Bối cảnh chính trị trên Bán đảo Triều Tiên bắt đầu có dấu hiệu thay đổi từ đầu năm 2018 khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bất ngờ tuyên bố sẽ cử vận động viên tham dự Thế vận hội Mùa đông Pyeong Chang tại Hàn Quốc vào tháng 2/2018 và sẽ gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jea-in vào tháng 4/2018.
Thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ là "ván bài hòa bình". Ảnh: AP
Kể từ đó, tình hình trên Bán đảo Triều Tiên đã chuyển thái cực từ đối đầu sang việc tìm kiếm các biện pháp ngoại giao. Sự chuyển biến này có được phần lớn là do sự thay đổi chiến thuật của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khi mở ra ván bài mới hòng kéo Mỹ vào cuộc chơi bằng cách tiến hành vụ thử tên lửa tầm xa có thể vươn tới lãnh thổ Mỹ vào tháng 11/2017. Khi mà lợi ích của Mỹ bị đe dọa trực tiếp thì dưới chiếc ô chính sách “Nước Mỹ trên hết”, Tổng thống Donald Trump không thể làm gì khác ngoài việc can dự sâu hơn vào vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Và lời đề nghị đàm phán của Triều Tiên đưa ra vào đúng thời điểm này đã mở ra một cơ hội để Mỹ thể hiện sự can thiệp của mình.
Với Triều Tiên, cho dù chưa biết Hội nghị thượng đỉnh sắp tới sẽ mang lại những kết quả cụ thể nào, song riêng việc Tổng thống Donald Trump đồng ý tới Singapore để gặp mặt nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã là một thắng lợi trên mặt trận ngoại giao lẫn đối nội của nước này. Bằng cách kéo được Tổng thống Mỹ cùng ngồi vào bàn đàm phán, Triều Tiên đã chứng tỏ vị thế ngang hàng, và như Tiến sỹ Euan Gramham, Giám đốc Chương trình nghiên cứu an ninh quốc tế của Viện Lowy (Australia) thì thay vì việc gây sức ép một chiều thì nay Mỹ đã phải ngồi vào bàn đàm phán và ‘tìm cách để đối xử với Triều Tiên với tư cách là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân”. Không cần bất kỳ sự công nhận hay tuyên bố nào nhưng bước đi chiến thuật mà Triều Tiên tiến hành đang mang lại những giá trị lớn đối với nước này.
Tiến sỹ Euan Gramham, Giám đốc Chương trình nghiên cứu an ninh quốc tế của Viện Lowy (Australia). (Ảnh: Việt Nga/VOV)
Triều Tiên mong muốn gì khi bày ra ván bài này ?
Không khó để thấy rằng, Triều Tiên đã đạt được mục đích đầu tiên đó là sự công nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân bằng cách Mỹ đồng ý ngồi vào bàn đàm phán song phương. Tiến sỹ Euan Grahm nhận định, bằng cách kéo nhà lãnh đạo Mỹ ngồi vào bàn đàm phán, Triều Tiên vừa có cơ hội để thay đổi quan hệ song phương với Mỹ lại vừa sử dụng Mỹ như là một yếu tố để cân bằng quan hệ giữa Triều Tiên với Hàn Quốc và Triều Tiên với Trung Quốc.
Mục tiêu thứ ba đó là mong muốn Mỹ Mỹ từ bỏ lệnh cấm vận để có thể tiếp cận với các nguồn hỗ trợ tài chính của cộng đồng quốc tế. Đây là mong muốn trong hàng chục năm qua của Triều Tiên song Tiến sỹ Euan Graham nhận định, khác với người tiền nhiệm là cha mình, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, người từng tiếp xúc với xã hôi Phương Tây trong thời gian học tập tại Thụy Sỹ khi đề cao vấn đề kinh tế hơn bằng cách đặt bên cạnh quân sự và coi đây là hai vấn đề trọng tâm cần được phát triển song hành. Thực tế số liệu thống kê của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc công bố vào tháng 7/2017 cho thấy rõ điều này khi nền kinh tế Triều Tiên đã tăng trưởng 3,9%, tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 17 năm qua. Điều đó cho thấy Triều Tiên không chỉ tập trung để tạo ra các kỳ tích trong việc phát triển vũ khí mà còn nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tiến sỹ Euan Graham cũng nhận định, Triều Tiên cũng rất muốn tìm mọi cách nhằm khiến quân đội Mỹ rời khỏi Hàn Quốc. Vì vậy, không loại trừ khả năng Triều Tiên cũng đặt mục tiêu tiến tới việc ký Hiệp định Hòa bình, thay thế cho Hiệp định đình chiến năm 1953 khiến cho quân đội Mỹ không còn vai trò và buộc phải rút quân khỏi Hàn Quốc.
Mục tiêu mà Triều Tiên đặt ra có thể là nhiều như vậy song từ từ việc muốn tới việc có thể làm là điều khác nhau và còn phụ thuộc vào cả Mỹ và Trung Quốc, đối tác không có mặt trên bàn đàm phán nhưng lại có tiếng nói rất quan trọng.
Những thỏa thuận có thể đạt được
Ván bài mà nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bày ra đang bước vào giai đoạn cao trào, mà đỉnh điểm là cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo tại Singapore vào ngày 12/6 tới. Tuy nhiên, chắc chắn là Triều Tiên không thể đạt được tất các mong muốn của mình.
Trong cuộc trao đổi với phóng viên Đài TNVN thường trú tại Australia, Giáo sư Yingdong Yuan, Trung tâm nghiên cứu an ninh quốc tế, Đại học Sydney đặt ra hai kịch bản. Nếu mọi việc diễn ra thuận lợi, kết quả đầu tiên sẽ là Hội nghị sẽ vẫn diễn ra vào ngày 12/6 như kế hoạch. Thứ hai đó là các bên có điều gì đó tích cực để thảo luận. Giáo sư Yingdong Yuan nhận định, chừng nào hai bên tìm được điểm chung và chỉ dừng lại ở mức thảo luận các vấn đề ngoại giao mà không đi sâu vào chi tiết thì có thể thuận lợi hơn trong việc tìm được tiếng nói thống nhất. Vì lẽ này, dư luận cũng không nên quá trông đợi vào những kết quả cụ thể mà nên hy vọng các bên sẽ tìm ra được động lực để tạo ra sự thay đổi.
Giáo sư Bates Gill chuyên gia nghiên cứu về an ninh Châu Á-Thái Bình Dương thuộc Đại học Macquarie (Australia) cũng cho rằng, nhiều khả năng hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên khó có thể đạt được thỏa thuận nào ngoại trừ việc thống nhất sẽ tiếp tục đàm phán. Và nếu đạt được sự thống nhất này thì cũng đã là một kết quả tích cực của Hội nghị. Song, Giáo sư Bates Gill cho rằng, cũng không loại trừ khả năng hội nghị sẽ thất bại khi hai bên không đạt được sự thống nhất do quan điểm vẫn còn quá khác biệt trong khi hai nhà lãnh đạo vẫn chưa hiểu nhau.
Giáo sư Bates Gill chuyên gia nghiên cứu về an ninh Châu Á-Thái Bình Dương thuộc Đại học Macquarie (Australia). (Ảnh: Việt Nga/VOV)
Sự ngờ vực của Giáo sư Bates Gill hoàn toàn có cơ sở khi Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần nói rằng, ông sẽ rời khỏi cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nếu cuộc đàm phán không hiệu quả. Cho đến lúc này Mỹ vẫn duy trì quan điểm yêu cầu Triều Tiên giải trừ hạt nhân một cách “hoàn toàn, có thể kiểm chứng được và không thể đảo ngược”. Đây được cho là điều kiện tiên quyết trước khi có các bước đi tiếp theo, trong đó bao gồm cả việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt.
Triều Tiên sẽ phi hạt nhân hóa?
Phát biểu tại Canada, bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định, mục tiêu quan trọng nhất của cuộc gặp sắp tới là thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump cũng công nhận, sẽ mất thời gian để đạt được sự thống nhất với Triều Tiên về vấn đề phi hạt nhân hóa. Như vậy đã rõ là Mỹ đã chuẩn bị cho khả năng có thể không nhận được sự chấp nhận của Triều Tiên về yêu cầu phi hạt nhân hóa. Đây là tính toán thực tế bởi như Giáo sư Bates Gill lý giải, giải trừ hạt nhân là một quá trình lâu dài, đặc biệt đối với một nước đã sở hữu vũ khí hạt nhân như Triều Tiên thì không dễ dàng từ bỏ điều này. Bên cạnh đó, bài học từ I rắc, từ Libya cũng sẽ khiến Triều Tiên tính toán rất kỹ. Nếu miễn cưỡng phải chấp nhận việc này thì Triều Tiên cũng sẽ biến nó thành việc vô cùng khó khăn và quá trình diễn ra cũng sẽ rất lâu dài.
Giáo sư Yingdong Yuan cũng cho rằng, Mỹ và Triều Tiên khó có thể đạt được sự thống nhất về việc phi hạt nhân hóa bởi đây là vấn đề bao gồm nhiều chi tiết cần phải được thảo luận cụ thể, cẩn trọng ở các cấp trước khi trình lên lãnh đạo cấp cao. Vì lý do này mà Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng có thể sẽ tránh không đưa ra kết luận cuối cùng trước khi cấp dưới hoàn tất việc thảo luận chi tiết.
Khả năng đạt được thỏa thuận phi hạt nhân hòa là không nhiều, vì thế, Tiến sỹ Euan Graham cho rằng, Mỹ và và Triều Tiên có thể đặt mục tiêu ngắn hạn là dừng phát triển chương trình tên lửa tầm xa có thể vươn tới tận nước Mỹ. Khi chương trình này được chấm dứt cũng có nghĩa là mối đe dọa trực tiếp đến nước Mỹ cũng đã không còn.
Về lâu dài, các chuyên gia đều nhận định rằng, việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên không chỉ là câu chuyện một chiều chỉ Triều Tiên phải giải giáp hạt nhân. Đổi lại Triều Tiên và Trung Quốc cũng sẽ gây sức ép để Mỹ không đưa vũ khí hạt nhân tới khu vực này.
Giáo sư Yingdong Yuan, Trung tâm nghiên cứu an ninh quốc tế, Đại học Sydney trao đổi với phóng viên VOV (Ảnh: Việt Nga/VOV)
Vai trò của Trung Quốc
Dư luận đang bị lôi cuốn vào Hội nghị thượng đỉnh tại Singapore vào ngày 12/6 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Song sẽ làm thiếu sót nếu cho rằng chỉ cần nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên ngồi lại với nhau thì có thể giải quyết vấn đề. Trung Quốc, tuy không phải là bên tham dự Hội nghị thượng đỉnh sắp tới nhưng lại có ảnh hưởng rất lớn không chỉ tới kết quả Hội nghị mà còn là toàn bộ vấn đề Bán đảo Triều Tiên.
Giáo sư Jingdong Yuan nhận định, Trung Quốc có đường biên giới phía Đông Bắc, giáp với Triều Tiên. Nhìn vào lịch sử, bán đảo Triều Tiên là cửa ngõ của Trung Quốc. Vì vậy, Trung Quốc có lợi ích sát sườn đối với tình hình trên Bán đảo Triều Tiên. Trên khía cạnh kinh tế, Trung Quốc và Hàn Quốc có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với kim ngạch thương mại hai chiều đạt khoảng 200 tỷ USD/năm. Hàn Quốc đồng thời đầu tư nhiều tiền vào Trung Quốc và đưa nhiều sinh viên sang đây học tập. Giáo sư Bates Gill thì cho rằng, vị trí địa lý, mối quan hệ lâu năm là yếu tố khiến Trung Quốc, chứ không phải là bất kỳ quốc gia nào khác, bao gồm cả Mỹ, có thể tác động đến quyết định của Triều Tiên. Vì vậy tuy không phải là thành phần tham dự Hội nghị thượng đỉnh song Trung Quốc vẫn có thể được coi là đối tác vô hình tại cuộc đàm phán này. Tuy nhiên Trung Quốc có thể tác động đến mức nào thì đó vẫn còn là câu hỏi chưa có lời giải đáp.
Triều Tiên cần sự hỗ trợ của Trung Quốc nên sau nhiều năm không tới Trung Quốc, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tới gặp Chủ tịch Tập Cận Bình 2 lần liên tiếp trong những tháng qua. Tuy vậy vẫn chưa thể khẳng định được rằng Triều Tiên sẽ hoàn toàn nghe theo lời khuyên của Trung Quốc. Vì vậy Trung Quốc theo dõi sát các diễn biến của Hội nghị. Giáo sư Jingdong Yuan cho rằng, điều mà Trung Quốc lo ngại nhất đó là tại Hội nghị này, Triều Tiên và Mỹ nhanh chóng đạt được thỏa thuận để đi đến ký kết Hiệp định hòa bình mà không có sự tham gia của Trung Quốc. Sự đổi chiều nhanh chóng này sẽ làm cho Trung Quốc bị đẩy ra ngoài cuộc chơi và không có cơ hôi để cùng thảo luận về tình hình Bán đảo Triều Tiên mà Trung Quốc cho rằng có lợi ích sát sườn của Trung Quốc.
Chưa rõ Trung Quốc có thể tác động mức nào tới Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp tới, song theo giáo sư Jingdong Yuan, với Trung Quốc, kết quả có thể chấp nhận được của Hội nghị thượng đỉnh đó là hai bên không đi quá nhanh để tiến tới việc ký kết một văn bản nào mà chỉ dừng lại ở việc cùng nhau thống nhất về mục đích cuối cùng là chấm dứt chính sách thù địch để tiến tới đàm phán. Giáo sư Jingdong Yuan nhận định, tại Hội nghị sắp tới, Mỹ và Triều Tiên khó có thể có tạo ra bước ngoặt trong quan hệ mà cần giai đoạn chuyển tiếp nhằm từng bước xây dựng lòng tin. Vì vậy, Trung Quốc hy vọng cuộc gặp sẽ chỉ là cơ hội để nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên chia sẻ quan điểm và điều mà mỗi bên đang lo lắng để thêm hiểu về nhau trước khi tiến tới các bước đi cụ thể hơn. Và cuối cùng, nếu Mỹ và Triều Tiên thiếp lập đường dây nóng để có thể trao đổi, kiểm soát khi có đụng độ xảy ra cũng có thể là một bước đi tích cực.
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều vào ngày 12/6 tới tại Singapore là không chỉ là cuộc gặp đầu tiên giữa cá nhân hai nhà lãnh đạo mà cũng còn là cuộc gặp đầu tiên giữa nhà lãnh đạo hai nước. Vì lẽ đó, mong đợi rất nhiều nhưng sự hoài nghi cũng không ít. Song với hai nhà lãnh đạo như Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un thì chưa thể biết điều gì có thể sẽ diễn ra. Dư luận cũng nên sẵn sàng với cả tình huống bất ngờ.
Theo VOV