Dòng sự kiện:
Thực trạng kinh tế Việt Nam trong viễn cảnh toàn cầu
04/11/2014 20:31:48
ANTT.VN - Sáng nay, ngày 4/11/2014, tại khách sạn Melia (44B Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã diễn ra Hội thảo “ Kinh tế thế giới và Việt Nam, thực trạng 2014 và triển vọng 2015” do Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) phối hợp với công ty chứng khoán VPBS tổ chức.
ông-nguyễn-đức-vinh

Ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng Giám đốc VPBank.

Tới tham dự hội thảo có: GS.TS KH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội FDI; Tiến sĩ Võ Trí Thành - Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương; TS.Trần Đình Khiêm - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam,… cùng các diễn giả, các chuyên gia kinh tế, các nhà đầu tư.

Khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Đức Vinh – Tổng Giám đốc VPBank cho biết với chủ đề: “Diễn biến của nền kinh tế thế giới ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam như thế nào?”, hội thảo là cơ hội để các nhà đầu tư hiểu biết sâu sắc hơn kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam, từ  đó củng cố chiến lược kinh doanh trong nền kinh tế đang biến đổi.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Tuấn – Tổng biên tập báo Đầu tư cho biết: “Năm 2014 là một năm đầy biến động của nền kinh tế toàn cầu. Ở Việt Nam, nền kinh tế còn nhiều bất ổn, đã bước đầu có sự phục hồi. Tuy nhiên, sự phục hồi đó còn  rất mỏng manh, tiềm ẩn rất nhiều thách thức, đặc biệt là vấn đề nợ công, nợ xấu, vấn đề phát sinh trong việc tái cấu trúc nền kinh tế”. Ông cho rằng: trong bối cảnh nền kinh tế trong nước có nhiều biến đổi, đây là cơ hội để các doanh nghiệp tìm kiếm lời giải cho kế hoạch năm 2015.
 
Kinh tế Việt Nam trong viễn cảnh toàn cầu

ông-sanjaykalra

Ông Sanjay Kalra – đại diện thường trú Quỹ tiền tệ Quốc tế tại Việt Nam và Lào đang phát biểu

Ông Sanjay Kalra – đại diện thường trú Quỹ tiền tệ Quốc tế tại Việt Nam và Lào đã có bài tham luận: “Việt Nam: Viễn cảnh toàn cầu”. Ông cho biết: “ Mặc dù giật lùi nhưng sự phục hồi vẫn tiếp tục. Tăng trưởng nền kinh tế chậm hơn mong đợi trong nửa đầu năm 2014. Sự căng thẳng địa chính trị; sự điều chỉnh của thị trường tài chính: giá cổ phiếu cao hơn, giảm lãi suất theo rủi ro, sự biến động giá rất ít có thể  đổi chiều; tăng trưởng tiềm năng thấp hơn,…Điều đó, dẫn đến rủi ro suy giảm kinh tế tăng.

Theo báo cáo cho thấy, ở một số nền kinh tế mới nổi, cán cân vãng lai và tài khóa đã yếu đi nhưng nhìn chung vẫn kiểm soát được những điểm dễ bị tổn thương. Dự báo tăng trưởng sẽ tăng lên có thể không thành hiện thực hoặc không như mong đợi. Tại tất cả các nền kinh tế cần cải cách cơ cấu để nâng cao năng suất và sản lượng tiềm năng, giúp tăng trưởng bền vững hơn. Đồng thời, tăng cường đầu tư công nếu điều kiện thuận lợi: tăng cầu về ngắn hạn, giúp nâng cao tăng trưởng tiềm năng về dài hạn.

Đối với nền kinh tế Việt Nam, ông Sanjay Kalra cho rằng: Ở Việt Nam đã có sự ổn định về nền kinh tế vĩ mô: tình hình lạm phát thấp, dự trữ quốc gia tăng trưởng,…Sự thay đổi của Việt Nam khá bền vững trong thời gian vừa rồi. Đây là một niềm tin đối với các doanh nghiệp đã đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam cũng còn rất nhiều những bất ổn, tiêu biểu như rất nhiều ngân hàng phải phá sản do tăng trưởng tín dụng chưa cất cánh, nợ xấu chưa được giải quyết. Ở quý 4, năm 2014, Việt Nam cần duy trì ổn định, tái cấu trúc. Thực tế cho thấy, mức tăng trưởng 5.5% là rất tốt, song đối với một quốc gia có dân số trẻ như ở Việt Nam có thể làm tốt hơn.

Trước những thách thức như vậy Việt Nam cần sử dụng nhiều hơn nguồn nhân lực con người hơn tài nguyên thiên nhiên; giải quyết nhanh nhạy vấn đề trong ngân hàng: ngân hàng lớn hỗ trợ ngân hàng nhỏ, giảm nợ xấu của các ngân còn yếu kém; chính phủ cần có những chương trình nghị sự để cải cách doanh nghiệp. Cuối cùng, ông đặt ra câu hỏi cho phía Việt Nam: Sau quá trình cổ phần hóa các Doanh nghiệp Nhà nước có hoạt động hiệu quả hơn hay không? Và thực chất các doanh nghiệp đang sử dụng nguồn lực công như thế nào?

ông-barry weisblatt

Ông Barry Weisblatt – Giám đốc Khối phân tích của Công ty TNHH Chứng khoán của ngân hàng TMCP VPBank

Để đánh giá sâu hơn về bức tranh tài chính toàn cầu với Việt Nam, ông Barry Weisblatt – Giám đốc Khối phân tích của Công ty TNHH Chứng khoán của ngân hàng TMCP VPBank đã có bài phát biểu với chủ đề: “ Triển vọng thị trường Việt Nam”.

Ông cho biết về phân tích tình hình ở Việt Nam: “ Tổng sản phẩm nội địa của Việt Nam ước tính tăng 6,19% trong quý 3, năm 2014, GDP tăng một cách ấn tượng”. Hiện nay, Việt Nam đã đạt tối đa về GDP, chính phủ Việt Nam cần cẩn thận hơn để không bội chi. Về thương mại và xuất khẩu, Việt Nam liên tục có thặng dư thương mại.

Thị trường thế giới ngày càng được phản ánh rõ ở Việt Nam, ngày càng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Xuất khẩu FDI tăng hơn 20%, chiếm 2/3 xuất khẩu ở Việt Nam, dự trữ ngoại hối tăng lên. Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, mức đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng dẫn đến tăng xuất khẩu. Cùng đó, mức dự trữ ngoại hối tăng cao nhất trong lịch sử, tỷ giá ổn định ở mức 21 ngàn đồng. Một vài năm tới xu hướng này sẽ tiếp tục được duy trì.

Bà Pamela Kustas – Chuyên gia Thị trường về chứng khoán tại khu vực Đông Nam Á  đưa ra những cập nhật quan trọng và hi vọng sẽ có những dấu hiệu tốt vào năm 2015.

Phục hồi tăng trưởng

Cũng trong buổi hội thảo, TS.Trần  Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đưa ra quan điểm: Khi gia nhập WTO, nền kinh tế Việt Nam gặp khó khăn kéo dài. Đáng lưu ý về động lực tăng trưởng xuất khẩu, mạnh nhất là xuất khẩu FDI. Tỷ phần FDI đang giảm, đặt ra vấn đề căn bản với phát triển của Việt Nam, đó là tương quan giữa FDI và nội địa chưa tương xứng.

Gần 8 năm vào WTO, khi kí Hiệp định chúng ta chưa chuẩn bị năng lực thực sự hội nhập. Ông cho rằng trong nền kinh tế hiện nay, để thay đổi một cách tích cực, Việt Nam cần chuyển mô hình tăng trưởng theo thế giới; tôn trọng thị trường để có một sự phân bổ tốt (ở Việt Nam kinh tế tư nhân bị phân biệt đối xử); cải cách nhà nước tháo gỡ vướng mắc của nền kinh tế. Nếu làm tốt, kinh tế Việt Nam sẽ khởi sắc.

tiến-sĩ-võ-trí-thành

TS.Võ Trí Thành - Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương

 TS.Võ Trí Thành - Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương đưa ra quan điểm: Việt Nam vừa qua có nền kinh tế vĩ mô ổn định; môi trường kinh doanh sẽ được cải cách thông qua Luật Doanh nghiệp và luật đầu tư sửa đổi. Theo ông, trong ngắn hạn 2 năm tới, kì vọng vào FDI không có nhiều; khả năng hấp thụ trên 10 tỷ.

đại-diện-nhà-đầu-tư

Một đại diện nhà đầu tư đưa ra ý kiến 

Về phía các nhà đầu tư, một đại diện đưa ra ý kiến: “ Chúng ta không chú trọng vào tốc độ tăng trưởng. Thời gian vừa qua, chúng ta gặp rắc rối trong doanh nghiệp, ngân hàng và đầu tư công. Chúng ta nên lùi một bước để tiến ba bước. Chất lượng tăng trưởng rất quan trọng. Cần phải chú trọng xây dựng nền tảng: tái cấu trúc, cải cách hành chính, cải cách tư pháp …”

Cùng với đó, 2 yếu tố quan trọng đối với việc phục hồi nền kinh tế Việt Nam là: “Thứ nhất, cần có sự thay đổi chính sách của chính phủ bằng cách tăng nội tệ; Thứ hai, có sự đồng thuận chính trị về xử lí nợ xấu để phục hồi tăng trưởng và xử lí nợ công.” TS. Lê Xuân Nghĩa – Viện trưởng BDI cho biết.

Đại diện Ủy ban Chứng khoán nhà nước cũng cho hay: diễn biến kinh tế toàn cầu tác động vào thị trường vốn của nước ta. Chúng ta cần quyết liệt trong việc thoái vốn để tạo sự minh bạch; cung hàng hóa cho thị trường và cải thiện cầu đầu tư.

Hoàng Hà

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến