Doanh nghiệp gỗ Việt Nam đối diện thêm khó khăn do cuộc điều tra từ Mỹ. QUANG THUẦN
Vì sao bị điều tra?
Cho đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp (DN) gỗ của Việt Nam đang bị Mỹ điều tra dấu hiệu lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với sản phẩm gỗ dán cứng và tủ gỗ nhập khẩu vào nước này. Cụ thể, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đang áp dụng thuế chống bán phá giá (CBPG) và thuế chống trợ cấp (CTC) với sản phẩm của Trung Quốc với mức thuế CBPG là 183,36% và thuế CTC từ 22,98 - 194,90%. Trên cơ sở cáo buộc của ngành sản xuất trong nước, DOC đã khởi xướng điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại với sản phẩm gỗ dán cứng của Việt Nam nhằm đảm bảo hiệu lực thực thi các biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng với gỗ dán cứng của Trung Quốc.
Ngày 25.7.2022, DOC đã công bố kết luận sơ bộ cho rằng gỗ dán từ Việt Nam nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ bị áp dụng thuế CBPG và CTC như đang áp dụng với gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc. DOC cho phép các nhà xuất khẩu Việt Nam cũng như các nhà nhập khẩu của Mỹ tham gia cơ chế tự xác nhận để được loại trừ khỏi các biện pháp phòng vệ của Mỹ. Cơ chế này sẽ không áp dụng đối với các DN bị đánh giá là không cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, chính xác theo yêu cầu của DOC trong quá trình điều tra. Theo tính toán, số lượng DN được tham gia tự chứng nhận chiếm khoảng 80% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn điều tra. Các bên liên quan có quyền nộp bình luận bằng văn bản đối với kết luận sơ bộ của DOC và văn bản đề nghị tổ chức phiên điều trần trong vòng 30 ngày kể từ ngày thông báo kết luận sơ bộ. DOC cũng dự kiến tiến hành thẩm tra để xác minh thông tin trước khi ban hành kết luận cuối cùng. Hiện nay, DOC thông báo từ chối bản bình luận của 40 đơn vị Việt Nam do nộp chậm chứ chưa ra quyết định nào về việc áp thuế và vụ việc vẫn đang trong thời gian điều tra. Theo quy định mới của Mỹ, trong vòng 300 ngày kể từ khi khởi xướng điều tra, DOC phải ra kết luận cuối cùng, có thể gia hạn, nhưng tổng thời gian không quá 365 ngày.
Thiệt hại vì bị hiểu lầm
Theo DOC, vào các ngày 29.7.2022 và 3 - 4.8.2022, cơ quan này xác định một số bản bình luận (bao gồm nội dung cung cấp thông tin liên quan đến vụ việc) do các bên liên quan đưa ra đã được nộp không đúng thời hạn và bị từ chối. DOC sẽ không xem xét hoặc lưu giữ trên hồ sơ chính thức thông tin thực tế không được nộp kịp thời. Do đó, cơ quan này yêu cầu xóa khỏi truy cập các mã vạch tài liệu từ cơ sở dữ liệu được cập nhật sau thời hạn trên.
Theo thống kê của hải quan Mỹ, kim ngạch xuất khẩu gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng của Việt Nam sang thị trường này liên tục tăng từ 112,3 triệu USD năm 2018 lên 226,4 triệu USD năm 2019; 248,5 triệu USD năm 2020 và 356,7 triệu USD năm 2021. |
Ngay sau khi thông tin trên được công bố, nhiều thiệt hại đã xảy ra cho DN gỗ trong nước vì bị hiểu lầm. Trả lời Thanh Niên ngày 24.8, đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho biết: “Cho tới thời điểm này, DOC chưa có quyết định cuối cùng rằng sản phẩm gỗ dán cứng của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ bị áp thuế CBPG và CTC. Theo thông báo mới nhất, DOC gia hạn thời gian ban hành kết luận cuối cùng đến ngày 17.10.2022. VIFOREST đã phối hợp cùng Cục Phòng vệ thương mại nộp bình luận của Hiệp hội và của Bộ Công thương về vụ việc tủ gỗ lên DOC để hỗ trợ DN, đồng thời hướng dẫn các DN liên quan tuân thủ các quy định, thủ tục điều tra của DOC. Việc các DN quan tâm nộp bình luận là tự nguyện, không phải bắt buộc theo quy định của DOC”.
Tuy nhiên, theo VIFOREST, nhiều thông tin gây hiểu lầm đã xuất hiện, khiến cho các DN gặp khó khăn ngoài chuyên môn. Cụ thể như các ngân hàng cho vay liên tục gọi đến DN để tìm hiểu thông tin thực hư thế nào. Thực tế, như đã đề cập, việc DOC thông báo từ chối bản bình luận của các DN gỗ Việt Nam là do nộp chậm chứ chưa có quyết định nào về việc áp thuế. Một DN gỗ tại Bình Dương cho biết: “Hiện nay vụ kiện đang trong giai đoạn thu thập thông tin, giải trình và chưa có quyết định cuối cùng từ DOC, do đó các DN vẫn có cơ hội để bổ sung các tài liệu. Mặc dù các thông tin gây hiểu lầm gần đây chưa gây thiệt hại nghiêm trọng đến DN nhưng trong bối cảnh áp lực khó khăn rất lớn như hiện nay, mọi tác động đều gây phiền phức cho DN, nhất là về nguồn tài chính”.
Đại diện truyền thông của VIFOREST cho biết: “Hiện tại các DN ngành gỗ của Việt Nam đang gặp khó khăn, đơn hàng sụt giảm, giá nguyên liệu tăng cao, lạm phát ở thị trường tiêu thụ, khả năng kế hoạch thực hiện kim ngạch xuất khẩu năm nay không đạt được. Do đó, những thông tin chưa chính xác hiện nay về những vụ kiện nói trên có thể làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của hàng nghìn DN cũng như hàng trăm nghìn lao động trong ngành gỗ hiện đang gặp rất nhiều khó khăn sau tác động của Covid-19 và hiện tại là đối mặt với tình hình kinh tế lạm phát ở các thị trường xuất khẩu chính”.
Tác giả: Quang Thuần
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy