Thượng tướng Nguyễn Tân Cương - Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Trung tướng Nguyễn Trọng Bình - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đã trực tiếp tới Sân bay Nội Bài động viên đoàn công tác lên đường, bắt đầu hành trình hỗ trợ nhân đạo tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương động viên các lực lượng lên đường làm nhiệm vụ (Ảnh: QPVN).
Thay mặt Quân ủy Trung ương, lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng Nguyễn Tân Cương biểu dương tinh thần chủ động khắc phục khó khăn, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ của tất cả các cơ quan, đơn vị liên quan, đặc biệt là 76 cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong lực lượng cứu hộ của quân đội đã xác định tốt nhiệm vụ, khẩn trương thu xếp công việc gia đình để lên đường thực hiện nhiệm vụ.
Tối qua (12/2), 76 quân nhân Việt Nam đã lên chuyến bay TK165 của hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ tới Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào hoạt động hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa của trận động đất kinh hoàng (Ảnh: QPVN).
Lực lượng tham gia hỗ nhân đạo, cứu trợ thảm họa tại Thổ Nhĩ Kỳ của Quân đội nhân dân Việt Nam có 76 người, gồm: Đội Quân y, thuộc Tổng cục Hậu cần 30 người; Đội cứu sập thuộc Binh chủng Công binh 30 người; Đội Chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng 9 người (gồm huấn luyện viên và chỉ huy) đưa theo 6 chó nghiệp vụ; Bộ phận chỉ huy và cơ quan 7 người.
Huấn luyện viên, chỉ huy và chó nghiệp vụ của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cũng sang Thổ Nhĩ Kỳ làm nhiệm vụ. (Ảnh: Mạnh Quân).
Bộ Quốc phòng giao Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ - Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đảm nhiệm chức vụ Tổng Chỉ huy các lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ cho biết, ngoài lực lượng nói trên, đoàn của Quân đội nhân dân Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ lần này có mang theo 42.110 kg vật chất bao gồm tất cả các trang thiết bị chuyên dụng và vật chất hậu cần bảo đảm cho đoàn đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ tự lo trong thời gian 1 tháng.
"Khi đến hiện trường chúng tôi sẽ trao đổi với phía Thổ Nhĩ Kỳ, trên cơ sở đó để nhận nhiệm vụ. Đến khi nhận nhiệm vụ tại hiện trường, chỉ huy cùng với các lực lượng sẽ khảo sát hiện trường luôn và lên kế hoạch tìm kiếm các nạn nhân còn đang mắc kẹt trong đống đổ nát", Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ nói và cho biết, dự kiến chiều tối 13/2, đoàn sẽ đến hiện trường và thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm luôn.
Chia sẻ trước giờ lên đường, Thiếu tá Lê Đức Tài - Tiểu đoàn 93 Binh chủng công binh cho biết, hành trang lực lượng mang theo gồm: Bộ dò tìm tổng hợp, sử dụng phát hiện nạn nhân ở trên cạn cũng như ở dưới nước; Camera mắt rắn dùng để đưa vào vị trí mà nạn nhân nằm trong những ngách nhỏ, hẹp sâu; Thiết bị chuyên dụng có thể phát hiện cảm biến được nhịp tim cũng như chuyển động của nạn nhân với khoảng cách 18m; Bộ kích mềm, kích hơi sử dụng kê kích những tấm cấu kiện bê tông để đưa nạn nhân ra ngoài; Bộ kích thủy lực dùng để kích cấu kiện bê tông với trọng tải 15 tấn;....
Bộ dò tìm tổng hợp, sử dụng phát hiện nạn nhân ở trên cạn cũng như ở dưới nước (Ảnh: QPVN).
Camera mắt rắn dùng để đưa vào vị trí mà nạn nhân nằm trong những ngách nhỏ, hẹp sâu (Ảnh: QPVN).
Bộ kích thủy lực dùng để kích cấu kiện bê tông với trọng tải 15 tấn (Ảnh: QPVN).
Theo thông tin tiền trạm, nhiệt độ hiện trường tại Thổ Nhĩ Kỳ lạnh dưới 10 độ C. Đây là một thách thức lớn cho lực lượng cứu trợ đến từ Việt Nam bên cạnh những rủi ro trong quá trình tìm kiếm cứu nạn.
Thiếu úy Nguyễn Đức Nhất - Tiểu đoàn 93 Binh chủng công binh chia sẻ: Hành trang của các anh mang theo là chiếc áo bông 2 lớp có in hình lá cờ Tổ quốc trước ngực; mũ bông và mũ len để giữ ấm cho đầu. Ngoài ra, lực lượng của đoàn còn được trang bị những bộ áo giữ nhiệt, quá trình thực hiện nhiệm vụ mang vác vật nặng thì có đôi găng tay chuyên dùng và kính chống bụi.
Rất nhiều áo ấm được lực lượng mang đi để chống chịu với thời tiết rất lạnh ở Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: QPVN).
"Chúng tôi cũng đã trang bị những đôi ủng chuyên dụng có thể chống nước, chống rét. Tâm thế của chúng tôi là sẵn sàng ngủ ngoài trời, làm việc xuyên đêm, xuyên giá lạnh để làm sao có thể nhanh chóng cứu được các nạn nhân đang mắc kẹt trong đống đổ nát", Thiếu úy Nguyễn Đức Nhất nêu quyết tâm.
Hành trang lên đường của những người lính công binh còn là sự ủng hộ hết lòng của hậu phương, gia đình. Thượng úy Kiều Đức Toàn (Tiểu đoàn 93 Binh chủng công binh) cùng người vợ tương lai đã quyết định hoãn lại đám cưới vào ngày 27/2 tới đây để anh lên đường thực hiện nhiệm vụ.
Thượng úy Kiều Đức Toàn trước giờ lên đường sang Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: QPVN).
"Người yêu em hoàn toàn ủng hộ và động viên an tâm công tác, sang bên ấy chấp hành nhiệm vụ, giữ an toàn. Cô ấy chuẩn bị cho em rất nhiều thứ từ thuốc men, quần áo cùng những nhu yếu phẩm cần thiết nhất. Cả 2 bên gia đình cũng động viên em rất nhiều, tạm gác lại đám cưới, chờ em thực hiện nhiệm vụ xong thì mới tổ chức hôn lễ chu toàn nhất", Thượng úy Kiều Đức Toàn chia sẻ.
Tác giả: Nguyễn Dương
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy