Dòng sự kiện:
Thương mại của Việt Nam vững vàng trên đà phục hồi
10/02/2024 09:00:00
Việt Nam đã khởi đầu năm 2024 bằng những dấu hiệu phục hồi kinh tế, khi hoạt động thương mại tiếp tục vững vàng trên đà phục hồi, xuất khẩu tháng 1/2024 đã tăng với tốc độ kinh ngạc 42% so với cùng kỳ năm trước.

HSBC đánh giá, Việt Nam đã khởi đầu năm 2024 bằng những dấu hiệu phục hồi kinh tế vững vàng, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu.

Trong Báo cáo “Vietnam at a glance: “Bắt mạch” người tiêu dùng” vừa mới công bố, Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu thuộc Ngân hàng HSBC đánh giá, Việt Nam đã khởi đầu năm 2024 bằng những dấu hiệu phục hồi kinh tế vững vàng.

Ngay trong tháng 1/2024, mặc dù chịu tác động bởi hiệu ứng cơ sở nhưng thương mại của Việt Nam vẫn tiếp tục vững vàng trên đà phục hồi. Xuất khẩu tăng với tốc độ 42% so với cùng kỳ năm trước, nhờ phục hồi ổn định trong xuất khẩu ngành hàng điện tử.

Theo HSBC, sắp tới, số lượng đặt hàng trước dòng điện thoại Samsung Galaxy S24 mới ở mức cao cũng phần nào giúp tình hình thêm lạc quan.

Hơn thế, sự lạc quan không chỉ giới hạn trong ngành hàng điện tử khi xuất khẩu đang ghi nhận mức tăng trưởng cao trên diện rộng. Những ngành hàng đã phải hứng chịu tình cảnh trì trệ trong năm 2023 như dệt may, máy móc và đồ gỗ... đã bắt đầu tăng trưởng trở lại. 

Dẫu vậy, chuyên gia HSBC vẫn lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam cần cẩn trọng trong giai đoạn phục hồi thương mại sơ khởi này.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 1/2024 đã cho thấy sự lạc quan một cách thận trọng nhất định. Điều đáng khích lệ là chỉ số PMI trở lại mức trên 50 sau 5 tháng bị giảm.

Đơn hàng mới và đơn hàng xuất khẩu mới tiếp tục gia tăng mạnh nhưng HSBC cho rằng, sự gia tăng này vẫn chưa đủ để kích thích các doanh nghiệp gia tăng tuyển dụng. Đặc biệt, tình hình giao hàng bị chậm càng khiến áp lực chi phí của nhà sản xuất tăng lên, nhắc nhở về rủi ro do gián đoạn Biển Đỏ vẫn còn kéo dài.

"Việt Nam đã có một khởi đầu “hanh thông” cho sự phục hồi kinh tế. Mặc dù vậy, cần cẩn trọng với mức độ phục hồi nói chung vì cỗ máy xuất khẩu cần tiếp sức thêm bằng tăng trưởng ở các nền kinh tế lớn trên thế giới”, chuyên gia HSBC lưu ý.

Với nền kinh tế có độ mở lớn, hoạt động thương mại của Việt Nam phụ thuộc vào sự phục hồi mang tính chu kỳ trong thương mại toàn cầu. Đây cũng là niềm hy vọng chính cho thị trường việc làm.

Lĩnh vực điện tử gần đây đã chứng kiến một số dấu hiệu tích cực khi nhìn vào tăng trưởng của đầu năm, nhưng sự phục hồi diễn ra không hoàn toàn đồng đều cho tất cả các ngành.

Thêm nữa, lạm phát vẫn trong vòng kiểm soát, trong đó lạm phát chính trong tháng 1 giảm nhẹ xuống 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù thấp hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát năm 2024 của Chính phủ là 4%-4,5%, vẫn còn những rủi ro tăng lạm phát đáng chú ý không thể xem nhẹ.

Bộ phận phân tích của HSBC cho rằng, một nguyên do là Việt Nam đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động trên thị trường hàng hóa thế giới. Trong khi lạm phát vận tải đã ổn định trong những tháng gần đây, lạm phát “nhà ở và vật liệu xây dựng” bao gồm lạm phát điện, đã chứng kiến giá cả tăng cao, khả năng còn tăng thêm nữa.

Bên cạnh năng lượng, giá thực phẩm tiếp tục cần đặt trong tầm ngắm, đặc biệt là do những diễn biến của hiện tượng El Nino ở Đông Nam Á.

"Giá gạo trong nước của Việt Nam đã tăng cùng với giá gạo thế giới, đẩy lạm phát gạo lên. Mặc dù gạo chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong rổ hàng hóa tính Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam (chưa tới 3,7%) và giá thịt heo tiếp tục giúp kiểm soát lạm phát thực phẩm, thực phẩm thiết yếu cũng là một điểm quan trọng đối với dự báo lạm phát", Báo cáo nêu.

Tác giả: Thế Hải

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến