thực phẩm' tại Hà Nội.

PGS Hảo chia sẻ tại hội thảo 

Trong phần báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016, do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày trước Quốc hội ngày 5/6, đã có những báo cáo cảnh tỉnh về tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm được phản ánh là diễn ra khá nghiêm trọng ở một số địa phương.

Trung bình có 167,8 vụ/năm với hơn 5.000 người mắc/năm và khoảng 27 người chết do ngộ độc thực phẩm/năm.

Báo cáo của Quốc hội thông tin mỗi năm có khoảng 70.000 người chết vì bệnh ung thư và hơn 200.000 ca phát hiện mới, trong đó có một phần nguyên nhân từ việc sử dụng thực phẩm không an toàn."Theo điều tra dịch tễ học của Hiệp hội ung thư thế giới thì có khoảng 35% ca mắc bệnh ung thư có nguồn gốc thực phẩm không an toàn và có thể phòng được", ông Phan Xuân Dũng cho biết.

Tỷ lệ tồn dư hóa chất vượt ngưỡng cho phép là 8,47% đối với rau; kiểm tra đối với 54.750 lượt hộ nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đã phát hiện 9.056 hộ vi phạm (chiếm 16,54%); kiểm tra 2.064 đợt với 63.230 lượt cơ sở sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, phát hiện và xử lý trên 7.434 cơ sở vi phạm (chiếm 11,7%).

Trong khi đó, theo PGS Lê Thị Hồng Hảo - Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm An toàn thực phẩm Quốc gia tình trạng sử dụng phụ gia thực phẩm cũng như cách chế biến thực phẩm đang "cộng dồn" yếu tố gây ra bệnh ung thư.

PGS Hảo lấy ví dụ trong nấu nướng sử dụng dầu ăn nhiều người nghĩ đơn giản đó chỉ là một hình thức nấu ăn, kích thích ngon miệng nhưng hình thức này cũng có nguy cơ dẫn đến bệnh ung thư đó là sử dụng dầu ăn chiên đi chiên lại nhiều lần. Sử dụng dầu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Cách đây không lâu, người tiêu dùng thế giới hoang mang trước thông tin dầu ăn bẩn của Đài Loan, dầu tái chế. Với đủ những cách làm gian dối nhiều người sản xuất vì lợi ích họ đã đưa người tiêu dùng vào ngưỡng kém an toàn.

Trong khi đó, theo điều tra nghiên cứu của Viện, bà Hảo cho biết tại Hà Nội các quán ăn có sử dụng dầu ăn để chiên rán như quán rán bánh, rán quẩy... họ đều sử dụng dầu ăn chiên đi chiên lại nhiều lần điều này tăng nguy cơ ung thư bởi dầu chiên đi chiên lại nhiều lần làm biến đổi chất. Vitamin A, E và một số chất dinh dưỡng trong dầu bị phá hủy và sẽ xuất hiện một số chất độc như aldehyde, fatty acid oxide... Những chất này, khi đi vào cơ thể, sẽ phá hủy các men tiêu hóa làm khó tiêu, gây nhức đầu, chóng mặt, đau bụng, tiêu chảy, huyết áp tăng cao, các bệnh lý mãn tính như ung thư, tiểu đường, tim mạch...

Lỗi này không chỉ các quán ăn mắc phải mà nhiều bà nội trợ cũng tận dụng dầu thừa để qua đêm để sử dụng lại hoặc dùng dầu thừa để chế biến các món ăn khác như canh, đồ xào…

PGS Lê Bạch Mai, Nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia chất béo là một trong 4 nhóm chất dinh dưỡng cần thiết trong khẩu phần ăn hằng ngày cho trẻ em và cả người trưởng thành. Chất béo bao gồm chất béo bão hòa và chất béo chưa bão hòa.

Tiêu thụ thường xuyên nhiều chất béo bão hòa có nhiều trong mỡ động vật sẽ làm tăng hàm lượng cholesterol trong máu, tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành và một số bệnh lý tim mạch khác. Nhưng ngược lại, nếu thay thế bằng chất béo chưa bão hòa có nhiều trong dầu của các loại hạt, dầu thực vật, dầu cá sẽ giúp cơ thể giảm lượng triglyceride trong máu, giúp ổn định huyết áp, nhịp tim, giảm lượng cholesterol xấu, từ đó giảm nguy cơ đột quỵ và mắc phải các bệnh lý tim mạch, cải thiện khả năng tuần hoàn máu.

Các chuyên gia chia sẻ về việc sử dụng các loại dầu ăn có khả nặng chịu được nhiệt độ cao để nấu nướng đang là lựa chọn cần thiết. Dầu gạo được xem là loại dầu ăn lý tưởng với điểm bốc khói của dầu lên đến 240oC, cùng với mùi vị thanh nhẹ, dầu gạo đáp ứng nhiều hình thức nấu nướng và an toàn cho sức khỏe gia đình khi chế biến các món chiên, nướng ở nhiệt độ cao, giảm nguy cơ cháy khét, mang đến hương vị thơm ngon cho món ăn.

Theo Infonet

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến